Theo kết quả kinh doanh năm 2020 của Tổng Công ty Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF), thiệt hại 6,8 tỷ euro, doanh thu của họ chỉ đạt 30 tỷ euro vào năm ngoái, giảm 14% so năm 2019.
Lĩnh vực “Đường sắt cao tốc”, bao gồm: TGV Inoui, Ouigo, Eurostar và Thalys giảm 54% doanh thu và giảm 48% số lượng hành khách trong năm 2020. Tương tự, đối với các chuyến tàu ngoại ô Paris, Transilien giảm 45% số hành khách, còn các chuyến tàu liên tỉnh TER giảm một phần ba số hành khách.
Ông Jean-Pierre Farandou, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành SNCF cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu chưa có tiền lệ, SNCF đã thực hiện một kế hoạch tiết kiệm triệt để. Nhà nước đã hỗ trợ Tập đoàn bằng cách lập phương án khôi phục đường sắt. Tập đoàn đang tăng tốc thích ứng với lĩnh vực công nghiệp và thương mại và tiếp tục phát triển. Tham vọng của SNCF là đến năm 2030 đứng hàng đầu thế giới về vận chuyển hàng hóa và hành khách bền vững.
Giống như ngành đường sắt, lĩnh vực hàng không cũng ghi nhận những tổn thất nặng nề vào năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19.
Hãng hàng không Air-France-KLM năm 2020 ghi nhận khoảng lỗ ròng chưa từng có 7,1 tỷ euro, giảm 59% so năm 2019. Hãng này cho biết, quý đầu của năm 2021 cũng chưa thấy tín hiệu khả quan.
Ông Benjamin Smith, Giám đốc điều hành hãng cho biết, năm 2020 đã khiến hãng Air France-KLM lâm vào thử thách với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất chưa từng xảy ra với ngành hàng không.
Trong năm 2020, nhà sản xuất máy bay Airbus có trụ ở ở Blagnac, gần TP Toulouse thiệt hại 1,1 tỷ euro, cung cấp ra thị trường 566 máy bay, giảm một phần ba số máy bay so năm trước (863 máy bay). Nhà sản xuất Airbus không hy vọng thị trường sẽ phục hồi ngay lập tức, năm 2021 họ chỉ hy vọng giao được số lượng máy bay bằng năm 2020.
Tương tự, nhà sản xuất ô-tô Pháp Renault thông báo khoản lỗ lịch sử 8 tỷ euro vào năm 2020. Năm 2020, hãng này bán được gần 3 triệu chiếc xe ô-tô, giảm 21,3% so năm 2019.