Khoảng một tháng nay, hơn 200 cán bộ, công nhân viên Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi đã thực hiện “ba tại chỗ” để bảo đảm duy trì ổn định vận hành, xử lý một lượng chất thải rất lớn cho bảy huyện, thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Tổng Giám đốc Công ty Trần Anh Dũng cho biết, trước khi thực hiện “ba tại chỗ”, doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm bảo đảm cung cấp đủ cho toàn bộ công nhân trong thời gian lưu trú. Ngoài ra, công ty cũng chuẩn bị sẵn nguồn nhiên liệu, hóa chất, vật tư dự phòng để bảo đảm vận hành khu xử lý hoạt động ổn định trong thời gian ít nhất 45 ngày.
“Chúng tôi chủ động thực hiện các giải pháp để ứng phó nên đến khi khu vực nhà máy nằm trong vùng phong tỏa theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, việc vận hành vẫn được duy trì ổn định, bảo đảm chất thải được thu gom, xử lý kịp thời, không để ứ động, nhất là tại các khu vực phong tỏa, cách ly y tế”, ông Trần Anh Dũng cho biết.
Trong khi đó, đến hôm nay (21/7), bước sang ngày thứ 16, Công ty TNHH Daikan Việt Nam, khu công nghiệp Amata (Đồng Nai) thực hiện phương án “ba tại chỗ”. Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Công Đoàn cho biết, doanh nghiệp yêu cầu người lao động làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại nhà máy phải thực hiện nghiêm hướng dẫn 5K để phòng, chống dịch. Tất cả công nhân ở lại đều an tâm sản xuất và chấp hành các biện pháp phòng dịch.
Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh được bảo đảm, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng cho các đối tác ở nước ngoài: “Những ngày đầu thực hiện, doanh nghiệp gặp một ít khó khăn do đơn vị cung ứng thực phẩm thông báo tạm ngưng cung cấp suất ăn sáng. Tuy nhiên, chúng tôi đã nhanh chóng xử lý, đến nay, mọi việc đang vận hành rất tốt. Ngoài hỗ trợ mỗ công nhân ba bữa ăn và 200 nghìn đồng hằng ngày, công ty đã nâng cấp đường truyền wifi, bố trí một khu vực để người lao động chơi thể thao, giải trí sau giờ làm việc”.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, đến thời điểm này có hơn 300 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn đã tỉnh đăng ký thực hiện phương án “ba tại chỗ” để bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và duy trì sản xuất. Trong đó, đơn vị đã chấp thuận cho hơn 150 doanh nghiệp thực hiện và đang tiếp tục hướng dẫn cho các doanh nghiệp còn lại. Những doanh nghiệp muốn triển khai “ba tại chỗ” phải đáp ứng được các điều kiện về nơi ăn uống, nghỉ ngơi, khoảng cách an toàn cho người lao động.
Hiện đã có 12/31 khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai có ca nhiễm Covid-19. Do đó, những ngày gần đây có rất nhiều doanh nghiệp liên hệ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai yêu cầu hỗ trợ thực hiện phương án “ba tại chỗ”. “Ngay sau khi tiếp nhận các hồ sơ, chúng tôi huy động tối đa nhân lực làm ngày làm đêm để hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định “ba tại chỗ” để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất an toản”, Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai Phạm Văn Cường cho hay.
Thực tế tại Đồng Nai, phương án “ba tại chỗ” chỉ phù hợp với những doanh nghiệp có số lượng lao động từ vài chục đến vài trăm người, còn những doanh nghiệp có hàng nghìn công nhân rất khó triển khai. Nguyên nhân chính là do thiếu địa điểm, không gian sắp xếp chỗ nghỉ ngơi, vệ sinh sinh cá nhân cho người lao động. Đại diện một số công ty có hàng chục nghìn công nhân thẳng thắn cho biết, không thể thực hiện “ba tại chỗ” vì số người lao động quá đông. Lâu nay thực hiện giãn cách trong nhà máy theo hướng dẫn của cơ quan chức năng cũng không hề đơn giản. Do đó, tại một số doanh nghiệp có đông công nhân sau khi xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 đã cho người lao động tạm thời nghỉ việc, vẫn được hưởng lương tối thiểu vùng.
Tuy nhiên, trước việc dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang lây lan nhanh, khó kiểm soát và xâm nhập vào nhiều khu công nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng yêu cầu, đối với các doanh nghiệp phải xét nghiệm cho 100% người lao động. Nếu phát hiện có công nhân dương tính thì yêu cầu tạm đóng cửa và thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế.
Trong trường hợp kết quả 100% người lao động âm tính với Covid-19 thì tùy vào tình hình thực tế của từng doanh nghiệp, trước khi sản xuất phải áp dụng một trong ba phương án, đó là: “ba tại chỗ”; “một cung đường, hai địa điểm” và linh động áp dụng cùng lúc hai phương án trên. Việc áp dụng các quy định trên sẽ được thực hiện từ lúc 0 giờ ngày 22/7, đối với doanh nghiệp ở địa bàn bảy huyện, thành phố đang có diễn biến dịch phức tạp, gồm: TP Biên Hòa, TP Long Khánh, các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Nhơn Trạch và Long Thành.
Đồng Nai vượt mốc 1.500 ca mắc Covid-19
Sáng 21/7, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, tỉnh Đồng Nai vừa ghi nhận thêm 215 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca dương tính từ đầu đợt dịch thứ tư đến nay là 1.566 trường hợp. Trong đó, tiếp tục ghi nhận nhiều ca mới liên quan đến ổ dịch tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam. Ngành y tế sẽ tiếp tục tổ chức lấy mẫu diện rộng cho 80 nghìn người là công nhân doanh nghiệp này và các khu nhà trọ ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, nơi có trụ sở công ty. Ngoài ra, ổ dịch tại Công ty TNHH Grobest Industrial, khu công nghiệp Biên Hòa 2 với 16 ca dương tính.