Nhiều cảng cá ở Cà Mau đầu tư lớn nhưng chưa phát huy hiệu quả

NDO - Có thế mạnh về nuôi trồng và khai thác thủy sản nên thời gian qua, Cà Mau đã đầu tư nhiều cảng cá phục vụ hậu cần nghề biển. Tuy nhiên, có những cảng cá đầu tư kinh phí lớn nhưng hiệu quả mang lại rất thấp, thậm chí chưa phát huy hiệu quả…
0:00 / 0:00
0:00
Cảng cá Hố Gùi đầu tư khoảng 70 tỷ đồng nhưng không có hộ kinh doanh, tàu cập bến, trở thành sân chơi của trẻ em miền biển.
Cảng cá Hố Gùi đầu tư khoảng 70 tỷ đồng nhưng không có hộ kinh doanh, tàu cập bến, trở thành sân chơi của trẻ em miền biển.

Để phục vụ cho đội tàu khai thác hơn 3.800 chiếc (trong đó có khoảng 1.600 tàu cá khai thác xa bờ), tỉnh Cà Mau được đầu tư 5 cảng cá lớn, gồm: cảng cá Cà Mau, cảng cá Sông Đốc, cảng cá Rạch Gốc, cảng cá Cái Đôi Vàm và cảng cá Hố Gùi. Đó cũng là “địa chỉ” cập bến sau mỗi chuyến vào bờ bán sản phẩm của tàu khai thác biển, góp phần giúp chung tay thực hiện tốt phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Tuy nhiên, 1 trong 5 cảng cá nêu trên là Hố Gùi (xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi), được đầu tư khoảng 70 tỷ đồng, hoàn thành từ năm 2019 đến nay nhưng chưa phát huy hiệu quả. Trái ngược với cảnh sầm uất của 1 cảng cá vùng ven biển, cảng cá Hố Gùi không thấy hộ kinh doanh, cũng không có ghe tàu cập bến... Bất đắc dĩ, chúng thành nơi nô đùa của trẻ em xóm biển.

Theo ông Diệp Viễn Dương, thành viên Đội điều hành cảng cá Hố Gùi (thuộc Ban quản lý các cảng cá Cà Mau), từ khi đưa vào hoạt động đến nay, cảng cá Hố Gùi không có chiếc tàu nào cặp bến.

Tìm hiểu nguyên nhân mới biết, do tuyến đường giao thông đấu nối với cảng chưa có, nên khi tàu cá cặp bến thì không vận chuyển sản phẩm đi nơi khác được mà phải bốc hải sản trở lại tàu. Việc bốc dỡ hải sản 2 lần gây tốn kém chi phí nên ngư dân thường chọn cảng cá khác có kết nối giao thông tốt để bốc dỡ mà không vào cảng cá Hố Gùi.

Nhiều cảng cá ở Cà Mau đầu tư lớn nhưng chưa phát huy hiệu quả ảnh 1

Đường vào cảng cá Rạch Gốc nhỏ hẹp và giới hạn tải trọng trở thành “rào cản” kìm hãm sự phát triển của cảng.

Theo ông Nguyễn Phương Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đầm Dơi, tuyến đường kết nối cảng cá Hố Gùi là một trong những dự án quan trọng của địa phương, giúp nhân dân trong khu vực kết nối với trung tâm xã Nguyễn Huân và trung tâm huyện, vực dậy kinh tế xã hội. Cùng với đó, khi có giao thông kết nối sẽ giúp cho cảng cá hoạt động, vận hành đầy đủ các công năng, đồng thời phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai… “Lãnh đạo huyện đã có những kiến nghị nêu rõ sự cần thiết để xây dựng tuyến đường đấu nối với cảng cá Hố Gùi nhưng phải chờ quyết định đầu tư từ tỉnh” - ông Bình chia sẻ.

Không thê thảm như Hố Gùi, cảng cá Rạch Gốc (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển), dù đầu tư đồng bộ hơn nhưng lượng tàu cập bến thì như muối bỏ biển. Năm 2016, cụm công trình Cảng cá Rạch Gốc được đầu tư gần 100 tỷ đồng hoàn thành, phục vụ nhu cầu của các tàu khai thác trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, tuyến đường giao thông và cầu đấu nối từ cảng ra đường Hồ Chí Minh vừa nhỏ, vừa bị hạn chế tải trọng trở thành rào cản cho vận chuyển hải sản, kéo theo lượng tàu cập cảng khá thấp.

Ghi nhận trong chuyến kiểm tra thực tế của người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau tại Rạch Gốc vào những ngày giữa tháng 10 cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2022, cảng cá Rạch Gốc chỉ nhận xếp dỡ 405 tàu với hơn 1.000 tấn hàng hóa. Còn trong 10 ngày đầu của tháng 10 vừa qua, cảng này chỉ ghi nhận 14 tàu cập cảng.

Bà Nguyễn Ngọc Tuyền kinh doanh hải sản tại Rạch Gốc, cho biết: “Đường vào cảng qua 2 cây cầu nhỏ, tải trọng giới hạn không quá 8 tấn. Trong khi sản lượng hải sản tàu cá mỗi chuyến biển khá nhiều thì với tải trọng thấp như thế, mỗi chuyến xe vào, nếu trừ xác xe thì phần còn lại chỉ chở được 3-4 tấn hàng hóa. Tôi và các hộ kinh doanh ở đây rất mong giải quyết được vấn đề này để thuận tiện ra vào cảng”.

Nhiều cảng cá ở Cà Mau đầu tư lớn nhưng chưa phát huy hiệu quả ảnh 2

Cảng cá Rạch Gốc đầu tư gần 100 tỷ đồng nhưng 10 ngày đầu của tháng 10 chỉ có hơn chục tàu cập cảng.

Cảng cá Rạch Gốc nằm trên tuyến đường kết nối trung tâm thị trấn Rạch Gốc đến Khu hành chính Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hiển. Tuyến đường trên lượng xe lưu thông khá đông nhưng mặt đường hiện chỉ rộng khoảng 5m, dễ gây ùn tắc giao thông vào những lúc cao điểm. “Giao thông chưa đáp ứng khiến Cảng cá Rạch Gốc không phát huy hết được tiềm năng. Lãnh đạo và nhân dân địa phương kiến nghị cấp trên và ngành chức năng sớm đầu tư nâng cấp tuyến đường và mở rộng 2 cây cầu để phát huy được lợi thế của Cảng cá Rạch Gốc” - ông Lâm Sỹ Em, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Rạch Gốc, đề xuất.

Trong nhiều năm liền, giao thông yếu kém trở thành “điểm nghẽn” lớn trong phát triển kinh tế-xã hội ở vùng sông nước Cà Mau. Hạ tầng giao thông kết nối cảng cá Hố Gùi và Rạch Gốc cũng không ngoại lệ. Nếu được “mồi lửa” nhiều hơn, nhân dân và chính quyền địa phương tin tưởng hai cảng cá trên sẽ phát huy tốt công năng, lợi thế…

Trao đổi với phóng viên quanh câu chuyện trên vào chiều 10/11, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt, cho biết: Do nguồn lực ngân sách tại địa phương có hạn nên tỉnh đầu tư theo thứ tự ưu tiên các công trình trọng điểm, bức xúc. Với cảng cá Rạch Gốc, trong năm 2023 sẽ ưu tiên mở rộng giao thông kết nối với cảng, cùng với đó sẽ sắp xếp lại hoạt động kinh doanh, vận chuyển hợp lý. Còn cảng cá Hố Rùi, tỉnh sẽ xem xét đầu tư tuyến đường vào cảng nhưng trước mắt, chính quyền địa phương phải tổ chức, sắp xếp, kêu gọi được các hộ kinh doanh phục vụ thu mua hải sản vào trong cảng.

“Cũng vì hạn chế về nguồn lực nên trong đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, lãnh đạo tỉnh làm theo kiểu “liệu cơm gắp mắm” và có thứ tự ưu tiên. Đường sá không có hoặc xuống cấp thì nhất quyết phải làm, phải mở rộng… nhưng phải có thời gian, và khi đầu tư thì phải phát huy hiệu quả, không để lãng phí nguồn lực” - ông Huỳnh Quốc Việt chia sẻ.