Trước tình hình đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu các lực lượng chức năng phải siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch; chỉ cảng cá nào bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch mới được phép hoạt động.
Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch
Trong số những ổ dịch bùng phát tại TP Vũng Tàu, ổ dịch tại cảng cá Incomap (phường 5) khiến lực lượng chức năng tốn rất nhiều thời gian và công sức. Trong đó, riêng trường hợp ông V.V.H., sinh năm 1982, ngụ ở bè cá trên sông Rạng, thôn 2, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu làm nghề đưa đò, là F1 của một ca mắc Covid-19 (ông N.H.S., sinh năm 1983 nhân viên lựa cá trong cảng Cảng Incomap, phường 5, TP Vũng Tàu) rất đáng lưu ý.
Ông H. được đưa đi cách ly tập trung, sau 3 lần xét nghiệm âm tính và hết thời gian cách ly, ông H. trở về bè tại xã Long Sơn. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, ông H. thấy người mệt mỏi, khó chịu nên được xét nghiệm nhanh và cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Hai người nhà ông H. sau đó cũng cho kết quả dương tính với Covid-19. Cảng cá Incomap tiếp tục bị phong tỏa.
Trong chuyến khảo sát của Đoàn chuyên gia y tế do TS Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng Sốt rét ký sinh trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế), làm Trưởng đoàn, cũng đã chỉ ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn tại Cảng cá khu neo đậu tránh trú bão xã Bình Châu do việc kiểm soát phương tiện, người ra vào chưa bảo đảm các quy định phòng dịch.
Đặc biệt, thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) với nhiều làng chài, bà con ngư sinh sống tập trung, đang là “điểm nóng” nhất của cả tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về tình hình dịch bùng phát.
TS Huỳnh Hồng Quang cho biết, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, khu vực các cảng cá, vùng ngư dân sinh sống có nguy cơ rất cao bởi người dân làm việc, sinh sống trong phạm vi hẹp, thường là các con hẻm nhỏ, mật độ dân số cao, có thói quen giao lưu và tụ tập. Do tính chất mùa vụ, các cảng cá, vùng ngư dân sinh sống luôn có sự biến động lớn về dân cư, rất khó kiểm soát.
Mặt khác, đa số các cảng cá chật hẹp, chưa có khu vực phục vụ ăn, nghỉ tại chỗ, nên khi thực hiện quy định “3 tại chỗ” không phải cảng cá nào cũng đáp ứng được. Hoạt động bốc dỡ hải sản hiện nay vẫn chủ yếu sử dụng sức người, mỗi khi tàu vào bến cần một lượng lớn lao động bốc xếp nên cũng không tránh khỏi việc tập trung đông người.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mới đây, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trần Văn Cường, cho biết, thời gian qua, đã có 7 trong số 13 cảng cá trên địa bàn tỉnh phải tạm ngưng hoạt động, bị phong tỏa do phát hiện các ca dương tính với SARS - CoV-2.
Siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch
Việc các cảng cá bị phong tỏa, tạm ngưng hoạt động khiến các tàu khai thác thủy sản gặp khó khăn khi vào bờ, chi phí chuyến biển tăng, thủy hải sản không được bốc xếp kịp thời dễ hư hỏng. Chỉ riêng 2 cảng Incomap và Cảng Bến Đá của TP Vũng Tàu trong thời gian phong tỏa, đã có hơn 2.000 tấn thủy hải sản bị tồn đọng, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản bị ảnh hưởng.
Một doanh nghiệp chế biến hải sản lớn của địa phương cho hay, việc phong tỏa một số cảng cá trên địa bàn dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp chế biến, trong khi việc đánh bắt cũng đang gặp khó khăn do tàu, thuyền không thể ra khơi. Nguồn nguyên liệu có thể sẽ thiếu hụt từ 20-30% vào cuối năm nếu tình hình dịch còn diễn biến phức tạp.
Chấp nhận những thiệt hại lớn về kinh tế, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn yêu cầu siết chặt công tác phòng, chống dịch tại các cảng cả, chỉ cảng cá nào bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch mới được phép hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền Trần Kim Phúc cho biết, qua kiểm tra thực tế, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của ngư dân chưa bảo đảm, vẫn tiềm ẩn nguy cơ. Hiện, huyện đang dồn toàn bộ lực lượng truy vết, khoanh vùng và khống chế dịch lây lan tại “vùng đỏ” thị trấn Long Hải, nơi tập trung rất đông bà con ngư dân và lao động nghề cá sinh sống.
Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu Vũ Hồng Thuấn cũng cho biết, tất cả công nhân viên, người lao động tại 3 cảng bị phong tỏa là Incomap, Bến Đá và Cơ khí, thuyền viên các tàu thuyền đều đã được xét nghiệm lần 4.
Tuy nhiên, để quản lý chặt hoạt động tại các cảng cá, cần thực hiện quy định “3 tại chỗ” ở mức cao nhất. Các xe ra vào cảng phải được phun khử khuẩn, lái xe phải cách ly, sát khuẩn khi đến lấy hàng và khi ra khỏi cảng.
Ngoài kiểm soát bằng con người, TP Vũng Tàu cũng tiến hành kiểm soát qua hệ thống camera an ninh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh khẳng định, tất cả những cảng cá không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch sẽ tạm thời phải dừng hoạt động. Những cảng đang hoạt động phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch của địa phương, thực hiện phương án “3 tại chỗ” ở mức cao nhất.
Các cảng phải quản lý chặt lực lượng lao động, không chỉ là công nhân làm việc tại cảng mà cả lao động phân loại hải sản, đội ngũ thuyền viên của các tàu cá vào cảng… Kiểm soát chặt các xe vận chuyển hải sản ra, vào cảng. Người đứng đầu địa phương nơi có cảng và doanh nghiệp cảng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để dịch lây lan và bùng phát.