Nhiều giải thưởng cao tại cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc

NDO - Sau 5 ngày tranh tài sôi nổi, chiều 11/5, cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc-2023 do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa tổ chức đã chính thức khép lại.
0:00 / 0:00
0:00
 Trao giải Nhất cho các nghệ sĩ, diễn viên tài năng.
Trao giải Nhất cho các nghệ sĩ, diễn viên tài năng.

Cuộc thi quy tụ sự tham gia của 38 nghệ sĩ đến từ 9 đơn vị nghệ thuật trên cả nước. Đánh giá về chất lượng chuyên môn cuộc thi, NSND Lê Tiến Thọ-Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhận định: Đối với nghệ thuật tuồng, các trích đoạn truyền thống và hiện đại đã được đầu tư khá kỹ về chất lượng nghệ thuật; khai thác dựa trên các yếu tố tự sự, kịch tính, tự tình để làm cơ sở cho nghệ sĩ biểu diễn phát huy được những yếu tố thanh-sắc-thục-tinh-khí-thần.

Cuộc thi không giới hạn độ tuổi, nên một số nghệ sĩ đã có nhiều năm trải nghiệm trong nghề lại có cơ hội học tập, rèn luyện kỹ năng, có thêm kinh nghiệm biểu diễn các phần trình diễn đạt chất lượng cao, kể cả ở những trích đoạn tuồng hiện đại vốn không phải thế mạnh của tuồng. Bên cạnh đó, từ cuộc thi cũng xuất hiện một số gương mặt nghệ sĩ trẻ tài năng.

Về Dân ca kịch, cuộc thi lần này có hai loại hình tham gia là Dân ca kịch Bài Chòi và Dân ca kịch Huế. Trong đó, Dân ca kịch Bài Chòi chiếm 90% số lượng đăng ký dự thi.

Nhiều giải thưởng cao tại cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc ảnh 1

NSND Lê Tiến Thọ phát biểu tổng kết về chất lượng chuyên môn cuộc thi.

Theo NSND Lê Tiến Thọ, bên cạnh những trích đoạn mẫu mực, một số trích đoạn vẫn chưa được đầu tư để nâng cao chất lượng nghệ thuật, chưa mời các đạo diễn, tác giả bố cục lại hay làm mới. Bên cạnh đó, một số nghệ sĩ biểu diễn chỉ quan tâm tới kỹ thuật hát múa, mà quên mất tình huống hoàn cảnh nhân vật đang diễn ra. Về phối hợp biểu diễn, một số trích đoạn xử lý không gian sáng tối còn chưa hợp lý, chưa ăn nhập với hệ thống âm thanh.

Thay mặt Hội đồng Giám khảo, NSND Lê Tiến Thọ kiến nghị: Các đơn vị nghệ thuật cần mời các thầy dạy vai, truyền vai và phải đầu tư hơn nữa về trình độ chuyên môn. Cục Nghệ thuật biểu diễn cần tổ chức nhiều cuộc tập huấn để nâng cao tay nghề đào tạo cho các chỉ đạo nghệ thuật và trình độ biểu diễn của diễn viên.

Tại lễ bế mạc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 8 giải Nhất cho các nghệ sĩ: Nguyễn Thái Phiên (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định), Nguyễn Thị Thanh Phương (Nhà hát Tuồng Việt Nam), Huỳnh Thị Anh Thi (Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Cộng Hòa (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa), Huỳnh Thị Thúy Thỏa, Dương Thị Mến (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa), Nguyễn Thị Hồng Nhung (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế), Bùi Thị Thu Hương (Đoàn Ca kịch Quảng Nam).

Bên cạnh đó là 9 giải Nhì cho các nghệ sĩ; 2 giải Xuất sắc cho Người dàn dựng trích đoạn có sáng tạo, đạt hiệu quả cao (NSƯU Thanh Trang - người dàn dựng trích đoạn “Bà Tư Lành” do diễn viên Huỳnh Thị Anh Thi của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện) và Người hướng dẫn ca diễn (NSƯT Nguyễn Thị Lộc Huyền - hướng dẫn ca diễn trích đoạn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” do diễn viên Nguyễn Thị Thanh Phương của Nhà hát Tuồng Việt Nam thể hiện).

Nhân dịp này, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng trao 7 giải thưởng cho các nghệ sĩ, diễn viên đã có sự cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt phần dự thi.