Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Ngày thơ Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một sự kiện văn hóa, phần nào tương xứng với tầm vóc phát triển của đô thị sầm uất nhất phương nam.
Năm nay, chương trình Ngày thơ chính thức trở thành một trong những hoạt động của Lễ hội Nguyên tiêu và Ngày thơ Việt Nam-thuộc những ngày lễ lớn của Thành phố Hồ Chí Minh.
Chủ đề “Thành phố này tôi đến tôi yêu” chính là cảm xúc thường xuyên xuất hiện trong lòng mỗi người khi đặt chân đến Thành phố Hồ Chí Minh, dẫu chỉ một lần ghé qua thăm viếng hay một đời định cư mưu sinh.
“Thành phố Hồ Chí Minh đủ chỗ cho mọi bon chen nhộn nhịp và Thành phố cũng đủ chỗ cho mọi rung động ân cần. Giữa dòng chảy bộn bề ngỡ chừng ngột ngạt của Thành phố Hồ Chí Minh, những câu thơ đã vụt sáng và những câu thơ đã bay lên như món quà của tình đất, tình người và tình đời”- Nhà văn Bích Ngân chia sẻ.
Không gian của các Câu lạc bộ thơ trong Ngày thơ Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh năm nay. |
Theo nhà văn Bích Ngân, Ngày thơ Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức như một lễ hội, không phải là sự ưu ái dành riêng cho người làm thơ, mà trực tiếp chứng minh giá trị thi ca song hành thành phố nghĩa tình.
Những câu thơ và những bài thơ từ trang sách nhỏ bé được đưa ra không gian cộng đồng phóng khoáng và tin cậy.
Những câu thơ rộn ràng đem đến cho người may mắn một lời chúc phúc chân thành, còn những câu thơ lặng lẽ đem đến cho người bất hạnh một lời vỗ về chia sẻ.
Tại chương trình, các đại biểu, người yêu thơ được nghe lại các ca khúc nổi tiếng vốn là thơ được phổ nhạc, như: Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (thơ: Đăng Trung, nhạc: Cao Việt Bách), Bài ca đất phương Nam (thơ: Lê Giang, nhạc: Lư Nhất Vũ), Người mẹ bàn cờ (thơ Nguyễn Kim Ngân, nhạc: Trần Long Ẩn), Đi trong hương tràm (thơ: Hoài Vũ, nhạc: Thuận Yến), Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (thơ: Nguyễn Nhật Ánh, nhạc: Phạm Minh Tuấn)…
Tọa đàm "Thơ với tuổi thơ lớn lên cùng thành phố". |
Trong khuôn khổ chương trình khai mạc Ngày thơ Việt Nam 2024, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phát động cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam lần 2.
Thời gian nhận bài dự thi từ ngày 24/2 đến ngày 24/11/2024.
Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam trong và ngoài nước, mỗi bài thơ không dài quá 40 câu (không nhận tác phẩm thể loại trường ca, trào phúng, thơ dịch và phóng tác). Tác phẩm gửi về địa chỉ: nhannghiaphuongnam2@gmail.com
Các tác phẩm chất lượng sẽ được đăng tải trên website Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và chọn in thành sách.
Lễ công bố kết quả và trao giải thưởng sẽ được diễn ra vào Ngày thơ Việt Nam năm 2025. Tổng giá trị giải thưởng gần 100 triệu đồng.
Ban tổ chức còn thực hiện Hội thảo “Thơ và Nhạc, tương sinh hay tương khắc”; tọa đàm Thơ với tuổi thơ lớn lên cùng thành phố…
Giới thiệu những bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc. |
Ngày thơ Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh năm nay, sân thơ thiếu nhi lần đầu tổ chức với nhiều nội dung nhằm góp phần khích lệ tác giả sáng tác thêm nhiều tác phẩm cho thiếu nhi mà cả người lớn cũng đọc.
Đây là nhu cầu rất lớn và đáp ứng nhu cầu này là nỗ lực không nhỏ, không chỉ của người cầm bút. Đồng thời, có thể gợi mở thêm những vấn đề liên quan đến sáng tác văn học thiếu nhi.
Sân thơ trẻ năm nay, có sự đổi mới là kết nối với cả những tác giả trẻ tài năng chưa phải là hội viên.
Và tập trung trao đổi, bàn thảo về nghề nghiệp, làm sao cho người cầm bút trẻ có thêm sự hào hứng sáng tạo.
Đây cũng góp phần sinh khí để giữa năm nay Hội tổ chức “Hội nghị những người viết trẻ”. Cùng với đó, ở Sân thơ trẻ giới thiệu những gương mặt thơ văn: Minh Anh, Trần Đức Tín,Trần Văn Thiên, Huỳnh Trọng Khang, Huỳnh Hữu Phước…
Ngoài ra, Ngày thơ còn có sự tham gia của 12 Câu lạc bộ thơ. Đây cũng là lực lượng quan trọng làm nên sắc thái của ngày hội thơ ca tại Thành phố Hồ Chí Minh.