Nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội ở Đắk Lắk

Mặc dù chịu sự tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt, ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân; giá cả các nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất có nhiều biến động... Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự đồng thuận trong nhân dân nên tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh Đắk Lắk năm 2024 đạt được nhiều kết quả tích cực, trong 16 chỉ tiêu chủ yếu năm 2024 có 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra…
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk kiểm tra tiến độ thi công Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột vào tháng 8/2024.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk kiểm tra tiến độ thi công Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột vào tháng 8/2024.

12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2024, mặc dù tình hình trong nước chịu nhiều ảnh hưởng từ tình hình diễn biến phức tạp, khó lường của thế giới; tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân; giá cả các nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất có nhiều biến động... Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự đồng thuận trong nhân dân nên tình hình kinh tế, xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, trong 16 chỉ tiêu chủ yếu năm 2024 có 12 chỉ tiêu đạt và vượt, có 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, trong 12 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch năm 2024 gồm: GRDP bình quân đầu người ước đạt 72,8 triệu đồng/người; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1 tỷ 650 triệu USD, tăng 10,3%, bằng 103,1% kế hoạch năm 2024; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 105.000 tỷ đồng, tăng 4,96%, bằng 105,2% kế hoạch năm 2024.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 8.500 tỷ đồng, tăng 7,78%, bằng 100% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao và bằng 121,43% dự toán Trung ương. Phát triển hạ tầng thủy lợi bảo đảm tưới chủ động cho trên 84,45% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới. Cải tạo, nâng cấp nhựa hoặc bê-tông hóa ước đạt 97,17% các tuyến đường tỉnh, 96,97% các tuyến đường huyện, 79,98% các tuyến đường xã và liên xã.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5%, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3,5%. Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống còn 2,4%; tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động ước đạt 64%, trong đó tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ ước đạt 22,25%.

Nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội ở Đắk Lắk ảnh 1

Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang được các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công.

Giải quyết việc làm cho khoảng 30.350 lao động, bằng 100,5% kế hoạch, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 1.700 người. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn Quốc gia ước đạt 62%, tăng 1,08%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (cân nặng theo độ tuổi) giảm còn 17,6%.

Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường của trạm y tế xã) ước đạt 29 giường/một vạn dân. Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm Y tế ước đạt 93,5%.

Chỉ tiêu về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có tỷ lệ che phủ rừng (tính cả cây cao-su) ước đạt 38,1%. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) dự kiến tăng 5 bậc so với năm 2023.

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình trên tổng số hồ sơ ước đạt 100%. Tỷ lệ trả kết quả theo hình thức trực tuyến ước đạt 15%.

Quốc phòng, an ninh trên địa bàn ổn định, giữ vững; tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí so với năm trước.

Có 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch năm 2024, gồm: Giá trị tổng sản phẩm ước đạt 63.356,08 tỷ đồng, tăng 5,08%, bằng 98,32% kế hoạch năm 2024; huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 36.990 tỷ đồng, tăng 4,02%, bằng 95,83% kế hoạch; phát triển doanh nghiệp ước có 1.430 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,9%, bằng 77,3% kế hoạch năm; xây dựng nông thôn mới đến cuối năm 2024, lũy kế có 81/149 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 54,36% và một đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội ở Đắk Lắk ảnh 2

Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Đắk Lắk có 81/149 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 54,36% và một đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Về đầu tư xây dựng cơ bản, đối với kế hoạch đầu tư công năm 2024 ngân sách tỉnh quản lý, tính đến ngày 28/11 đã giải ngân đạt 64% kế hoạch, cao hơn 5% so với cùng kỳ năm trước; nếu không tính số Trung ương bổ sung vào đầu tháng 11/2024 thì giải ngân đạt 68% kế hoạch.

Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, đến ngày 30/11 giải ngân đạt 59,7% kế hoạch, phấn đấu đến cuối năm đạt 100% kế hoạch vốn năm 2022 và năm 2023 kéo dài sang năm 2024 và đạt trên 90% đối với kế hoạch vốn năm 2024.

Đặc biệt, Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, tỉnh đã bàn giao thực hiện bồi thường được 100% chiều dài tuyến chính. Đối với tổng diện tích thực hiện Dự án đã thực hiện bồi thường đạt 99,7% diện tích. Đến ngày 28/11, đã giải ngân được 887/900 tỷ đồng, đạt 98,6% kế hoạch…

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk đang quyết liệt chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk với nhiều sự kiện, hoạt động ý nghĩa. Tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ quốc phòng-an ninh địa bàn Tây Nguyên; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh những kết quả đạt được thì trong năm 2024, tình hình phát triển kinh tế, xã hội ở Đắk Lắk vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Phát triển kinh tế chưa bền vững, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt kế hoạch đề ra; các khu vực mặc dù có tăng trưởng nhưng nhìn chung còn thấp, tốc độ chuyển dịch kinh tế còn chậm. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội không đạt kế hoạch. Hoạt động doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh tăng so với cùng kỳ. Công tác giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với cả nước.

Giải ngân vốn đầu tư công tuy có cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra; một số công trình, dự án trọng điểm triển khai chậm; thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh đạt thấp...

Nỗ lực hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu năm 2025

Trên cơ sở kết quả đạt được cũng như những khó khăn, hạn chế của năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 với những chỉ tiêu cao hơn.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu như: Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) phấn đấu đạt 67.783 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế đạt 7% so với ước thực hiện năm 2024.

GRDP đầu người đạt khoảng 81 triệu đồng/người. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 42.300 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.700 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đạt 110.000 tỷ đồng.

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn phấn đấu đạt 9.000 tỷ đồng. Thành lập mới 3.188 doanh nghiệp và 60 hợp tác xã. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 4% trở lên. Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị còn 2,3%. Giải quyết việc làm cho khoảng 30.300 lao động. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 40%. Chỉ số cải cách hành chính phấn đấu tăng 5 bậc so với năm 2024. Bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự và an toàn xã hội, kiềm giảm tai nạn giao thông so với cùng kỳ…

Nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội ở Đắk Lắk ảnh 3
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng với cả hệ thống chính trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2025.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, với mục tiêu nêu trên, trong năm 2025, bằng sự quyết tâm, nỗ lực cao nhất, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng với cả hệ thống chính trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là các giải pháp của Trung ương và của tỉnh đề ra; phấn đấu về đích kế hoạch về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Tập trung chỉ đạo thực hiện tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và của Tỉnh ủy. Triển khai các văn bản chỉ đạo Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030; triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII và kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh sản xuất, gia tăng giá trị các lĩnh vực còn dư địa tăng. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành dịch vụ; ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số. Tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm.

Đẩy mạnh thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát; thực hiện hiệu quả công tác dân tộc trong tình hình mới; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, giá trị lịch sử, truyền thống dân tộc. Chuẩn bị và tổ chức thành công Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025; chương trình kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, duy trì kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội trên tất cả các lĩnh vực.

Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy gắn với xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Triển khai thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế, vi phạm do Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện, nâng cao các chỉ số cải cách hành chính; quyết liệt triển khai thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử gắn với triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

Thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương; chủ động nắm tình hình, nhất là các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, các vụ tranh chấp khiếu kiện liên quan đến đất đai, hợp đồng nhận khoán, khai thác khoáng sản… Đồng thời kịp thời tham mưu giải quyết các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở; đấu tranh trấn áp tội phạm, kiềm chế tội phạm; giữ vững ổn định và tăng cường quốc phòng-an ninh trên địa bàn…