Nhiều họa sĩ hội tụ trong triển lãm về người lính

NDO -

NDĐT - 60 tác phẩm với nhiều thể loại như hội họa, đồ họa, điêu khắc và chất liệu khác nhau như sơn mài, sơn dầu, tranh lụa, màu nước, bột màu… về đề tài người lính đã được quy tụ trong triển lãm mang tên “Từ Nhân dân mà ra” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội. Triển lãm mở cửa nhân kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 – 22-12-2019), 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-2019).

Nhiều họa sĩ hội tụ trong triển lãm về người lính

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam nhấn mạnh: “Triển lãm là dịp để công chúng hiểu thêm về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập dân tộc, như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Từ nhân dân mà ra, được nhân dân đùm bọc, chăm sóc, thương yêu, Quân đội ta đã làm tròn mọi nhiệm vụ nặng nề, vẻ vang mà Nhân dân giao phó". Triển lãm cũng là dịp giáo dục tuyền thống yêu nước, phẩm chất đạo đức cách mạng của "Bộ đội Cụ Hồ"… khơi dậy niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

Nhiều họa sĩ hội tụ trong triển lãm về người lính ảnh 1

"Du kích Bến Tre" của họa sĩ Diệp Minh Châu.

Triển lãm giới thiệu những tác phẩm được sáng tác từ những năm 1948 cho đến thập niêm 2000. Nhiều tác phẩm do các danh họa như Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Văn Tỵ, Hoàng Tích Chù, Phan Kế An… cùng nhiều họa sĩ chiến trường và họa sĩ quân đội sáng tác, phản ánh chân thực và sống động cuộc sống, chiến đấu của quân đội ta trong 75 xây dựng và trưởng thành. Có thể kể đến “Ra đảo” (Nguyễn Văn Tỵ), “Nữ du kích Phú Yên (Nguyễn Đỗ Cung, “Đêm hậu cứ” (Hoàng Tích Chù), “Để bảo vệ xóm làng” (Trần Đình Thọ), “Vượt sông” (Lê Trí Dũng), “Mở đường trên đỉnh Trường Sơn” (Trần Huy Oánh), “Đón bộ đội về bản” (Cao Trọng Thiềm), “Những cô gái Trường Sơn” (Vũ Giáng Hương), “Chiến lũy” (Lê Anh Vân)...

Tác phẩm lâu đời nhất ở triển lãm là tranh bột màu “Du kích Bến Tre” của họa sĩ Diệp Minh Châu, sáng tác năm 1948. Một số tác phẩm được sáng tác trong thời gian chiến tranh có thể kể đến “Giữa hai trận đánh” của họa sĩ Phan Kế An, sáng tác năm 1968, “Gác phòng không”, tranh màu nước của họa sĩ Mai Văn Nam sáng tác năm 1966, “Mở đường trên đỉnh Trường Sơn” của họa sĩ Trần Huy Oánh sáng tác năm 1973, “Trận địa pháo” của họa sĩ Quang Phòng sáng tác năm 1965…

Từ những chất liệu, những phong cách nghệ thuật khác nhau, ở từng giai đoạn, thời kỳ khác nhau, nhưng giống như tên của triển lãm “Từ nhân dân mà ra”, các tác phẩm đều thể hiện những góc cạnh khác nhau, những biểu hiện khác nhau của tình quân dân gắn bó keo sơn.

Ở bức tranh “Ký ức những ngọn đèn”, họa sĩ Lê Anh Vân cho biết, ông vẽ về chiến trường miền trung với giao thông hào, với những ngọn đèn trên tay mẹ già, trên tay trẻ nhỏ, trên tay những cô gái mở đường, còn các chiến sĩ thì hòa vào dòng sông, đó cũng chính là nhân dân, ở trong dân có quân, và trong quân cũng là dân.

Nhiều họa sĩ hội tụ trong triển lãm về người lính ảnh 2

Tác phẩm "Giữa hai trận đánh".

“Giữa hai trận đánh” của họa sĩ Phan Kế An vẽ năm 1968 ghi lại hình ảnh hai cô nữ du kích nghỉ ngơi, trò chuyện bên những gốc dừa thật thanh thản, bình yên như không hề có cuộc chiến nào đi qua đây. Ở đây, quân cũng chính là những người dân chân chất hiền lành, vai mang súng nhưng vẫn là đôi chân đất, bộ quần áo bà ba mềm mại, và một trang sách vẫn đang mở rộng bên cạnh.

Nhiều họa sĩ hội tụ trong triển lãm về người lính ảnh 3

Tác phẩm "Gác phòng không".

Tương tự như vậy, “Gác phòng không (Nghệ An) của họa sĩ Mai Văn Nam vẽ năm 1966 cho thấy một cô gái khác trong bộ đồ nông dân, tóc tết giản dị, vai khoác súng, bên chiếc lán canh dã chiến giữa một khung cảnh thật tươi xanh yên bình của cây lá.

Ở “Anh bộ đội” của họa sĩ Văn Đa sáng tác năm 1976, tình quân dân thể hiện ở bản đàn anh bộ đội ngẫu hứng chơi bên cạnh những người dân giữa một chặng nghỉ nào đó trên đường.

Nói về triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, nhìn lại các tác phẩm về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trải dài qua nhiều thời kỳ sáng tác của các họa sĩ nhiều thế hệ, có thể thấy được sự gắn bó, che chở nhau giữa nhân dân và bộ đội, là những tình cảm chân thành, từ những chi tiết nhỏ, hoặc đưa lên thành hình ảnh mang tính biểu tượng.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cũng cho rằng, với nhiều cách thể hiện khác nhau, những cảm xúc về người lính của các thế hệ họa sĩ là vô tận. Ở thời kỳ sau chiến tranh, hình ảnh người chiến sĩ được thể hiện một cách mới mẻ qua bút pháp của các họa sĩ thế hệ sau này. Và một điều chắc chắn, hình ảnh người chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc vẫn luôn là cảm hứng bất tận đối với các họa sĩ qua nhiều thế hệ.

Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 19-12 hết ngày 27-12 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.