Nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn

NDO - Trong bối cảnh du lịch bền vững ngày càng trở nên cần thiết, việc phát triển du lịch kết hợp với nông nghiệp sạch không chỉ tạo ra cơ hội kinh doanh mới mà còn góp phần tăng cường phát triển bền vững cho các địa phương. Tuy nhiên, Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong việc phát triển du lịch cộng đồng chất lượng và tạo ra những sản phẩm du lịch giá trị.
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong việc phát triển du lịch cộng đồng chất lượng và tạo ra những sản phẩm du lịch giá trị.
Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong việc phát triển du lịch cộng đồng chất lượng và tạo ra những sản phẩm du lịch giá trị.

Trước thực tế đó, chiều 14/9, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội thảo “Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn”. Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động AgroViet 2023 diễn ra từ ngày 14 đến 17/9 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn những năm qua được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế cả nước với nhiều mục tiêu luôn vượt kế hoạch đề ra. Toàn ngành nông nghiệp đã quyết tâm cao, nỗ lực vươn lên, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới tư duy để vượt qua khó khăn, thách thức từ các tình huống bất bình thường của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhằm đạt các mục tiêu phát triển.

Nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn ảnh 1

Hội thảo “Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn” chiều 14/9.

Giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) năm 2022 tăng cao nhất trong những năm gần đây: Năm 2019 tăng 2,67%; năm 2020 tăng 3,04%; năm 2021 tăng 3,27%; năm 2022 tăng 3,36%. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,88%; thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trên 53,22 tỷ USD. Bên cạnh đó, tỉ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%.

Tuy nhiên theo đánh giá, nhận định của các cơ quan chuyên môn, sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong thời gian qua còn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững. Sản xuất nông nghiệp đã và đang làm gia tăng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn đất, nước, tác động xấu đến hệ sinh thái nói chung, hệ sinh thái nông nghiệp nông thôn nói riêng và đang tác động tiêu cực đến sức khỏe nhân dân. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp bền vững, xanh, thân thiện với môi trường là đích đến mà Việt Nam và tất cả các quốc gia trên thế giới đã và đang phải hướng đến.

Ngày 1/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP26 về giảm phát thải khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050. Đồng thời, Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định rõ mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái và thân thiện với môi trường. Cùng với đó, toàn ngành nông nghiệp đang chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp trên cơ sở tích hợp đa giá trị, trong đó có văn hoá và tài nguyên môi trường.

Như vậy, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch nông thôn được đánh giá là xu hướng phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay nhằm hiện thực hoá các cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng thế giới cũng như góp phần định hướng một ngành nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả. Mô hình này sẽ giúp khai thác nguồn lực sẵn có địa phương, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, đời sống cho người dân địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn, giúp duy trì, quảng bá bản sắc văn hóa, đời sống nông thôn các dân tộc, vùng miền từ đó góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế cộng đồng, địa phương.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á/ ATI, Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam/VCTC cho rằng: Tình trạng phát triển du lịch chụp giật, không chuyên nghiệp và không đưa cộng đồng tham gia vào là một vấn đề đáng quan ngại mà Việt Nam đang gặp phải. Trong nhiều trường hợp, du lịch được triển khai mà thiếu đi sự tương tác và hỗ trợ từ cộng đồng địa phương, dẫn đến mất đi những giá trị văn hóa độc đáo và tương tác xã hội mà du khách mong đợi.

Theo ông Quỳnh, một sai lầm phổ biến là sự hiểu lầm giữa nhà trọ và homestay. Nhà trọ thường chỉ là nơi cung cấp chỗ ở, trong khi homestay mang đến trải nghiệm sống và giao lưu văn hóa cùng cộng đồng địa phương. Những homestay chất lượng thường phải đi kèm với sự chăm sóc và hướng dẫn từ người dân địa phương, mang đến cho du khách một môi trường tương tác, đắm chìm trong đời sống của cộng đồng và có cơ hội trải nghiệm văn hóa truyền thống.

“Thêm vào đó, việc không tận dụng và bám vào giá trị văn hóa bản địa để phát triển du lịch cộng đồng cũng đóng góp vào việc làm mất đi sự sâu sắc và khác biệt của sản phẩm du lịch. Việc hiểu và tham gia vào các hoạt động văn hóa địa phương, như lễ hội, trò chơi dân gian, ẩm thực và thậm chí việc học một vài từ ngữ cơ bản của ngôn ngữ địa phương là rất quan trọng để xây dựng một trải nghiệm du lịch ý nghĩa và tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo”, ông Quỳnh nhấn mạnh.

Nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn ảnh 2

Cần tận dụng giá trị văn hóa bản địa để phát triển du lịch cộng đồng tạo ra sự khác biệt của sản phẩm du lịch.

Tại Hội thảo các đại biểu đưa ra các giải pháp để phát triển du lịch nông nghiệp tạo hệ sinh thái kinh tế xanh trong đó tập trung vào các giải pháp: Tăng cường hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và các cơ quan liên quan, như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, để xây dựng và quảng bá thương hiệu "Travel Shopping" cho sản phẩm nông nghiệp du lịch Việt Nam.

Thúc đẩy việc hoàn thiện quy hoạch du lịch cho các vùng đất nông nghiệp được phép làm du lịch, từ đó tận dụng tài nguyên cho phát triển du lịch và nông nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho sự kết hợp và tương tác giữa hai ngành.

Đào tạo và nâng cao nhận thức về du lịch nông nghiệp cho người dân địa phương, giúp họ hiểu rõ về giá trị và tiềm năng của sản phẩm nông nghiệp với du lịch. Xây dựng các chuỗi cung ứng bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm cho sản phẩm du lịch nông nghiệp.

Khuyến khích việc đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp tại các điểm du lịch, bao gồm trang trại, vườn cây, khu chế biến nông sản địa phương...

Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, tạo điểm nhấn đặc biệt cho sản phẩm du lịch. Xây dựng các trung tâm truyền thông phụ trách riêng biệt du lịch nông nghiệp, giúp kết nối thị trường, cung cấp thông tin về sản phẩm và trải nghiệm du lịch cho khách hàng, tạo nguồn thu an toàn cho vùng nông sản.