Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg (tháng 11/2015) của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, cần phải quy hoạch tổng số 125 cảng cá, trong đó có 35 cảng cá loại I và 90 cảng cá loại II. Tuy nhiên, sau hơn sáu năm triển khai, đến nay mới chỉ có ba cảng cá loại I; 54 cảng cá loại II và 11 cảng cá loại III đáp ứng được điều kiện sau quy hoạch. Các cảng cá còn lại chưa đáp ứng được các tiêu chí về vị trí, diện tích vùng đất, vùng nước trước cảng, về cơ giới hóa. Đặc biệt, rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cả về chuyên môn, lẫn số lượng…
Có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng bất cập tại hệ thống cảng. Trước hết nguồn lực về tài chính của chúng ta còn hạn chế cho nên việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều địa phương ít quan tâm, ít bố trí nguồn lực để đầu tư, giải phóng mặt bằng, duy tu, bảo dưỡng hệ thống cảng cá.
Thí dụ, đối với cảng cá loại I, tiêu chí diện tích vùng nước trước cảng là khoảng 20 ha, vùng đất là khoảng 4 ha, cơ giới hóa phải đạt tỷ lệ ít nhất 90%. Nhưng hiện cả nước chỉ có ba cảng cá là cảng Ninh Cơ (Nam Định), cảng Phan Thiết (Bình Thuận), cảng Trần Đề (Sóc Trăng) đáp ứng được tiêu chí của cảng cá loại I, các cảng còn lại đều không đáp ứng yêu cầu.
Những năm gần đây, Chính phủ và ngành nông nghiệp đã có nhiều chính sách để đầu tư nâng cấp, sửa chữa các cảng cá như Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản... Tuy nhiên, công tác triển khai, thực hiện chính sách vì nhiều lý do khác nhau vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Để giải quyết những vướng mắc này một cách căn bản và triệt để, Tổng cục Thủy sản đã được giao xây dựng chương trình quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Chương trình sẽ quy hoạch hệ thống cảng cá đáp ứng quy định của Luật Thủy sản cũng như yêu cầu của EC, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý cảng cá của các tổ chức nghề cá quốc tế.
Theo đó, tổng số cảng cá sẽ được quy hoạch là 152 cảng tại 28 tỉnh, thành phố ven biển trên cả nước với quy mô kết nối đồng bộ hạ tầng về giao thông, hạ tầng quy hoạch của các địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ môi trường, cũng như đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về kiểm soát nghề cá với tổng nhu cầu vốn dự kiến đến năm 2030 là khoảng 60.000 tỷ đồng.
Dự kiến, trong thời gian tới, từ nguồn vốn trung hạn cũng như nguồn vốn vay ODA giai đoạn 2021-2025, Chính phủ sẽ dành khoản đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng cảng cá, trong đó, nguồn vốn trung hạn trong nước khoảng 5.000 tỷ đồng, vốn vay ODA khoảng 5.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chúng ta cần sửa đổi những chính sách để thu hút đầu tư từ khu vực doanh nghiệp tư nhân, sử dụng các dịch vụ cũng như thuê hạ tầng, qua đó tạo nguồn kinh phí bù đắp vào việc duy tu, sửa chữa các cảng cá.
Trên cơ sở quy hoạch và định hướng lớn như vậy, kỳ vọng sẽ thu hút được các địa phương có thế mạnh về biển thật sự vào cuộc cùng với ngành thủy sản để ưu tiên, bố trí kinh phí, mặt bằng và có cơ chế thông thoáng góp phần tạo nên diện mạo mới cho hệ thống cảng cá Việt Nam…