Nhiều công trình xây dựng trái phép, vi phạm an toàn hành lang quốc lộ 28B

NDO -

NDĐT – Quốc lộ 28B từ khi được đưa vào khai thác sử dụng đã trở thành tuyến giao thương quan trọng và ngắn nhất nối hai tỉnh Bình Thuận – Lâm Đồng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, du khách và vận chuyển hàng hóa, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội kết nối, vùng cực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình hình lấn chiếm đất, xây dựng trái phép, vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên tuyến quốc lộ 28B ngày càng tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Công trình xây dựng trái phép trên mặt bằng được san lấp tại Km49+800, bên trái tuyến quốc lộ 28B, thuộc địa phận xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình (Bình Thuận).
Công trình xây dựng trái phép trên mặt bằng được san lấp tại Km49+800, bên trái tuyến quốc lộ 28B, thuộc địa phận xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình (Bình Thuận).

Quốc lộ 28B có điểm đầu (km 0) tại ngã ba thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình (Bình Thuận), giao với quốc lộ 1A và điểm cuối (km 69) tại Ngã ba Tahine (tỉnh Lâm Đồng), giao với quốc lộ 20 có chiều dài 69km. Trong đó, đoạn tuyến đi qua Bình Thuận dài 51km; đoạn tuyến qua tỉnh Lâm Đồng dài 18km. Tháng 3-2014, tuyến đường này đã được Tổng Cục đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) ủy thác cho Sở Giao thông vận tải Bình Thuận và Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng quản lý, bảo trì và khai thác đoạn tuyến đi qua mỗi tỉnh.

Từ năm 2017 đến nay, rất nhiều người dân trong và ngoài địa phương, cũng như ở một số tỉnh khác đã đến sinh sống dọc theo đoạn tuyến quốc lộ 28B do tỉnh Bình Thuận quản lý, lấn chiếm đất khu vực gần hai bên đường, xây dựng sai mục đích; tự ý san lấp mặt bằng trong hành lang an toàn đường bộ, xây dựng nhà trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ; đào đường trái phép đặt ống thoát nước; làm mất tác dụng của hệ thống thoát nước; mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính…

Theo UBND huyện Bắc Bình, đến tháng 7-2019, huyện đã thống kê và lập biên bản 59 trường hợp vi phạm, thuộc địa bàn quản lý của hai xã Phan Lâm và Phan Sơn, là hai xã vùng cao của huyện Bắc Bình, giáp với huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Đa số các trường hợp vi phạm tập trung tại đoạn từ Km17 đến Km19 quốc lộ 28B, thuộc khu vực Dốc Đá, xã Phan Lâm. Hầu hết đều tập trung về đây, xây nhà ở, lập hàng quán buôn bán nhỏ ven theo hai bên đường, tạo thành một điểm dân cư tự phát.

Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình cho biết, công tác quản lý hành chính nhà nước của chính quyền xã Phan Lâm còn rất hạn chế, đặc biệt là quản lý công dân từ nơi khác đến sinh sống. Quá trình quần cư tại khu vực Đốc Đá diễn ra khá nhanh, trong khi đó quy hoạch điểm dân cư chưa triển khai thực hiện nên tạo áp lực về nhu cầu đất ở tại đây. Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại xã Phan Lâm chưa được quan tâm; quá trình kiểm tra, xử lý thiếu kiên quyết, dẫn đến vi phạm ngày càng nhiều mà không bị ngăn chặn.

Tuy nhiên, số còn lại gồm năm trường hợp lại vi phạm rất nghiêm trọng tập trung từ Nhà máy Thủy điện Đại Ninh đến giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, đoạn từ Km38 đến Km50 quốc lộ 28B và đều là người từ huyện Đức Trọng qua. Cụ thể, năm 2018, ông Trần Văn Lệ, SN 1982, trú thôn Ma Am, xã Đà Loan, huyện Đức Trọng đã tới lấn chiếm đất của Nhà máy Thủy điện Đại Ninh tại Km38+600, thuộc địa bàn xã Phan Lâm, rồi xây dựng công trình kiên cố trái phép. Ngày 30-11-2018, UBND huyện Bắc Bình đã có Văn bản 2401/UBND-NC giao cho UBND xã Phan Lâm phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xử lý. Ngày 3-7-2019, UBND huyện Bắc Bình đã ra Quyết định xử phạt ông Lệ theo Nghị định 46 và Nghị định 102 với số tiền 21,5 triệu đồng, đồng thời khôi phục lại tình trạng ban đầu nhưng ông Lê vẫn chưa tháo dỡ và chưa nộp tiền xử phạt.

Đặc biệt, từ Km47+550 đến Km49+800, thuộc địa bàn xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, giáp ranh với huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, là đoạn có đường đèo dốc quanh co, nhiều khúc cua nguy hiểm, ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, có năm trường hợp người từ bên Đức Trọng tới, lấn chiếm đất hành lang an toàn đường bộ xây dựng nhà, quán ăn, trạm dừng với quy mô lớn để đón khách nghỉ dọc đường.

Theo báo cáo của Thanh tra giao thông tỉnh Bình Thuận, tất cả các trường hợp xây dựng trạm dừng, nhà nghỉ, hàng rào đều san lấp mặt bằng trong hành lang an toàn đường bộ; xây dựng trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ từ năm 2018… Cụ thể, tại Km47+550, bên trái tuyến quốc lộ 28B, ông Bùi Văn Hậu, SN 1971, trú tại thôn Trung Ninh, xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng đã xây dựng Trạm dừng chân Hoàng Yến kinh doanh ăn uống và dịch vụ homestay với diện tích xây dựng vi phạm hơn 300m. Tại Km48+600, bên trái tuyến quốc lộ 28B, ông Trần Văn Chiến, SN 1971, trú tại xã Đà Loan, huyện Đức Trọng xây dựng Trạm dừng chân Như Anh kinh doanh ăn uống trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ và tự ý san lấp mặt bằng trong hành lang đường bộ từ năm 2017.

Tại Km49+800, bên phải tuyến quốc lộ 28B, bà N.H, SN 1976, trú xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng đã san lấp mặt bằng, xây dựng dãy nhà ở trái phép từ cuối năm 2018. Sau đó, bà H tiếp tục san lấp mặt bằng với diện tích khoảng 600m vuông phía bên trái tuyến quốc lộ 28B dựng hai căn nhà bằng thép để mở quán cà-phê Panaroma.

Tại Km48+600 đến Km49+300, bên phải tuyến, ông Nguyễn Nhu Chương, SN 1961, trú xã Phú Hội, huyện Đức Trọng đã xây dựng tường rào trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

Thanh tra giao thông tỉnh và UBND huyện Bắc Bình cùng với chính quyền địa phương hai xã Phan Lâm, Phan Sơn xác định các trường hợp này, ngoài vi phạm hành lang an toàn đường bộ còn lấn chiếm đất rừng phòng hộ Sông Lũy và đất công trình Thủy điện Đại Ninh. Chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt tiền theo các Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10-4-2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Đồng thời buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, các đối tượng này chỉ nộp tiền phạt nhưng không khắc phục hậu quả, mà tiếp tục xây dựng đưa công trình xây dựng trái phép vào kinh doanh dịch vụ.

Trong những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8-2019, phóng viên Nhân Dân điện tử đã trực tiếp tới khu vực này và thấy các trạm dừng, hàng quán vẫn hoạt động kinh doanh dịch vụ nhộn nhịp; các xe khách, xe du lịch vẫn dừng tại trạm cho du khách nghỉ ngơi, ăn uống và ngắm cảnh. Qua tìm hiểu, bà H, chủ quán Panorama cho biết, bà mua đất của người dân địa phương với giá khoảng 600 triệu đồng ở cả hai bên đường và hoàn toàn không có giấy tờ. Những người mua bán đất làm nhà ở quanh đây cũng đều không có giấy tờ gì.

Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình cho biết, huyện đã phối hợp với Thanh tra giao thông tỉnh xử lý các trường hợp vi phạm an toàn hành lang đường bộ, nhất là các đối tượng ở huyện Đức Trọng qua và đã có các Quyết định xử lý vi phạm hành chính nhưng họ không chịu tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, chủ các công trình không làm việc trực tiếp với chính quyền và cơ quan chức năng mà chỉ cử người làm thuê hoặc không có trách nhiệm tới làm việc nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận cho biết, từ năm 2017 đến nay, Thanh tra Sở đã lập Biên bản xử lý 38 vụ vi phạm hành lang an toàn đường bộ, xây dựng trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ tại quốc lộ 28 nhưng không thể ra quyết định cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do tính chất phức tạp về lấn chiếm đất, quy định hành lang an toàn đường bộ và quyền sử dụng đất…

Hiện nay, trên tuyến quốc lộ 28B xuất hiện tình trạng tự ý chặt phá cây rừng, đốt bỏ thảm thực vật, làm mất tác dụng điều tiết nước mưa ngấm dần xuống đất; đào phá núi, san lấp lấy mặt bằng, bao chiếm đất để kinh doanh, buôn bán phục vụ khách du lịch làm tăng nguy cơ gây sạt lở đất đá xuống đường giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số người từ huyện Đức Trọng, Lâm Đồng qua địa bàn xã Phan Lâm, Phan Sơn, huyện Bắc Bình phá rừng, chiếm đất, không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính quyền địa phương và ngành chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định chủ thực sự của các khu đất lấn chiếm, công trình vi phạm.

Nếu UBND huyện Bắc Bình và chính quyền địa phương không kiên quyết ngăn chặn, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm mà vẫn cứ loay hoay lúng túng không có các biện pháp buộc tháo dỡ những công trình sai phạm, quản lý chặt chẽ công dân từ nơi khác đến sinh sống thì tình trạng lấn chiếm đất rừng, xây dựng công trình trái phép, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ quốc lộ 28B vẫn sẽ tiếp tục tái diễn với mức độ khó kiểm soát hơn.

Nhiều công trình xây dựng trái phép, vi phạm an toàn hành lang quốc lộ 28B ảnh 1

Công trình được dựng bằng thép và ván gỗ bên sườn núi được san lấp tạm, rất nguy hiểm cho du khách.

Nhiều công trình xây dựng trái phép, vi phạm an toàn hành lang quốc lộ 28B ảnh 2

Một công trình đang được xây dựng ngay tại Km49+800 từ việc san lấp, lấn chiếm đất rừng.

Nhiều công trình xây dựng trái phép, vi phạm an toàn hành lang quốc lộ 28B ảnh 3

Trạm dừng chân Như Anh xây dựng trái phép, vi phạm hành lang an toàn đường bộ tại Km48+600, bên trái tuyến quốc lộ 28B.

Nhiều công trình xây dựng trái phép, vi phạm an toàn hành lang quốc lộ 28B ảnh 4

Trạm dừng chân Hoàng Yến xây dựng tại Km47+550, bên trái tuyến quốc lộ 28B, vi phạm hành lang đường bộ, san lấp mặt bằng trái phép.

Nhiều công trình xây dựng trái phép, vi phạm an toàn hành lang quốc lộ 28B ảnh 5

Trạm dừng chân Hoàng Yến bố trí khu vực cho du khách ngắm cảnh, lắp dựng bằng thép không bảo đảm an toàn.

Nhiều công trình xây dựng trái phép, vi phạm an toàn hành lang quốc lộ 28B ảnh 6

Trạm dừng chân Hoàng Yến được xây dựng ngay bên sườn núi, có nguy cơ sụp đổ công trình và sạt lở đất đá xuống đường giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông.

Nhiều công trình xây dựng trái phép, vi phạm an toàn hành lang quốc lộ 28B ảnh 7

Một công trình xây dựng lấn chiếm đất của Nhà máy Thủy điện Đại Ninh tại Km38+600, thuộc địa bàn xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình (Bình Thuận).