Nhiều tác phẩm văn học mới về chiến tranh cách mạng và người lính

Sau một năm không tổ chức do dịch Covid-19, Trại sáng tác văn học đề tài "Chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang" vừa được khai mạc tại thành phố Cần Thơ với sự tham gia của các nhà văn trong và ngoài quân đội. Nhiều tác phẩm đã được các tác giả hoàn thành trong thời gian dự trại, góp phần bồi đắp cho dòng văn học viết về chiến tranh cách mạng và người lính.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Quân khu 9 và các nhà văn dự Trại sáng tác văn học đề tài "Chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang".
Lãnh đạo Quân khu 9 và các nhà văn dự Trại sáng tác văn học đề tài "Chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang".

Dòng văn học viết về chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ lực lượng vũ trang bao năm nay vẫn như dòng sông mạnh mẽ tuôn chảy trong mạch nguồn văn học nước nhà với nhiều tác phẩm xuất sắc ở các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự, thơ, trường ca…

Dòng văn học này luôn được sự hưởng ứng tham gia sáng tác của nhiều thế hệ các nhà văn trong và ngoài quân đội. Nếu nhìn theo "góc độ quân sự" thì họ được ví như ba thứ quân: lực lượng chính quy là các nhà văn quân đội, lực lượng các cán bộ, chiến sĩ quân đội tay súng, tay bút và nhất là lực lượng không mặc áo lính, nhưng say mê sáng tác về người lính được gọi vui là đội ngũ "dân quân tự vệ" trong toàn dân, cũng bởi thế nhiều tác phẩm về quân đội ra đời.

Trong những năm qua, dòng văn học viết về chiến tranh cách mạng và người lính ngày càng phong phú, mạnh mẽ hơn, được tiếp thêm lửa sáng tác khi Tổng cục Chính trị Quân đội phối hợp Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Nhà xuất bản Quân đội tổ chức định kỳ hằng năm các trại sáng tác về đề tài "Chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang".

Năm nay, trại sáng tác được tổ chức tại thành phố Cần Thơ, tiếp tục quy tụ cả "ba thứ quân", trong đó có những tên tuổi văn học là những nhà văn cầm bút từ những cuộc kháng chiến của đất nước: Hà Ðình Cẩn (Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật), Trần Văn Tuấn (Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, Giải thưởng Văn học ASEAN), Cao Duy Sơn (Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, Giải thưởng Văn học ASEAN), Hoàng Dự, Hoàng Quý, An Bình Minh, Châu La Việt (Giải thưởng Bộ Quốc phòng 2009-2014)…

Nhiều nhà văn trong số này đều là những cựu chiến binh, từng trải qua những năm tháng chiến tranh, có nhiều tâm huyết với đề tài chiến tranh, người lính, bởi đó chính là cuộc đời, là tình yêu của họ.

Gần như suốt cuộc đời, họ chỉ viết về người lính và những đồng đội của mình. Ðến nay, cho dù đã có tuổi, nhưng sức viết của các nhà văn vẫn rất mạnh mẽ, nhất là khi được kể về những năm tháng chiến đấu hào hùng, thể hiện tình yêu văn học cũng như tình cảm gắn bó nồng nàn với quân đội.

Cùng với thế hệ các nhà văn cựu chiến binh một thời đạn lửa, có một lực lượng cây bút trẻ hơn tham gia trại viết cũng rất đáng khích lệ, có người vẫn mặc áo lính, là sĩ quan quân đội như Nguyễn Thanh Tú, cây bút tên tuổi của tạp chí Văn nghệ quân đội, hay các cây bút gắn bó với miền sông nước Cửu Long: Nguyễn Trung Nguyên, Lê Minh Nhựt, Ðào Ngọc Vinh, Trương Chí Hùng và hai cây bút nữ Quỳnh Vân, Vương Thị Thu Thủy.

Trong hai tuần tham gia trại sáng tác, các nhà văn sẽ có điều kiện hoàn thiện những tác phẩm ấp ủ sáng tác trong năm qua cùng các tác phẩm mới được thực hiện trong thời gian dự trại.

Qua những bản thảo của những nhà văn kỳ cựu, có thể thấy sức sáng tạo của họ vẫn hết sức dồi dào. Với nhà văn Hà Ðình Cẩn, sau tác phẩm Mây vẫn bay về trời được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Ðến với trại viết lần này, ông vừa hoàn thành bản thảo tiểu thuyết Muối của đảo viết về những hy sinh gian khổ, nhưng vô cùng thầm lặng của những người chiến sĩ ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ vững chắc biển, đảo của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, vẫn với đề tài chiến tranh và người lính, ông tiếp tục hoàn thành một tiểu thuyết mang tên Vùng da báo lấy bối cảnh gian khổ và ác liệt của những người lính Quân khu 6 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước năm xưa…

Nhà văn Cao Duy Sơn tiếp tục đề tài miền núi đã đi vào lòng người và đang hoàn thiện tiểu thuyết mang tên Oán ca từ đáy thẳm - câu chuyện xoay quanh việc giữ gìn và bảo vệ những nét văn hóa đặc sắc tiêu biểu của người miền núi, mà ở đó, hình ảnh những người lính trở về từ chiến tranh chính là trung tâm…

Với lao động miệt mài, sức sáng tạo không ngừng nghỉ, nhà văn An Bình Minh cơ bản đã hoàn thành bản thảo tiểu thuyết Bi tráng Trường Sơn. Với một lối viết mới, hấp dẫn theo thể loại "tiểu thuyết ứng dụng", hứa hẹn sẽ đem đến nhiều bất ngờ cho bạn đọc hôm nay.

Bên cạnh tập bản thảo bút ký viết về chân dung các danh nhân văn hóa và tướng lĩnh - những người anh hùng dân tộc mang tên Núi rộng sông dài, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc lại tập trung hoàn thành cuốn tiểu thuyết viết về những mất mát hy sinh của quân và dân miền sông nước trong những năm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mang tên Miền cỏ tranh.

Một trong những nhà văn vẫn khá sung sức là Hoàng Dự. Sau chiến tích tiểu thuyết Ðường đời (tái bản đến chín lần), nhà văn đến trại để hoàn thành tiểu thuyết Nước mắt quê hương và tiếp tục triển khai bản thảo cuốn Nữ tử tù.

Không thể không kể đến nữ nhà văn Vương Thị Thu Thủy sau khi đã cho ra đời tác phẩm Vùng đất thiêng được trao giải thưởng về văn học nghệ thuật của tỉnh Bình Phước năm 2021, chị tiếp tục hoàn thành tiểu thuyết mang tên Một nửa yêu thương ở trại viết…

Một nữ nhà văn khác là Quỳnh Vân cũng dành thời gian ở trại viết để hoàn thành cuốn tiểu thuyết viết về những Anh hùng phi công trong cuộc chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội, nhất là trong 12 ngày đêm chiến thắng pháo đài bay của B.52 Mỹ năm 1972.

Một tác giả đặc biệt là nhà văn Xuân Hùng, ngoài nhiệm vụ là Trưởng trại sáng tác, anh còn có công trình nghiên cứu tiểu luận phê bình Hình tượng người lính trong tiểu thuyết viết về chiến tranh-góc nhìn của độ lùi lịch sử. Ðây là một công trình nghiên cứu của một người viết trẻ, thế hệ 8X nhìn về chiến tranh qua tư liệu…

Ngoài các tập truyện ngắn, bút ký mang nét văn hóa đặc sắc miệt vườn sông nước, các nhà văn miền Tây Nam Bộ như: Lê Minh Nhựt, Ðào Ngọc Vinh, Trương Chí Hùng… cũng tập trung xây dựng và hoàn thành những cuốn tiểu thuyết về vùng đất, con người Nam Bộ trong và sau chiến tranh, về những chiến sĩ Quân khu 9 trong lòng nhân dân xứ miệt vườn, tái hiện nét sinh động của cuộc sống cùng hình ảnh người lính giúp dân trong cuộc chiến đấu với thiên tai, bão lũ, ngày đêm đến từng nhà người dân để thăm hỏi, giúp đỡ họ trong đợt đại dịch Covid-19...

Với việc tổ chức trại sáng tác văn học về đề tài "Chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang" ở một quân khu, một miền đất anh hùng trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và đang mạnh mẽ vươn lên trong xây dựng hòa bình mang nhiều ý nghĩa động viên, tạo cảm hứng sáng tạo cho các nhà văn, góp phần bồi đắp cho dòng văn học về người chiến sĩ và chiến tranh cách mạng trong sự phát triển của văn học nước nhà ■