Nhiều đại biểu không đồng tình chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an

NDO -

Thảo luận về hai dự án liên quan lĩnh vực giao thông đường bộ ngày 16-11, nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu cho rằng việc chuyển thẩm quyền quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an là chưa phù hợp.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Phát biểu ý kiến, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Theo đại biểu, bên cạnh những mặt tích cực của Luật, cũng đã bộc lộ những hạn chế, thiếu sót của luật trong quá trình tổ chức thực hiện trong hơn 10 năm qua cho nên cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc tách nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ ra khỏi dự án Luật là chưa mang tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất, cũng như chuyển thẩm quyền quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an là chưa phù hợp với nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.

Về việc chuyển thẩm quyền quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đề nghị cần phải làm rõ về phương án xử lý đối với bộ máy quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.

“Về lực lượng thanh tra giao thông, trong trường hợp lực lượng này có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ,... Đặc biệt, cần nêu rõ phương án giải quyết xử lý đối với các cơ sở đào tạo, các trung tâm sát hạch lái xe đã được thành lập theo Luật Giao thông đường bộ hiện hành”, đại biểu cho ý kiến.

Nhiều đại biểu không đồng tình chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an -0
Quang cảnh phiên thảo luận của Quốc hội ngày 16-11.

Theo đại biểu, vấn đề này không chỉ đơn giản là việc thay đổi cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, vì hiện nay các cơ sở và trung tâm này được thành lập và hoạt động theo các điều kiện được Bộ Giao thông vận tải quy định, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ hiện hành.

Còn theo dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì các cơ sở này phải thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ và quy định của Bộ Công an.

“Như vậy, vấn đề cần phải làm rõ là khi thay đổi thẩm quyền ban hành văn bản thì các điều kiện thành lập các cơ sở trung tâm nêu trên có thay đổi hay không? Tôi cho rằng, cần có quy định chuyển tiếp để xử lý các cơ sở đào tạo, các trung tâm sát hạch đã được thành lập theo quy định của Luật Giao thông đường bộ hiện hành và để bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ sở, trung tâm thì những vấn đề này nên được quy định ngay ở trong dự thảo luật và bằng điều khoản chuyển tiếp”, đại biểu nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Sinh (Quảng Trị) cũng cho rằng việc chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an là chưa thuyết phục và cần được đánh giá một cách toàn diện, khách quan, khoa học.

Theo đại biểu, từ năm 1995, Bộ Giao thông vận tải nhận nhiệm vụ quản lý việc cấp giấy phép lái xe mô-tô, ô-tô (từ Bộ Công an chuyển sang), khi đó cả nước có 127 cơ sở đào tạo lái xe, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Đến nay, đã có 463 cơ sở đào tạo lái xe mô-tô, 339 cơ sở đào tạo lái xe ô-tô và có 135 trung tâm sát hạch lái xe ô-tô đã được xã hội hóa 100% với hệ thống vật chất trang thiết bị tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phù hợp với thực tiễn.

Ngành Giao thông vận tải đã và đang triển khai đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại trong việc cấp đổi, quản lý giấy phép lái xe tại Tổng cục Đường bộ và 63 Sở Giao thông vận tải trong cả nước và đã thực hiện trên cổng dịch vụ quốc gia về thủ tục đổi giấy phép lái xe với cấp độ 3. Như vậy, về cơ bản, ngành giao thông vận tải đã đáp ứng được yêu cầu quản lý nhiệm vụ được giao.

Nhiều đại biểu không đồng tình chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an -0
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị).

Bên cạnh đó, qua con số thống kê cho thấy số người chết do tai nạn giao thông tính trên 100.000 giấy phép lái xe được cấp lại liên tục giảm. Năm 1995, là 61 người thì đến năm 2020 ước chỉ còn 15 người. Mặt khác, qua thống kê phân tích các vụ tai nạn giao thông cho thấy nguyên nhân chính của các vụ tai nạn này là do ý thức của người tham gia giao thông. Ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông gây ra và có đến 90% các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra đối với người điều khiển phương tiện giao thông có thâm niên lái xe từ 7 đến 10 năm.

Đặc biệt, hiện nay ngành Giao thông vận tải có khoảng 2.200 cán bộ, công chức, viên chức đang thực hiện nhiệm vụ quản lý trong lĩnh vực này (cấp giấy phép lái xe). Trong trường hợp chuyển sang Bộ Công an phải sắp xếp cho lực lượng lao động này, trong khi Bộ Công an lại phải bổ sung thêm lực lượng để tiếp nhận công việc mới.

Ngoài ra, toàn bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật có giá trị hàng nghìn tỷ đồng của ngành giao thông vận tải có nguy cơ bị lãng phí. Trong khi đó, ngành công an tiếp tục cần phải đầu tư trang thiết bị bổ sung sẽ gây tốn kém cho ngân sách nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho biết nhận được kiến nghị chính thức của Hiệp hội Vận tải ô-tô đường bộ Việt Nam và Hiệp hội Vận tải ô-tô đường bộ TP Hồ Chí Minh, kiến nghị không nên chuyển việc cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an, vì sẽ gây ra rất nhiều xáo trộn và tốn kém không cần thiết.

“Tôi cũng đi taxi nhiều, tôi hỏi mấy ông taxi thì không thấy ông taxi nào đồng ý chuyện chuyển cấp giấy phép lái xe qua cho Bộ Công an”, đại biểu chia sẻ.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV