Nhiều thách thức khi đón 120 người Việt mắc Covid-19 từ Guinea Xích Đạo

NDO -

Bình ô-xy trên máy bay khác với bình ô-xy y tế thông thường, không được sử dụng loại thuốc sát trùng dễ gây cháy nổ, nguy cơ bệnh nhân suy hô hấp trên máy bay rất cao... Không ít thách thức trong chuyến bay đón 250 công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo về nước ngày 29-7 tới đây, trong đó có 120 người mắc Covid-19.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Chuẩn bị y tế tốt nhất đón công dân về nước

Theo thông tin từ ba công ty có người lao động và quản lý đang làm việc tại Guinea Xích Đạo thuộc châu Phi, trong số 250 người Việt tại đây đã phát hiện 120 ca mắc Covid-19. 

Trong số 120 bệnh nhân có 46 người có bệnh mãn tính kèm theo (là nhóm dễ có biến chứng hơn) như loét dạ dày, cao huyết áp, tim mạch, viêm phế quản. Ngoài 120 bệnh nhân Covid-19, còn bảy người phải nhập viện để theo dõi bệnh khác, ba người bị sốt rét, một người trong đó vừa sốt rét vừa mắc Covid-19.

Tuổi trung bình của số công nhân và quản lý này là 38 tuổi, thấp nhất là 19, cao nhất là 68. Trong đó 135 người (62%) có độ tuổi từ 19-39, 63 người (29%) ở độ tuổi 40-49, có 8 người (8%) độ tuổi từ 50-59 và 4 người (2%) tuổi hơn 60.

Theo kế hoạch, dự kiến đầu tháng 8 mới có chuyến bay đón những công dân này về nước, nhưng đến nay, chuyến bay sẽ được đẩy lên sớm hơn. Máy bay sẽ bay 12 giờ từ Việt Nam sang Guinea Xích Đạo vào ngày 28-7 và sẽ mất 15 giờ (bao gồm thời gian tiếp nhiên liệu ở một sân bay khác) để trở về Việt Nam ngày 29-7. 

Về công tác y tế, Bộ Y tế đã lên kế hoạch tốt nhất về mặt y tế để đón 120 người bệnh về nước, bảo đảm an toàn cho cả những người không mắc bệnh.

Theo TS, BS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện đã chuẩn bị xong mọi công đoạn về nhân lực, thiết bị.

Theo đó, bệnh viện cử hai bác sĩ và hai điều dưỡng làm việc tại khoa Cấp cứu mang theo hai máy thở, máy monitor theo dõi, quần áo phòng hộ và các thiết bị y tế khác đi trên chuyến bay.

Các kế hoạch trên đường đi từ sàng lọc bệnh nhân tại nơi tiếp nhận cho tới kế hoạch cung ứng chế độ ăn, uống trên máy bay đều được tính toán. Phương án chuẩn bị phòng ốc, trang bị phòng hộ và thiết bị sát khuẩn trong lúc đón về bệnh viện cũng được chuẩn bị sẵn sàng. 

Để chuẩn bị tốt nhất cho việc tiếp đón, điều trị cho 120 ca bệnh Covid-19, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện đang lên kế hoạch chuyển 120 bệnh nhân mắc các bệnh truyền thống đang điều trị tại bệnh viện sang các cơ sở y tế khác. 

Sau khi máy bay hạ cánh tại sân bay Nội Bài chiều 29-7, toàn bộ số người lao động này sẽ được chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để cách ly, theo dõi.

Những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 sẽ được điều trị tại đây. Hiện bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên y tế để tiếp nhận lượng bệnh nhân lớn nhất từ đầu vụ đại dịch tại Việt Nam.

Bảo đảm an toàn chuyến bay, tránh lây nhiễm chéo

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, sau 12 giờ bay sang Guinea Xích Đạo, các bác sĩ sẽ tiến hành phân loại bệnh nhân để có phương án sắp xếp vị trí, chỗ ngồi cũng như theo dõi sức khỏe những trường hợp nặng. 

“Việc di chuyển 15 giờ đồng hồ trở về Việt Nam trên máy bay 300 chỗ ngồi có tới 120 bệnh nhân Covid-19 là môi trường lây nhiễm rất lớn. Vì thế, việc bảo đảm an toàn cho phi hành đoàn rất quan trọng”, BS Cấp cho hay. 

Để phục vụ được nhu cầu ăn uống, vệ sinh trong suốt 15 giờ bay, ngành y tế cũng tính toán lắp một buồng áp lực âm, vô khuẩn và chỉ sử dụng được một người trên máy bay. Buồng này được bơm không khí sạch liên tục, bảo đảm an toàn khi bỏ khẩu trang. Mọi người sẽ lần lượt được ăn uống tại buồng vô khuẩn này. 

Việc cách ly được người nhiễm và chưa nhiễm cũng rất quan trọng nên sẽ có vách ngăn giữa hai đối tượng này. Các chuyên gia cũng tính toán kỹ lưỡng việc sát trùng vệ sinh, sát trùng lối đi để tách biệt các đối tượng, tránh lây nhiễm chéo trên máy bay. 

Thực tế, điều kiện trên máy bay khác so với mặt đất với diện tích máy bay nhỏ, nguồn điện thấp, bình ô-xy trên máy bay là loại riêng không phải bình ô-xy y tế bình thường, không được sử dụng loại thuốc sát trùng dễ gây cháy nổ... 

Mặc dù trong máy bay có hệ thống điều áp nhưng cũng không thể bảo đảm được như ở mặt đất. Phân áp ô-xy trong không khí ở độ cao giảm hơn so với mặt đất, có khả năng xảy ra tình huống có bệnh nhân bị suy hô hấp trong quá trình bay.  

Do đó, việc chuẩn bị trang thiết bị để sắp xếp các vị trí cấp cứu, phương án bảo đảm an toàn phải tính toán hết sức kỹ lưỡng. “Phương châm đặt ra là những đối tượng nào không bảo đảm an toàn sức khỏe trên máy bay phải để lại, điều máy bay chuyên dụng chở về sau", BS Cấp cho biết.

Hiện nay, một chuyên gia của Đại học Bách Khoa cũng đã thiết kế và chế tạo thiết bị lọc không khí, các màng chắn, lều áp lực dương trên chuyến bay này.