Nhiều đột phá trong ứng dụng kỹ thuật y học hiện đại

Bằng nỗ lực không ngừng trong việc chú trọng chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, Bệnh viện Ðà Nẵng bước đầu đạt được những thành tựu đột phá khi áp dụng thành nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại vào chẩn đoán, điều trị cho người bệnh; hướng tới mục tiêu giúp người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Ban Giám đốc Bệnh viện Ðà Nẵng và ê-kíp tặng hoa chúc mừng bệnh nhân Lê Thị C. sau thành công của ca tế bào gốc tự thân.
Ban Giám đốc Bệnh viện Ðà Nẵng và ê-kíp tặng hoa chúc mừng bệnh nhân Lê Thị C. sau thành công của ca tế bào gốc tự thân.

Thực hiện thành công cấy tế bào gốc tự thân

Ngày 10/4 vừa qua, lần đầu tiên Bệnh viện Ðà Nẵng công bố thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân cho một nữ bệnh nhân bị đau tủy xương. Ðây là bước tiến mới trong việc làm chủ kỹ thuật y tế chuyên sâu, khẳng định năng lực chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện, mang lại hy vọng rất lớn cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý ác tính.

Bệnh nhân được thực hiện thành công ca cấy ghép tế bào gốc tự thân là bệnh nhân Lê Thị C (57 tuổi, trú huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Bệnh nhân C nhập Bệnh viện Ðà Nẵng trong tình trạng thiếu máu kéo dài, đau xương. Các bác sĩ tại Khoa Ngoại thần kinh đã tiến hành cắt bỏ khối u vùng lưng, sau đó gửi xét nghiệm sinh thiết khối u và được chẩn đoán đau tủy xương giai đoạn 3. Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Nội thần kinh-Cơ xương khớp-Huyết học lâm sàng, chỉ định điều trị hóa chất và ghép tủy.

Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa và hội chẩn ngoại viện với Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, các bác sĩ đã tiến hành ghép tủy bằng phương pháp tế bào gốc tự thân cho bệnh nhân C. Sau ghép, người bệnh tiếp tục được theo dõi sát, chăm sóc tích cực trong khu vực vô trùng. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, ăn uống, đi lại bình thường và có thể xuất viện.

Theo TS, BS Trần Thị Thanh Hương (Khoa Nội Thần kinh-Cơ xương khớp-Huyết học lâm sàng), người trực tiếp thực hiện ca ghép, khó khăn đặt ra đối với bệnh nhân C là sự giảm miễn dịch, nhiễm siêu vi làm máu giảm liên tục không hồi phục, phải theo dõi điều trị sát sao một thời gian dài để máu phục hồi rồi mới thực hiện ghép. Tế bào là loại tế bào đặc biệt với khả năng tự đổi mới và biệt hóa thành các loại tế bào có các chức năng khác nhau trong cơ thể. Các loại tế bào gốc có thể giúp bổ sung, thay thế, sửa chữa những tế bào già yếu hoặc bị tổn thương, với nhiều loại tế bào gốc khác nhau.

“Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân là phương pháp lấy tế bào gốc của chính người bệnh ghép lại cho người bệnh. Các tế bào gốc hỗ trợ và giúp phục hồi nhanh chóng hệ thống sinh máu của người bệnh sau hóa trị liệu liều cao, nhằm phòng tránh những biến chứng đe dọa tính mạng. Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân được chỉ định điều trị cho các bệnh bạch cầu, hội chứng tăng sinh tủy, bệnh đa u tủy, bệnh bạch cầu, bệnh Hodgkin, ung thư tinh hoàn…”, bác sĩ Hương cho biết thêm.

Ðược biết từ năm 2015, chương trình ghép thận được khởi động lại tại Bệnh viện Ðà Nẵng với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Ðến năm 2018, các bác sĩ của Bệnh viện Ðà Nẵng đã tự chủ hoàn toàn trong việc ghép thận. Ðến nay, Bệnh viện Ðà Nẵng đã thực hiện thành công ghép tế bào gốc điều trị chấn thương cột sống với 30 ca và 38 ca ghép thận.

TS, BS Lê Ðức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Ðà Nẵng cho biết, với sự đầu tư của UBND thành phố Ðà Nẵng, Sở Y tế Ðà Nẵng và chuyển giao kỹ thuật từ Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương từ năm 2019-2020, Bệnh viện đặt mục tiêu năm 2023 tiến hành được ca cấy ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên. Theo đó, thực hiện thường kỳ kỹ thuật này nhằm mang lại triển vọng cho người dân miền trung - Tây Nguyên, giúp tiết kiệm chi phí, sức lực cho người bệnh. “Việc thực hiện thành công ca ghép tủy bằng tế bào gốc tự thân là bước tiến vượt bậc trong công tác điều trị, thể hiện trình độ chuyên môn của các bác sĩ đã và đang làm chủ các kỹ thuật chuyên sâu, mở ra hướng đi mới và hy vọng chữa khỏi bệnh cho người bệnh mắc các bệnh lý ác tính”, TS, BS Lê Ðức Nhân khẳng định.

Đầu tư nhiều dự án y tế trọng điểm

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Ðà Nẵng Trương Văn Trình, chương trình chuyển giao kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân giữa Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho Bệnh viện Ðà Nẵng nằm trong khuôn khổ đề án phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu tại Ðà Nẵng. Việc Bệnh viện Ðà Nẵng thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên mở ra một chương mới cho sự phát triển y tế chuyên sâu của đơn vị, là tiền đề để tiếp tục mở rộng các kỹ thuật chuyên sâu tiếp theo trong thời gian tới, nhằm từng bước nâng tầm phát triển của ngành y tế Ðà Nẵng theo hướng chuyên môn sâu và hội nhập khu vực.

Dự án Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc được UBND thành phố Ðà Nẵng phê duyệt năm 2019 với tổng mức đầu tư hơn 495,6 tỷ đồng. Ngoài việc cải tạo, chuyển đổi các khoa, phòng chức năng tại Bệnh viện Ðà Nẵng, công trình xây dựng khối nhà chính gồm 11 tầng nổi, hai tầng hầm và một tầng kỹ thuật, với diện tích sàn hơn 19.000m2; đầu tư đồng bộ trang thiết bị xây lắp công trình và trang thiết bị y tế...

Ðến nay, dự án đã thi công hoàn thành phần thô, đang thi công phần hoàn thiện và lắp đặt trang thiết bị công trình. Ðây là dự án nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ðặc biệt, Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc còn đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, phát triển các phương pháp mới trong lĩnh vực ghép tạng và tế bào gốc nhằm cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân, đồng thời giảm các rủi ro và tác động xấu đến sức khỏe của bệnh nhân.

Tại Bệnh viện Ðà Nẵng, mỗi năm có gần 30 bệnh được chẩn đoán và điều trị đau tủy xương. Việc Ðà Nẵng đầu tư xây dựng Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc giúp bệnh nhân có thể tiếp cận dịch vụ điều trị tốt hơn, giúp bệnh viện và bác sĩ có thể tiếp cận nguồn cung cấp tạng hiệu quả hơn, tăng khả năng phát hiện và tiếp cận những tạng phù hợp bệnh nhân cần ghép.