Lạm phát tại EU hạ nhiệt

Sau nhiều tháng liên tiếp xô đổ các mốc kỷ lục, tỷ lệ lạm phát tại các nước Liên minh châu Âu (EU) đã bước đầu hạ nhiệt. Sức ép phần nào đã dịu bớt, song giá cả tăng cao vẫn là nguy cơ lớn, đe dọa cản đà phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế EU trong năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân mua hàng tại siêu thị ở Vienna, Áo. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân mua hàng tại siêu thị ở Vienna, Áo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo số liệu Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) vừa công bố, tỷ lệ lạm phát của Khu vực đồng euro (Eurozone) giảm xuống 9,2% trong tháng 12/2022. Đây là tháng thứ hai liên tiếp lạm phát tại Eurozone giảm, sau khi chạm mốc kỷ lục 10,6% trong tháng 10, cao hơn năm lần so mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra. Các chuyên gia kinh tế phụ trách Eurozone của Bloomberg Economics nhận định lạm phát toàn phần của EU đã qua đỉnh. Con đường đi xuống của lạm phát còn gập ghềnh, nhưng xu hướng tăng sẽ được đảo ngược.

Trong số 20 quốc gia sử dụng đồng euro, Tây Ban Nha ghi nhận tỷ lệ lạm phát thấp nhất, ở mức 5,6%. Ngoài ra, cơn bão giá cũng dịu dần ở các nền kinh tế hàng đầu khu vực. Vẫn ở mức cao, nhưng lạm phát của Đức trong tháng cuối năm 2022 đánh dấu sự cải thiện đáng kể, nếu so với mức 10,4% trong tháng 10, thời điểm lạm phát được ghi nhận cao nhất trong 70 năm.

Cố vấn kinh tế của Chính phủ Đức Monika Schnitzer nhận định, lạm phát tại nền kinh tế đầu tàu EU này có thể đã đạt đỉnh. Trong khi đó, lạm phát tại Pháp trong tháng cuối năm 2022 bất ngờ xuống còn 6,7%, từ mức cao kỷ lục 7,1% vào tháng trước đó. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire (B.Lơ Me) dự báo, lạm phát tại nước này duy trì đà giảm trong năm 2023.

Theo Bloomberg, yếu tố chính giúp hãm phanh tốc độ tăng giá tại EU là giá khí đốt giảm. Nhu cầu giảm do thời tiết ấm kéo dài hơn bình thường trong mùa đông, cùng nỗ lực làm đầy kho dự trữ nhiên liệu của các nước đã khiến giá khí đốt ở châu Âu xuống mức thấp nhất kể từ khi xung đột nổ ra tại Ukraine.

Ngoài ra, giới phân tích nhận định, các gói giải pháp của chính phủ các nước và việc ECB liên tục tăng lãi suất cũng góp phần ghìm cương lạm phát. Trong năm 2022, ECB đã khép lại giai đoạn lãi suất âm kéo dài nhiều năm và tăng lãi suất bốn lần liên tiếp. Mới đây nhất, ngân hàng này tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm, lên 2,5%, mức cao nhất kể từ năm 2008.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, ECB sẽ còn tăng lãi suất cho đến khi có thể bảo đảm lạm phát trở lại mức mục tiêu. Với tuyên bố của bà Lagarde, nhiều chuyên gia cho rằng, tại cuộc họp dự kiến diễn ra ngày 2/2 tới, ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất để duy trì đà hạ nhiệt lạm phát hiện nay.

Bất chấp những dấu hiệu cho thấy áp lực tăng giá tại EU giảm bớt, EU vẫn đối mặt những nguy cơ với nền kinh tế. Chủ tịch ECB thừa nhận, vẫn có lý do để lo ngại về khả năng lạm phát tăng trở lại. Trên thực tế, lạm phát toàn phần của EU đã giảm, song tốc độ giảm của lạm phát lõi (không bao gồm những thay đổi về giá lương thực và năng lượng) vẫn chậm.

Giá khí đốt giảm góp phần kiềm chế tốc độ tăng giá chóng mặt tại EU, tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo một đợt giá lạnh đột ngột vẫn có thể khiến giá khí đốt tăng trở lại. Hiệp hội Các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng nhất của Pháp cho biết, sự cạnh tranh giữa châu Âu và các khu vực khác trong nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng cũng có thể đẩy giá lên cao hơn, khiến nỗ lực hạ nhiệt lạm phát gặp nhiều khó khăn.

Theo giới phân tích, lạm phát tại EU tăng cao chủ yếu do giá năng lượng leo thang. Ngoài ra, các yếu tố như giá thực phẩm tăng, chuỗi cung ứng gián đoạn… cũng là những yếu tố khiến tình trạng lạm phát tại EU nghiêm trọng. Vì vậy, để tìm lời giải cho bài toán lạm phát, EU cần xử lý được các nguyên nhân gốc rễ nêu trên, chứ không chỉ phụ thuộc vào sự tăng giảm của giá năng lượng.

Lạm phát tăng cao là gánh nặng đè trên vai nhiều người dân châu Âu và cũng là bài toán khó khiến các nhà lãnh đạo EU trăn trở tìm lời giải. Duy trì xu hướng lạm phát giảm và bảo đảm tốc độ phục hồi kinh tế là nhiệm vụ cấp bách của EU thời gian tới.