Với diện tích 330 ha gồm chôm chôm, dâu xanh, sầu riêng, măng cụt, chuối, mít,... từ 2008 đến nay, Trung An đón khoảng 20.000-40.000 lượt khách/năm. Vì thế, ngoài nguồn lợi từ vườn, nông dân Trung An còn thêm thu nhập từ phát triển du lịch vườn, xây dựng nông thôn mới ở địa phương ngày càng phát triển.
Trải nghiệm đồng quê
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trung An Phan Kim Hoàng, năm nay, lượng khách từ các tỉnh lân cận và khách quốc tế (đi theo tour) đến tham quan vườn cây ăn trái trên địa bàn xã đã cho tổng doanh thu hơn 3 tỷ đồng.
Nếu tính luôn dịch vụ ăn uống, có những hộ doanh thu hơn 250 triệu đồng/ha. Từ lâu, nông dân nơi đây đã hoàn tất việc áp dụng kỹ thuật "trẻ hóa" cây chôm chôm, xử lý ra hoa trái vụ trên cây chôm chôm bằng cách phủ bạc ni-lông.
Để quảng bá sản phẩm, nông dân Trung An thường xuyên tham gia hội thi trái cây an toàn hằng năm tại Suối Tiên. Các sản phẩm măng cụt, chôm chôm, ổi không hạt, mít nghệ cao sản, bưởi, thanh long ruột đỏ đều đạt giải cao.
Ngoài các hình thức giới thiệu quảng bá sản phẩm các trang mạng xã hội, một số nhà vườn đã thỏa thuận với các công ty du lịch đón khách về tham quan, một số nhà vườn còn khuyến mãi mít, ổi, rau móp ủ chua khi khách mua vé thăm vườn.
Ngày nay, rất nhiều du khách mong muốn được trải nghiệm lại những ký ức tuổi thơ như tát ao bắt cá, hái trái, ăn uống ngay tại sân vườn.
Nắm bắt được nhu cầu này, cũng với mảnh vườn, luống rau, ao cá và những công cụ đồng áng từ bao đời nay, nhưng đã được người nông dân tại xã Trung An đã tận dụng, khai thác, phát huy tối đa tiềm năng sẵn có để phục vụ du khách.
Điều này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho mảng du lịch miệt vườn, mà còn mang đến ý nghĩa bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương.
Trên địa bàn xã còn có những địa danh lịch sử như Khu tưởng niệm Trung đội Gò Môn và Khu tưởng niệm Sông Lu.
Với những dấu ấn lịch sử và điều kiện tự nhiên thuận lợi đã tạo cho xã Trung An ưu thế vượt trội so với một số xã khác trên địa bàn huyện Củ Chi về việc phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, có sức thu hút du khách, đặc biệt là du lịch sinh thái vườn và tìm hiểu văn hóa lịch sử.
Theo chị Nguyễn Thu Thúy (quận Tân Phú), chị và gia đình năm nào cũng đến vườn trái cây Trung An để được thả mình vào trong không gian yên tĩnh dưới các tán cây, tận hưởng các loại trái cây ngon do chính tay mình hái, thưởng thức món ăn đặc sản "miệt vườn" do người dân nơi đây chế biến.
Còn chú Phan Minh Tân (Quận 5) cho hay: "Thời điểm cao điểm khi trái cây vào mùa chín rộ, tôi đưa con cháu đến để hiểu biết thiên nhiên, ăn các món dân dã như cá tai tượng chiên xù, cháo môn lươn, gà xé phay... Các cháu còn được đạp xe quanh các cung đường quê rợp bóng cây hay quanh đường bờ bao sông Sài Gòn với làn gió mát rượi, nghe và xem biểu diễn đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương đậm chất dân tộc...
Nhân rộng mô hình du lịch sinh thái vườn
Không giống như các địa phương khác là người nông dân "tự bơi" để làm du lịch, điểm đáng chú ý tại Trung An là với phương châm "lấy nhà nông làm trung tâm". Ngoài sự kết nối giữa nhà nông với nhà nông, ở đây còn có sự hiện diện của chính quyền với vai trò định hướng, sự đồng hành của doanh nghiệp góp phần tuyên truyền, quảng bá đưa hình ảnh du lịch của địa phương.
Anh Đặng Văn Kên, Chủ tịch Hội Nông dân xã chia sẻ: "Với những quan tâm, hỗ trợ kịp thời của chính quyền các cấp đã giúp du lịch sinh thái của địa phương dần đi vào ổn định và đã đem lại nhiều hiệu quả, phát huy những kết quả tích cực. Du lịch sinh thái ở đây còn gắn với chương trình xây dựng xã nông thôn mới, đường giao thông nông thôn được xây dựng và mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch sinh thái vườn phát triển mạnh và bền vững. Mô hình du lịch sinh thái vườn đã góp phần nâng cao ý thức của người nông dân trong sản xuất; giúp chuyển biến nhận thức của nông dân theo hướng công nghệ cao, theo quy hoạch, đặc biệt giúp nông dân chủ động, sáng tạo trong sản xuất, phát huy tốt thế mạnh về du lịch sinh thái vườn".
Mô hình du lịch sinh thái vườn trái cây ra đời như thổi làn gió mới vào nhận thức, góp thêm cách làm giàu và nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế cho người dân xã Trung An.
Không chỉ mang lại thu nhập ổn định, loại hình du lịch này còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo của địa phương. Với sự phát triển của các mô hình du lịch sinh thái vườn, người nông dân được trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch với vai trò là chủ nhân và là người hưởng lợi trực tiếp.