Nhiều khó khăn cần tháo gỡ để ngành hàng không phục hồi vị thế

NDO - Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, ngành hàng không Việt Nam đã có sự hồi phục đáng kể nhờ vào các chính sách của Chính phủ và sự hỗ trợ của toàn xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Gói hỗ trợ tín dụng 12 nghìn tỷ đồng giúp Vietnam Airlines giảm bớt khó khăn và thoát khỏi nguy cơ phá sản.
Gói hỗ trợ tín dụng 12 nghìn tỷ đồng giúp Vietnam Airlines giảm bớt khó khăn và thoát khỏi nguy cơ phá sản.

Tuy nhiên, theo dự đoán của các chuyên gia, phải mất ít nhất 2 đến 3 năm nữa các hãng hàng không mới có được lợi nhuận như thời điểm trước đại dịch. Tiến trình phục hồi và phát triển của hàng không vẫn còn nhiều thách thức, nhiều nút thắt cần tháo gỡ.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Trước những khó khăn đặc biệt của ngành hàng không, từ đầu năm 2022, Chính phủ đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ ngành mở lại hoạt động khai thác nội địa (từ tháng 1/2022) và quốc tế (từ tháng 3/2022).

Ngày 30/1/2022, Nghị quyết số 11/NQ-CP được ban hành, trong đó nhấn mạnh: “Tiếp tục hướng dẫn và triển khai thực hiện lộ trình mở cửa lại du lịch, vận tải hàng không, các ngành dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh”.

Ngay sau đó, với sự nới lỏng các quy định về phòng, chống dịch, quy định về cách ly với du khách nhập cảnh, đặc biệt việc dỡ bỏ yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với người nhập cảnh (từ ngày 15/5/2022) đã tạo cú hích cho hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế bắt đầu hồi phục, chấm dứt giai đoạn đóng băng.

Về chính sách tài chính, trước đó, vào tháng 11/2020, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ tín dụng 12 nghìn tỷ đồng giải cứu cho Vietnam Airlines.

Gói hỗ trợ kịp thời này phần nào giúp hãng bù đắp thanh khoản, tăng vốn chủ sở hữu của nhà nước tại Vietnam Airlines, giảm bớt khó khăn và thoát khỏi nguy cơ phá sản.

Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các ngân hàng thương mại ưu tiên cho các hãng hàng không vay, giảm lãi suất cho vay và mạnh dạn cho vay tín chấp.

Ngoài ra, một số chính sách hỗ trợ đặc biệt khác cũng được áp dụng riêng cho ngành hàng không như: giảm phí cất hạ cánh, điều hành bay; miễn phí bảo lãnh Chính phủ; giảm thuế bảo vệ môi trường cho các hãng bay.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết quy định giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng/lít từ ngày 1/8/2020 đến hết năm 2021.

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay xuống mức 1.500 đồng (giảm 50%) từ ngày 1/4/2022 đến hết năm 2022.

Các chính sách trên về cơ bản đã giúp ngành hàng không Việt Nam vượt qua được thời điểm khủng hoảng nhất. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn đến từ nguồn tài chính, dòng tiền cũng như sự chững lại của thị trường du lịch quốc tế. Đây là những trở ngại lớn cho ngành hàng không Việt Nam trong tiến trình phục hồi và phát triển bền vững.

Phục hồi chưa đồng đều

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ để ngành hàng không phục hồi vị thế ảnh 1

Ngành hàng không Việt Nam đã có sự phục hồi đáng kể tuy nhiên vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường nội địa.

Theo số liệu của Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải, số lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt 76,5 triệu khách, tăng 136% so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng tháng 8/2022, sản lượng khách qua cảng hàng không ước đạt 11,5 triệu khách, tăng tới 473% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao cùng với các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sử dụng đường hàng không tiếp tục tăng mạnh là bước tạo đà cho ngành hàng không bắt nhịp tăng trưởng.

Tuy nhiên, ngành hàng không vẫn còn bộn bề khó khăn. Theo dự đoán của các chuyên gia, phải mất ít nhất 2 đến 3 năm nữa các hãng hàng không mới có được lợi nhuận như thời điểm 2019. Sự phục hồi của ngành hàng không Việt Nam hiện tại nếu so với thời điểm trước dịch thì còn rất khiêm tốn và phụ thuộc nhiều vào thị trường nội địa.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không nhận định: “Các hãng hàng không Việt Nam đã khôi phục phần lớn các đường bay đến các thị trường truyền thống, tuy nhiên lượng khách quốc tế vẫn chủ yếu là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh, trong khi lượng khách du lịch còn rất hạn chế. Các thị trường du lịch lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan vẫn chưa được kích hoạt, do các quốc gia này vẫn duy trì các biện pháp chống dịch ở những mức độ khác nhau”.

Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp có chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”, ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng đưa ra những phân tích cụ thể và khẳng định: thị trường hàng không Việt Nam trên đà phục hồi nhưng chưa đồng đều ở các phân khúc, biểu hiện ở việc thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn nhưng thị trường quốc tế phục hồi rất chậm. Vận chuyển hành khách trong nước năm 2022 tăng 12% so với năm 2019.

Trong khi đó, vận chuyển hàng hoá quốc tế tăng nhưng nội địa giảm. Doanh thu của ngành được đánh giá là không tương ứng do giá nhiên liệu và một số giá đầu vào tăng lên.

Trước đó, vào tháng 11/2021, Vietnam Airlines từng xây dựng kịch bản nhiên liệu bay dự kiến là 80 USD/thùng Jet A1. Tuy nhiên sang năm 2022, bình quân 6 tháng đầu năm giá nhiên liệu lên tới 116 USD/thùng Jet A1, đến tháng 7 là 165 USD/thùng Jet A1 - gấp đôi dự kiến. Nguyên nhân trên dẫn tới thực trạng các hãng hàng không vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện nhiều.

Bên cạnh đó, trong khi các doanh nghiệp kinh doanh trong vận chuyển hạ tầng có sự phục hồi mạnh mẽ thì các hãng hàng không, các doanh nghiệp cung ứng vận chuyển hành khách vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Nửa đầu năm 2022, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) mặc dù đạt doanh thu thuần gần 30 nghìn tỷ đồng nhưng vẫn lỗ gần 5.200 tỷ đồng.

Hiện nay, các hãng hàng không và doanh nghiệp cung ứng vận chuyển hành khách vẫn phải giải quyết những vấn đề bất lợi của dịch bệnh để lại, đặc biệt là sự mất cân đối của dòng tiền trong 2 năm khiến đóng băng các hoạt động.

Những “điểm nghẽn” cần khơi thông

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ để ngành hàng không phục hồi vị thế ảnh 2

Tuyển chọn và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành hàng không là nhiệm vụ chiến lược lâu dài để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Sáu tháng đầu năm 2022, những nỗ lực của Vietnam Airlines trong việc mở lại 35 đường bay quốc tế đáng ghi nhận, song vẫn còn rất hạn chế. Hai khó khăn lớn ngành hàng không Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt là vấn đề mở rộng các đường bay quốc tế và nguồn nhân lực.

Để tháo gỡ vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương thì về lâu dài, Chính phủ cần ban hành các cơ chế chính sách đặc thù nhằm định hướng mở thêm các đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm.

Chính phủ cũng cần thiết lập những quy định về cạnh tranh giá dịch vụ khi mở thêm các đường bay quốc tế mới, từ đó tạo điều kiện giúp các hãng hàng không quảng bá, phát triển thương hiệu tại thị trường quốc tế một cách hiệu quả.

Về nguồn nhân lực, từ nửa cuối năm 2021, nhân lực của các hãng hàng không Việt Nam bị xáo trộn, thay đổi. Việc tổ chức lại bộ máy, sắp xếp lao động theo hướng tinh gọn, giảm bớt các tầng nấc trung gian nhằm giảm bớt chi phí về tiền lương cũng dẫn tới việc chuyển dịch lao động sang các ngành nghề, lĩnh vực khác. Bởi vậy, các hãng hàng không hiện nay đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động chuyên môn, đặc biệt là tổ bay, nhân viên kỹ thuật.

Tiến sĩ Phạm Anh - Viện Kinh tế chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, các hãng hàng không cần đặc biệt quan tâm việc duy trì ổn định về thể lực và trí lực và đặc biệt tâm lực của nhân viên.

Tuyển chọn và bồi dưỡng nguồn nhân lực cần xác định vừa là giải pháp cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Trong khi đó, Giáo sư Trần Thọ Đạt - Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, các hãng hàng không Việt Nam cần chủ động có giải pháp khắc phục và thích ứng linh hoạt.

Phương án tái cơ cấu của Vietnam Airlines đã được xây dựng tổng thể trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm các nhóm giải pháp như tái cơ cấu đội bay, tái cơ cấu nguồn vốn, huy động vốn từ bên ngoài, phát hành trái phiếu; xây dựng các kịch bản khác nhau nhằm điều hành sản xuất kinh doanh.

Trước mắt, cần có những giải pháp “cứu” Vietnam Airlines khi hãng đang đối diện với nguy cơ hủy niêm yết trong năm 2022 do thua lỗ 3 năm liên tiếp và “âm” vốn chủ sở hữu.

Ngoài ra, các giải pháp liên quan tới điều chỉnh khung giá vé, cũng như áp dụng các công nghệ mới vào công tác điều phối và vận hành bay cũng được các chuyên gia đề cập trong các diễn đàn gần đây.

Trong thời gian tới, Chính phủ cần có thêm nhiều chính sách cụ thể, đặc thù nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt về mặt tài chính của các hãng bay, cũng như cần có định hướng cho ngành hàng không Việt Nam phát triển ổn định, đồng bộ và bền vững.