Những ngày này, các cung đường dẫn về nhiều bản làng ở vùng cao, vùng biên giới ở các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Lay, Mường Chà, Điện Biên Đông, Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) nườm nượp những chuyến xe chở những phần quà Tết cho đồng bào.
Ông Đinh Quốc Lộc, Phó Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Điện Biên xúc động trao từng phần quà đến đại diện 82 gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ.
Ông Lộc cho biết, giá trị mỗi phần quà không lớn nhưng chứa đựng trong đó là tấm lòng, tình cảm của hàng trăm cán bộ, công nhân ngành nước tỉnh Điện Biên gửi về người nghèo ở xã Nậm Tin, giúp họ ấm lòng hơn khi xuân về.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên Lò Văn Mừng trân trọng cảm ơn các tổ chức, tập thể, nhà hảo tâm trong cả nước đã không quản ngại đường xa, mang hàng trăm nghìn phần quà trao tặng các gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao biên giới.
Nhiều cơ quan Trung ương quan tâm hỗ trợ tặng quà Tết cho các gia đình chính sách tại Bắc Kạn. (Trong ảnh: Lãnh đạo Ban Công tác đại biểu của Quốc hội tặng quà cho hộ nghèo ở xã Bình Văn, huyện Chợ Mới). (Ảnh: LÊ TRANG). |
Bên cạnh việc trao sớm, trao đủ số lượng quà của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đến các gia đình dân tộc thiểu số ở vùng cao biên giới, tỉnh Điện Biên còn kêu gọi cán bộ, công chức ủng hộ Tết cho người nghèo. Ở huyện biên giới Nậm Pồ, các cán bộ, công chức của huyện đã ủng hộ tiền làm 10.000 bánh chưng tặng 5.000 gia đình dân tộc thiểu số nghèo.
Tỉnh Hà Giang có gần 60 nghìn hộ nghèo, do nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế, cho nên cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động kêu gọi xã hội hóa để giúp người nghèo đón Tết.
Xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc có 100% số hộ dân là đồng bào dân tộc H’Mông. Cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, phần lớn là núi đá tai mèo, lại thiếu nước sinh hoạt, sản xuất.
Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Thanh Hải cho biết, để người dân được đón Tết no đủ, từ cuối năm 2023, trên cơ sở rà soát số đối tượng cần hỗ trợ dịp Tết, xã đã kêu gọi các nhà hảo tâm chăm lo Tết cho người nghèo trên địa bàn. Sau lời phát động của xã, từ cuối tháng 11 (âm lịch) đến nay, đã có hơn 10 đoàn từ thiện đến xã tặng quà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách.
Nhiều cơ quan Trung ương quan tâm hỗ trợ tặng quà Tết cho các gia đình chính sách tại Bắc Kạn. (Trong ảnh: Lãnh đạo Ban Công tác đại biểu của Quốc hội tặng quà cho hộ nghèo ở xã Bình Văn, huyện Chợ Mới). (Ảnh: LÊ TRANG). |
Bình quân mỗi đoàn tặng 200 suất quà, mỗi suất quà gồm những mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân đón Tết. Các cấp hội chữ thập đỏ tỉnh Hà Giang đã vận động được hơn 22 nghìn suất quà, trị giá hơn 12 tỷ đồng; tổ chức phiên “Chợ Tết nhân ái” và “Chợ 0 đồng”.
Mới đây, ngày 23/1, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Giang phối hợp Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam tổ chức chương trình Tết nhân ái tại xã Du Già, huyện Yên Minh. Chương trình tặng 200 phiếu mua hàng tại Chợ Tết nhân ái, mỗi phiếu trị giá 800 nghìn đồng; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 200 người, tổ chức các trò chơi dân gian, cắt tóc miễn phí, tặng chữ thư pháp...
Trong những ngày giá rét, nhưng không khí tại các xã vùng biên giới của các tỉnh Điện Biên, Hà Giang như ấm hơn bởi chương trình “Xuân biên phòng-ấm lòng dân bản” do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh tổ chức tại các đồn biên phòng. Chương trình đã trao hàng nghìn phần quà đến các gia đình dân tộc thiểu số nghèo.
Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn khởi sắc nhờ chương trình mục tiêu quốc gia. (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc Dao thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể trồng lúa nếp Tài hữu cơ cho năng suất cao). (Ảnh: THU TRANG). |
Đại tá Nguyễn Tiến Minh, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang cho biết: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ hơn 1.000 phần quà để trao tặng các hộ nghèo.
Đại tá Phan Văn Hóa, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Điện Biên cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các đồn biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã trao 2.578 phần quà, 4.014 chiếc bánh chưng tặng nhân dân khu vực biên giới, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn người.
Qua chương trình “Xuân biên phòng-ấm lòng dân bản”, cán bộ, chiến sĩ biên phòng muốn gửi lời cảm ơn chân thành, tri ân sâu sắc đến nhân dân nơi biên cương Tổ quốc đã không quản ngại gian nan, đùm bọc, đồng hành cùng bộ đội biên phòng trong công cuộc bảo vệ đường biên, cột mốc.
Tại tỉnh Bắc Kạn, tính đến ngày 20/1, tỉnh đã chuẩn bị được 11.895 suất quà với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng. Tỉnh cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ hơn 31 tấn gạo cứu đói trong dịp Tết cho 2.107 khẩu thuộc 689 hộ ở các huyện Ngân Sơn, Ba Bể và Bạch Thông.
Các huyện, thành phố còn lại đã chủ động mua hơn 57 tấn gạo phát cho 3.851 khẩu thuộc 1.295 hộ. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí cho nên tỉnh vẫn còn thiếu khoảng 6.000 suất quà Tết tặng hộ nghèo.
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang tặng quà Tết cho người dân xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) trong Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”. Ảnh: Khánh Toản |
Tỉnh đang nỗ lực kết nối nguồn xã hội hóa để lo phần quà Tết cho các hộ này. Bên cạnh việc lo phần quà cho các hộ nghèo, Bắc Kạn tổ chức nhiều sự kiện vui xuân ý nghĩa cho người dân các huyện vùng cao.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn Hoàng Thị Dung, trong dịp Tết này, tỉnh đã đồng ý cho tổ chức bốn lễ hội vui xuân quy mô cấp huyện, gồm: Lễ hội lồng tồng Ba Bể (huyện Ba Bể); Lễ hội Mù Là (huyện Pác Nặm); Hội Xuân ATK Chợ Đồn (huyện Chợ Đồn); Lễ hội lồng tồng Phủ Thông (huyện Bạch Thông).
Trong đêm giao thừa, tỉnh tổ chức bắn pháo hoa tại các huyện Chợ Đồn, Ba Bể và thành phố Bắc Kạn từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
Không chỉ huy động các nguồn lực để chăm lo Tết cho người nghèo, các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể các tỉnh miền núi phía bắc còn vận động các nhà tài trợ hỗ trợ các hộ nghèo xóa nhà tạm.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang cùng người dân xã biên giới Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc cùng gói bánh chưng trong Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”. Ảnh: Khánh Toản |
Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, gia đình ông Nguyễn Văn Cương, thôn Bản Trưởng, xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh (Hà Giang) đã khánh thành ngôi nhà mới rộng hơn 60m2, kinh phí xây dựng 110 triệu đồng, trong đó có 50 triệu đồng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang kêu gọi tài trợ.
Ngày khánh thành ngôi nhà mới, ông Cương xúc động nói: “Nhờ nguồn tài trợ của nhà hảo tâm mà gia đình tôi mới quyết tâm dựng nhà. Có nhà mới, gia đình tôi yên tâm sinh sống, tích cực lao động, sản xuất để thoát cảnh đói nghèo”.
Trước đó, từ tháng 10/2023, Công an tỉnh Bắc Kạn chủ trì triển khai đồng loạt việc xây dựng nhà tại năm huyện vùng cao.
Từ ngày 13/10 đến hết 30/11/2023, Công an năm huyện phối hợp chính quyền địa phương huy động sự vào cuộc của hơn 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, thành viên hộ gia đình và người dân tham gia san gạt, làm nền móng, vận chuyển vật liệu và hỗ trợ lắp ghép, xây dựng nhà ở.
Mỗi căn nhà mới trị giá 55 triệu đồng, xây dựng theo mẫu nhà lắp ghép 36B của Bộ Công an, diện tích sử dụng 40m2, bảo đảm tiêu chí “ba cứng”, hoàn thiện theo hình thức “chìa khóa trao tay”.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang và nhà tài trợ khánh thành nhà mới của gia đình ông Nguyễn Văn Cương, thôn Bản Trưởng, xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh (Hà Giang). Ảnh: Khánh Toản |
Nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chỉ sau 48 ngày, Công an tỉnh Bắc Kạn đã hoàn thành 200 căn nhà cho người dân, sớm hơn bốn tháng so với kế hoạch.
Ngoài việc hỗ trợ người dân khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán, xác định nguồn lực từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là cơ hội để hỗ trợ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, các tỉnh miền núi phía bắc đã triển khai chương trình theo đúng kế hoạch.
Trong năm 2023, tỉnh Hà Giang đã triển khai quyết liệt các dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.
Cụ thể, đã có 1.244 hộ được hỗ trợ làm nhà ở; gần 14 nghìn hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt, 28 hộ được hỗ trợ đất ở và bảy hộ được hỗ trợ đất sản xuất, tỉnh đầu tư 45 công trình nước sinh hoạt tập trung.
Tổng số vốn đã giải ngân là hơn 115 tỷ đồng. Tỉnh triển khai các dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Trong năm qua đã thực hiện 11 chuỗi liên kết sản xuất và 484 dự án đa dạng hóa sinh kế; thực hiện hai dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần cấp nước Điện Biên trao quà Tết tặng hộ nghèo xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Lê Lan |
Hai năm qua, tỉnh Bắc Kạn được phân bổ hơn 1.270 tỷ đồng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gồm hơn 700 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và gần 560 tỷ đồng vốn sự nghiệp, cùng với đó là hàng chục tỷ đồng vốn đối ứng của các địa phương.
Đến nay, đã có hơn 400 hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số của Bắc Kạn được hỗ trợ làm nhà ở; 57 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các thôn, bản còn khó khăn về nước sạch...
Tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp sáu công trình chợ tại các xã Công Bằng, Bằng Thành (huyện Pác Nặm); Hiệp Lực, Thuần Mang (huyện Ngân Sơn); Quang Phong (huyện Na Rì) và xã Yên Hân (huyện Chợ Mới).
Hiện đã có bốn công trình thực hiện xong, đưa vào sử dụng. Bắc Kạn cũng đang triển khai sáu công trình cứng hóa đường đến trung tâm xã tại các địa bàn khó khăn.
Mục tiêu của tỉnh trong năm 2024 là triển khai đồng bộ các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm giải ngân hơn 2.000 tỷ đồng kế hoạch vốn, tạo ra thay đổi tích cực tại các địa bàn khó khăn của tỉnh.