Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 500 nghìn đoàn viên ngành y tế, chỉ chiếm 1/24 số đoàn viên cả nước, nhưng họ là những đoàn viên đặc biệt vì mang trọng trách chăm sóc sức khỏe cho hơn 100 triệu dân.
Nhiệm kỳ XIII của Công đoàn Y tế Việt Nam là nhiệm kỳ đặc biệt vì có 3/5 năm tập trung công tác chống dịch Covid-19, đại dịch chưa từng có trong lịch sử, áp lực đè nặng lên toàn bộ hệ thống y tế. Do đó, tổ chức công đoàn các cấp cũng chịu áp lực không kém để đồng hành bảo đảm công tác chăm lo, bảo vệ đoàn viên trên tuyến đầu.
Từ cuối năm 2019, dịch bệnh Covid-19 bùng phát thành đại dịch trên phạm vi toàn thế giới thì tất cả cán bộ, nhân viên y tế trở thành lực lượng tuyến đầu trên mặt trận chống dịch.
Cán bộ, nhân viên ngành y tế đã phải “ra trận”, đảm đương khối lượng công việc gấp 3-5 lần bình thường: theo dõi, điều trị cho trên 11,5 triệu ca nhiễm bệnh, trong đó có 3-5% ca nặng, trên 43.000 ca tử vong; thực hiện tiêm chủng với số lượng mũi tiêm khổng lồ trên 260 triệu mũi vaccine Covid-19, thực hiện test xét nghiệm Covid-19 cho hàng trăm triệu lượt người…
Sau đại dịch Covid-19 là sự khủng hoảng về tinh thần với nhiều cán bộ, nhân viên y tế liên quan đến pháp lý, đời sống khó khăn, thu nhập giảm do các đơn vị tự chủ với giá viện phí hiện nay vẫn có 4/7 yếu tố từ 20 năm chưa thay đổi, thu không đủ bù chi. Đây chính là giọt nước tràn ly làm cho làn sóng hơn 10.000 cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc/chuyển việc sang khu vực tư nhân.
Mặc dù đối diện với muôn vàn khó khăn như vậy, Công đoàn Y tế Việt Nam đã nỗ lực hoàn thành và vượt 8/9 chỉ tiêu được giao.
Công đoàn Y tế Việt Nam hiện đang trực tiếp quản lý 108 công đoàn cơ sở với tổng số 51.555 đoàn viên (số liệu đến tháng 5/2023).
Năm 2023, Công đoàn Y tế Việt Nam tôn vinh 50 nữ chiến sĩ áo trắng tiêu biểu trong chống dịch năm 2022, phối hợp Hội Nữ trí thức Việt Nam biểu dương tôn vinh 51 nữ trí thức ngành y tiêu biểu có nhiều nghiên cứu đóng góp trong phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, ngành y tế đã và đang đối diện với nhiều thách thức trong thời gian tới khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp với 500 ca mắc 1 tuần, 20 ca tử vong, các dịch bệnh thông thường chưa có xu hướng giảm như: Tay chân miệng, sốt rét, sốt xuất huyết... Nhiều dịch bệnh mới vẫn có nguy cơ xảy ra, các bệnh không lây nhiễm, ung thư ngày càng gia tăng.
Mỗi năm có hơn 1 triệu trẻ ra đời, hơn 1 triệu người dân bước vào tuổi già với trung bình từ 3-5 bệnh/1 người. Nhu cầu chăm sóc người bệnh ngày càng cao, nhưng biên chế ngành y tế phải tính như các ngành khác phải giảm 5-10%, trong khi lương lại là ngành đứng thứ 17/18.
Theo Phó Giáo sư Phạm Thanh Bình, hiện các chế độ, chính sách cho cán bộ, nhân viên y tế từ hàng chục năm chưa được thay đổi như tiền trực năm 2012 là 18.000 đồng và 25.000 đồng khi mức lương cơ sở là 830.000 đồng.
Hiện nay mức lương cơ sở đã được điều chỉnh lên mức 1,8 triệu đồng song các chế độ trên vẫn chưa có sự điều chỉnh tương ứng, ngoài ra, rất nhiều chế độ chính sách từ độc hại đến các chính sách khác đều quá cũ.
Bên cạnh đó, các cơ chế đầu thầu thuốc, trang thiết bị vẫn còn muôn vàn khó khăn, các bệnh viện vẫn thiếu thuốc, người bệnh có bảo hiểm vẫn rất khổ khi đến bệnh viện.
Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam thăm hỏi người bệnh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. |
Do đó, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam nhấn mạnh, công đoàn và các cấp công đoàn sẽ phải tiếp tục đồng hành với Bộ Y tế, đoàn viên, lãnh đạo các đơn vị để tham mưu, tham gia quản lý, giám sát các chế độ, chính sách; động viên, đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên để cán bộ, nhân viên y tế tận tâm cống hiến với nghề mình đã chọn; phát động các phong trào đặc thù ngành như các cuộc thi bác sĩ giỏi, điều dưỡng giỏi, các phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo để phát huy sáng kiến, đổi mới, ứng dụng kỹ thuật cao để chăm lo tốt hơn sức khỏe cho người dân.
Đoàn viên ngành y tế có khỏe thì mới chăm sóc y tế tốt nhất cho người dân. Để đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên ngành y tế chính là tổ chức công đoàn ở mỗi đơn vị. Tổ chức công đoàn ở các đơn vị ngành y tế hoạt động tốt, sẽ là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động, bảo đảm sự hài hòa, ổn định và phát triển của mỗi đơn vị.
"Chúng tôi cho rằng giai đoạn tới, Công đoàn Y tế Việt Nam vẫn còn đối diện với muôn vàn khó khăn, nhất là khi 50% chủ tịch công đoàn cơ sở trực thuộc của nhiệm kỳ mới đều là cán bộ mới, đây là thách thức lớn để các đồng chí cán bộ công đoàn mới nhanh chóng tiếp cận công việc, trưởng thành trong công việc và thực sự trở thành cánh tay nối dài của Công đoàn Y tế Việt Nam chăm lo cho đoàn viên", bà Bình chia sẻ.
Do đó, bà Bình bày tỏ, nếu Công đoàn ngành y tế được nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp ủy và sự phối hợp tốt của lãnh đạo đơn vị, đoàn viên được bảo đảm chế độ chính sách, được chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần thì đội ngũ thầy thuốc sẽ yên tâm công tác, cống hiến nhiều hơn vì sức khỏe người dân.
Với các kết quả đạt được, trong giai đoạn 2018-2023, Công đoàn Y tế Việt Nam đã được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và cá nhân đồng chí Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam; 43 tập thể và 220 cá nhân được nhận bằng khen; 138 tập thể được nhận Cờ thi đua; 60 cá nhân nhận được Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Gần 10.000 tập thể cá nhân nhận được cờ và bằng khen của Công đoàn Y tế Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ XIV Công đoàn Y tế Việt Nam, Ban Chấp hành đã trình Đại hội 8 chỉ tiêu nhiệm kỳ, 6 chỉ tiêu hàng năm với 3 khâu đột phá và 8 giải pháp để đạt mục tiêu “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, phát triển” ở mỗi tổ chức công đoàn cơ sở.