Nhiều di sản bị tàn phá nặng nề sau trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ

NDO - Trận động đất có cường độ 7,8 làm rung chuyển khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria rạng sáng 6/2 (giờ địa phương) đã tàn phá nặng nề nhiều di sản khảo cổ ở cả hai quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Lâu đài Gaziantep bị tàn phá một phần sau trận động đất hôm 6/2 (Ảnh: CNN, GettyImage)
Lâu đài Gaziantep bị tàn phá một phần sau trận động đất hôm 6/2 (Ảnh: CNN, GettyImage)

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Lâu đài Gaziantep, một di tích lịch sử và điểm thu hút khách du lịch ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, nằm cách tâm chấn của trận động đất 33,3 km, đã bị hư hại nặng nề.

Hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin: “Một số pháo đài ở phía đông, nam và đông nam của Lâu đài Gaziantep lịch sử ở quận trung tâm Sahinbey đã bị trận động đất phá hủy, các mảnh vỡ nằm rải rác trên đường”.

Hàng rào sắt bao quanh lâu đài bị gẫy đổ nằm rải rác trên vỉa hè chung quanh. Bức tường chắn bên cạnh lâu đài cũng bị sụp đổ. Ở một số pháo đài, đã xuất hiện những vết nứt lớn.

Nhiều di sản bị tàn phá nặng nề sau trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1 Nhiều di sản bị tàn phá nặng nề sau trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 2

Lâu đài Gaziantep trước và sau trận động đất hôm 6/2/2023. (Ảnh: CNN, GettyImage)

Theo các cuộc khai quật khảo cổ, Lâu đài Gaziantep lần đầu tiên được xây dựng như một tháp canh vào thời La Mã từ thế kỷ thứ 2 và thứ 3 sau Công nguyên và được xây dựng mở rộng dần theo thời gian.

Thông tin từ Bảo tàng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Lâu đài có kiến trúc như ngày nay dưới thời trị vì của Hoàng đế Byzantine Justinian (527-565 sau Công nguyên). Lâu đài Gaziantep được xây dựng trên một ngọn đồi ở trung tâm của thành phố Gaziantep. Lâu đài đã được trùng tu nhiều lần trong suốt lịch sử và đã được khôi phục lại kiến trúc như ngày nay vào đầu những năm 2000.

Nhiều di sản bị tàn phá nặng nề sau trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 3

Lâu đài Gaziantep nhìn từ trên cao trước trận động đất ngày 6/2/2023. (Ảnh: MyTurkey)

Lâu đài Gaziantep có chu vi khoảng 1.200m. Các bức tường được làm bằng đá khối. Ngày nay, lâu đài được sử dụng làm “Bảo tàng toàn cảnh chủ nghĩa anh hùng và phòng thủ Gaziantep”.

Trận động đất mạnh cũng làm sập một phần mái vòm và bức tường phía đông của nhà thờ Hồi giáo Sirvani lịch sử, nằm cạnh Lâu đài Gaziantep. Nhà thờ Hồi giáo Sirvani được cho là xây dựng vào thế kỷ 17.

Nhiều di sản bị tàn phá nặng nề sau trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 4 Nhiều di sản bị tàn phá nặng nề sau trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 5

Nhà thờ Hồi giáo Yeni (Nhà thờ Mới) trước và sau trận động đất rạng sáng 6/2/2023. (Ảnh: CNN, DHA)

Nằm ở trung tâm thành phố Malatya, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, nhà thờ Hồi giáo Yeni (Nhà thờ Mới) cũng bị trận động đất phá hủy một phần. Nhà thờ Hồi giáo Yeni được xây dựng trên địa điểm của Nhà thờ Hồi giáo HacıYusuf. Trong trận động đất lớn vào tháng 3/1984, nhà thờ Hồi giáo Yeni cũng bị hư hại nặng và sau đó đã được trùng tu lại dưới thời Quốc vương Abdulhamid II.

Một lần nữa, trong trận động đất xảy ra vào ngày 14/3/1964, nhà thờ này tiếp tục bị hư hại nặng nề và được trùng tu vào những năm sau đó.

Năm ngoái, Nhà thờ Hồi giáo Yeni đã hoạt động trở lại sau khi quá trình trùng tu hoàn thành.

Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cũng lo ngại rằng, nhiều khu vực di sản văn hóa bị ảnh hưởng bởi trận động đất lịch sử này.

Trong khi đó tại Syria, Cơ quan cổ vật của nước này cho biết một số địa điểm khảo cổ của Syria bao gồm một tòa thành nổi tiếng ở phía bắc thành phố Aleppo được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới đã bị hư hại trong trận động đất lịch sử rạng sáng ngày 6/2.

Tổng cục Cổ vật và Bảo tàng Syria công bố hình ảnh hư hại và thông báo, các bộ phận của mái vòm của tháp của nhà thờ Hồi giáo Ayyubid bên trong tòa thành cổ đã bị đổ. Lối vào pháo đài đã bị hư hại, bao gồm cả lối vào tháp Mamluk.

Nhiều di sản bị tàn phá nặng nề sau trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 6

Khu vực thành cổ trong thành phố Aleppo bị hư hại sau trận động đất hôm 6/2. (Ảnh: Facebook Tổng cục Cổ vật và Bảo tàng Syria)

Thành phố Aleppo nổi tiếng với thành cổ, trung tâm lịch sử được UNESCO công nhận và những khu chợ có mái che hàng thế kỷ.

Người ta tin rằng hầu hết các cấu trúc vẫn còn tồn tại trên địa điểm được xây dựng trong triều đại Ayyubid từ năm 1169 đến năm 1260 sau Công nguyên. Nhưng ngọn đồi nơi tòa thành tọa lạc được cho là có các đền thờ và công sự phòng thủ ít nhất là từ thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên.

Cũng tại Syria, Lâu đài Al-Marqab, nằm ở phía nam thành phố Baniyas, được cho là đã bị hư hại trong trận động đất. Lâu đài Al-Marqab từng là thành trì chính của Hiệp sĩ Cứu tế trong các cuộc thập tự chinh sau này. Tuy nhiên, theo các nhà sử học Ả-rập, lâu đài được xây dựng củng cố bởi người Hồi giáo vào năm 1062. Các cuộc khảo sát khu vực cho thấy “một số tòa nhà” bên trong lâu đài đã bị hư hại, trong khi một số bức tường và một tòa tháp bị sụp đổ trong trận động đất.

Tại tỉnh Tartus, một phần của vách đá đã đổ xuống khu vực lân cận lâu đài Qadmus và các tòa nhà dân cư tại khu vực này đã bị sập.

Các nhóm chuyên gia hiện đang đánh giá thiệt hại và liệu trận động đất có ảnh hưởng đến thành phố cổ Palmyra hay không.