Nhiều chiêu trò lừa đảo đặt phòng khách sạn

Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng lừa đảo bằng hình thức đặt phòng khách sạn qua mạng. Các cơ quan truyền thông cũng liên tục đưa ra cảnh báo để người dân có thể phòng tránh. Tuy nhiên đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi cách thức với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách cần tìm hiểu kỹ thông tin, thận trọng khi đặt phòng khách sạn qua mạng. (Ảnh Duy Đăng)
Du khách cần tìm hiểu kỹ thông tin, thận trọng khi đặt phòng khách sạn qua mạng. (Ảnh Duy Đăng)

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như hiện nay, chỉ cần vài thao tác, khách hàng sẽ nhanh chóng có được hàng loạt địa điểm khách sạn, hình ảnh lẫn giá cả dịch vụ liên quan. Tận dụng sự phát triển công nghệ, các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng nhu cầu thuê phòng tăng cao dịp hè, lễ, Tết để đăng bài giới thiệu cho thuê khách sạn, villa, homestay giá rẻ.

Khi khách du lịch có nhu cầu thuê, các đối tượng sẽ liên hệ qua tin nhắn Messenger, Zalo để giới thiệu về các dịch vụ đi kèm mà khách du lịch quan tâm. Thủ đoạn này khiến du khách nhầm tưởng đối tượng là chủ của khách sạn, villa, homestay. Để tăng thêm sự tin tưởng cho khách du lịch, các đối tượng còn chụp hình, quay video thậm chí livestream khu nghỉ cho khách xem. Khi đồng ý với giá thuê phòng, các đối tượng yêu cầu chuyển tiền cọc từ 30-50% giá trị thuê phòng.

Anh Mai Tuấn Anh (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Tôi cùng các thành viên trong gia đình đã lựa chọn Hạ Long trong chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm. Tôi có đăng bài tìm thuê căn biệt thự trên các hội nhóm du lịch tại tỉnh Quảng Ninh thì có một tài khoản Facebook Nguyễn Đạt có tương tác rất tích cực. Kiểm tra thông tin về người này, mọi thứ đều yên tâm, cho nên tôi đã chuyển khoản đặt cọc cho người này 5 triệu đồng.

Khi gia đình đến thành phố Hạ Long, gọi điện thoại, Zalo, Facebook đều không được, thậm chí người này còn chặn liên lạc của tôi. Tương tự, chị Nguyễn Phương Linh (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) chia sẻ: Chị có nhu cầu đặt phòng nghỉ cho gia đình đi chơi thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vào dịp cuối tuần.

Qua thông tin đặt phòng trên mạng, chị tìm được căn villa phù hợp cho 15 người lớn và 6 trẻ em, với giá 17 triệu đồng/ngày đêm. Chị Phương Linh đồng ý đặt cọc 50% giá trị tiền phòng (trị giá 8,5 triệu đồng) nhưng người bán luôn lấy lý do khất lần, không giao mã code cho chị nhận phòng. Sát đến ngày khởi hành, chị đã bị chặn số, không thể liên lạc được. Khi biết bị lừa, chị Linh cùng một số người cùng cảnh ngộ lập hẳn một nhóm những người là nạn nhân của đối tượng trên và trình báo với cơ quan chức năng.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Phạm Trung Anh về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 6/2022 đến nay, đối tượng Phạm Trung Anh (sinh năm 1993), trú tại thôn 5 An Bồ (Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) đã sử dụng nhiều tài khoản Facebook, Zalo như "Tường Ánh", "Bống Bống", "Phạm Quyết", "Trần Quang Anh" để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại, với tổng số tiền khoảng 100 triệu đồng.

Gần đây, ngày 13/6, cơ quan Công an huyện Cô Tô tiếp nhận tố giác của chị Đ.T.N.A (trú tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) về việc chị Đ.T.N.A bị đối tượng Phạm Trung Anh lừa gần 9 triệu đồng tiền đặt cọc phòng khi chị có nhu cầu đặt phòng nghỉ tại huyện Cô Tô (Quảng Ninh). Tại cơ quan điều tra, Phạm Trung Anh khai nhận: Do bản thân không có việc làm, cần tiền để tiêu xài cá nhân nên đã nảy sinh ý định truy cập các trang, nhóm du lịch trên mạng xã hội Facebook để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thực tế cho thấy, tình trạng lừa đảo đặt phòng trên mạng đang diễn biến phức tạp… Nguyên nhân chính là người dân nhẹ dạ, cả tin, không nắm rõ thông tin về trang web, tài khoản Facebook, thông tin về địa chỉ liên hệ của công ty du lịch, lữ hành trước khi tiến hành giao dịch. Không kiểm tra xem các công ty đã đăng ký hoạt động kinh doanh hay chưa. Khi đặt phòng trực tuyến khách hàng cũng không tìm hiểu kỹ thông tin về số lượng, loại phòng, địa chỉ khách sạn,…

Các đối tượng lừa đảo lại thường thay đổi liên tục các phương thức, thủ đoạn như dành nhiều thời gian nghiên cứu, trao đổi và tư vấn nhiệt tình nhằm tạo lòng tin với khách hàng. Tự nhận mình là chủ khách sạn lớn và do khách hàng quá đông trong khi nhân viên tư vấn đang rất bận nên tư vấn trực tiếp và sẵn sàng giảm giá 50%, khuyến mại thêm nhiều phần quà hấp dẫn nếu đặt phòng nghỉ sớm…

Theo ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng phòng Du lịch huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng lừa đảo này người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn dịch vụ. Chỉ nên lựa chọn những công ty du lịch lữ hành có đủ tư cách pháp nhân và uy tín. Đặc biệt, không giao dịch với những cá nhân không rõ ràng về thông tin danh tính, địa chỉ. Chọn các trang mạng có dấu tích xanh, có uy tín và biết rõ thông tin người bán.

Ngoài ra, du khách cần tự bảo vệ mình bằng cách kiểm tra kỹ thông tin về khách sạn, tra cứu trên hệ thống, lấy số điện thoại có đăng ký Zalo gọi xác minh trước khi chuyển tiền cọc. Cảnh giác với các trang quảng cáo giảm giá phòng khách sạn bất thường trong các dịp nghỉ lễ, nhất là những mời chào mua gói du lịch với mức giá rẻ hơn 30% đến 50% so với giá chung của thị trường.

Thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp. Để yên tâm, du khách có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, chứng chỉ hành nghề của các công ty du lịch.

Cũng theo ông Linh, để bảo đảm quyền lợi của khách hàng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần đưa ra một lộ trình cụ thể, tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, bán voucher (một dạng phiếu mua hàng) khách sạn qua hình thức trực tuyến. Nếu có dấu hiệu bất thường thông tin cho cơ quan quản lý du lịch tại địa phương để xác nhận các dịch vụ.

Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TGS (thành phố Hà Nội) cho rằng: Cần ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền đặt cọc thuê phòng của khách hàng khi đi du lịch; tăng mức xử phạt hành chính đối với những công ty du lịch, lữ hành có hành vi quảng cáo sai sự thật.

Nếu số tiền của khách hàng bị lừa đảo, lừa dối khi thuê phòng nghỉ tại các khu du lịch chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có thẩm quyền có thể xử phạt hành chính theo quy định. Nếu số tiền bị lừa đảo chiếm đoạt quá lớn, đủ điều kiện xử lý hình sự thì cơ quan có thẩm quyền có thể căn cứ mức độ vi phạm, nguyên nhân, mục đích dẫn đến hành vi phạm tội của đối tượng mà có thể xử lý theo các điều 174, 198… Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017.