Về thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên (Hoài Đức, Hà Nội) những ngày này, có thể cảm nhận phong trào nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt toàn thôn, cùng rất nhiều mô hình nông nghiệp mới. Từ trên đê nhìn xuống, cả một vùng bờ bãi xanh mướt bởi những cánh đồng rau đạt chuẩn VietGAP, những con đường bê-tông chạy ngang dọc như bàn cờ trên cánh đồng.
Sản xuất nông nghiệp bên lề đô thị
Ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ cho biết, hợp tác xã chuyển sang hoạt động kiểu mới từ năm 2016 đến nay, với 500 thành viên góp vốn. Hiện, Hợp tác xã Tiền Lệ có 33 ha rau trồng theo quy trình VietGAP. Đây cũng chính là mô hình điểm của Hoài Đức, chủ yếu sản xuất cải mơ, cải cúc, cải ngồng, bắp cải; mùng tơi, su hào, súp lơ, củ cải ta...
Thương hiệu, chất lượng, uy tín của rau an toàn Tiền Lệ đã được cấp nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý và được 10 doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu khoảng 50% tổng sản lượng của toàn hợp tác xã. Tại đây, có nhiều doanh nghiệp thu mua rau của bà con nông dân, sơ chế đóng gói tại nhà máy đặt ngay trên cánh đồng Tiền Lệ rồi phân phối đến các siêu thị, cửa hàng rau sạch tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Khắc Đạo, xã viên Hợp tác xã Tiền Lệ có 7 sào rau ăn lá trồng cải ngồng, cải chíp, cải cúc..., chủ yếu do hai vợ chồng canh tác. Bình quân gia đình gieo 8 vụ rau/năm, doanh thu khoảng 20 triệu đồng/tháng, trừ chi phí, gia đình ông Đạo thu lãi 14 triệu đồng/tháng. Anh Cao Văn Chiến, một xã viên khác tham gia nhóm sản xuất rau sạch, thu nhập ổn định 50-60 triệu đồng/năm.
Trung bình một ngày, hợp tác xã thu hoạch và tiêu thụ khoảng 15-20 tấn rau với giá bán từ 10-15 nghìn đồng/kg. Hợp tác xã tạo việc làm cho hàng trăm lao động thường xuyên tại địa phương, mang lại thu nhập ổn định cho người dân trong toàn xã.
Theo ông Nguyễn Văn Hào, các hộ dân tham gia mô hình liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp đều ký cam kết nếu kiểm tra rau đến kỳ thu hoạch mà có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng sẽ bị phạt 2 triệu đồng. Từ nhiều năm nay, việc lấy mẫu rau để kiểm tra được cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp thực hiện thường xuyên, ngẫu nhiên hằng tuần, hằng tháng và đến nay chưa có hộ dân nào vi phạm. Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ đã có 4 sản phẩm được thành phố xếp hạng OCOP 4 sao gồm: Rau dền, mùng tơi, cải ngồng, cải mơ.
Nuôi cua biển... trên ruộng
Ở giữa cánh đồng rau Tiền Lệ, chúng tôi ngỡ ngàng khi lạc vào một trang trại nuôi cua bể nước mặn. Trang trại chỉ rộng 500m2, nhưng lắp đặt hệ thống thiết bị nuôi cua liên hoàn bán tự động, với 6.000 chiếc hộp lồng chuyên dụng nuôi cua, trong mỗi hộp lồng chỉ nuôi một con. Hệ thống nước biển chảy tuần hoàn theo đường ống vào từng hộp lồng. Sau đó, nước từ các hộp nuôi cua liên tục chảy ra theo các đường ống dẫn đến hệ thống bể lọc, trong đó có bể lọc vi sinh xử lý chất thải. Nước sau khi lọc được thu hồi cho bơm trở lại cấp vào đường ống nước dẫn đến các hộp nuôi cua.
Anh Nguyên Vũ, chủ trang trại cho biết, toàn bộ nước sử dụng nuôi cua tại đây là nước biển từ Hạ Long, được anh nhập về đến trang trại với giá 500 nghìn đồng/m3. Hiện tại trang trại sử dụng khoảng 50m3 nước biển, lượng hao hụt khoảng 10% mỗi tháng có thể bổ sung bằng nước ngọt. Thức ăn cung cấp cho cua là vẹm xanh, dắt biển, hàu… với chi phí thức ăn trung bình cho mỗi con cua vào khoảng 1.000 đồng/ngày. Cua bể cốm, cua bể lột hiện tại được anh bán cho các nhà hàng, các cửa hàng đặc sản hữu cơ ở Hà Nội với giá 600 nghìn đồng/kg (khoảng 100-120 nghìn đồng/con). Tại các cửa hàng, cua lột được bán với giá 800-900 nghìn đồng/kg.
Hoạt động từ tháng 3/2022, đến nay trang trại đã qua 3 lứa nuôi, với lượng trung bình mỗi tháng trại cua xuất ra 400-600 kg cua cốm đến các siêu thị thực phẩm sạch tại Hà Nội và khách lẻ, đạt doanh thu từ 240-360 triệu đồng. Lợi nhuận mỗi lứa (1 tháng/lứa) khoảng 120 triệu đồng. Với chi phí đã đầu tư 2 tỷ đồng để xây nhà nuôi và lắp đặt hệ thống hộp nuôi, trang thiết bị tuần hoàn nước, cùng với tiền thuê ruộng của nông dân với giá 15 triệu đồng/tháng để làm trang trại, anh Nguyên Vũ dự tính sau 2 năm sẽ thu hồi được vốn. Lứa tới đây, Nguyên Vũ sẽ nâng số lượng nuôi lên 6.000 con, nhằm khai thác tối đa 6.000 hộp lồng đã đầu tư lắp đặt.
Đối với nông dân ở Tiền Lệ, Nguyên Vũ khoe từ khi về đây làm mô hình này, bà con nông dân chung quanh đến xem rất nhiều. Người dân ở đây đang chủ yếu trồng rau, nuôi lợn và gà. Tham quan, chứng kiến mô hình, nhiều người thấy thích, họ đặt vấn đề muốn kết hợp nuôi cua theo mô hình này. Ngay chủ cho anh thuê đất, đang có một trại gà nhưng đã dự kiến sang năm sẽ chuyển sang đầu tư nuôi cua cốm. Trong khi nuôi gà lợn vừa ô nhiễm, lại vất vả, thì nuôi cua rất sạch sẽ, vì không có nước thải và chất thải ra ngoài.
Tiền Yên là xã đạt chuẩn nông thôn mới từ nhiều năm nay. Hoài Đức đang trong hành trình lên quận, tuy nhiên ở khu vực phía tây đường vành đai 4 quy hoạch (đang trong giai đoạn quy hoạch chuẩn bị triển khai xây dựng), nhất là phía ngoài đê sông Đáy, được quy hoạch là vành đai xanh, không phát triển đô thị. Vì vậy, Tiền Lệ với phần lớn đất đai ở ngoài đê sông Đáy, không được định hướng đô thị hóa, mà vẫn phát triển nông nghiệp lâu dài. Với khu vực vành đai xanh ven đô, canh tác nông nghiệp xanh, sạch, không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp tiếp giáp đô thị được coi là hướng đi đúng đắn. Đặc biệt, những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như mô hình nuôi cua bể cần được nghiên cứu, nhân rộng.
Theo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, hiện có 1.342 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 70 hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 50 hợp tác xã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 180 sản phẩm của 53 hợp tác xã được thành phố công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP.