Mục tiêu của quỹ xanh mà Chính phủ Pháp vừa đưa ra là giúp các chính quyền địa phương thực hiện giải pháp giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Borne khẳng định, với kế hoạch đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sinh thái này, nước Pháp sẽ hành động trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống như vận hành các tòa nhà, giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, quản lý nguồn nước. Theo bà, các nhà khoa học cảnh báo tình hình sẽ tồi tệ hơn nếu con người không thay đổi và hành động khẩn cấp bảo vệ Trái đất.
Theo Trung tâm Nghiên cứu chung của Liên minh châu Âu (EU), hạn hán năm nay tại châu lục này được cho là tồi tệ nhất trong vòng 500 năm trở lại đây. 17% diện tích châu Âu đang trong tình trạng báo động đỏ, tức là ở mức độ thiếu nước trầm trọng.
Cơ quan Khí tượng Pháp cho biết, tháng 7 vừa qua là tháng khô hạn nhất trong lịch sử, làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu nước, vốn đã buộc Pháp phải áp đặt các biện pháp hạn chế. Lượng mưa đo được tại nước này trong tháng 7 vừa qua chỉ đạt 9,7mm, giảm 84% so mức trung bình của tháng 7 trong giai đoạn 1991-2022 và là tháng khô hạn thứ hai kể từ tháng 3/1961.
Sông Loire, nơi nổi tiếng với hàng trăm lâu đài bên bờ sông của Pháp, chịu ảnh hưởng của hạn hán khiến mực nước sông Loire mùa hè vừa qua giảm xuống mức thấp kỷ lục, ảnh hưởng không nhỏ đến các loài thủy sinh, giao thông đường thủy và hoạt động sản xuất.
Nước sông cạn đến mức nhiều nơi người dân có thể đi bộ qua lòng sông, các hòn đảo nối liền bờ và bãi cát trải dài. Mực nước thấp là thảm họa đối với các loài cá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của cá. Sông Loire khô cạn khiến các tàu du lịch khó di chuyển qua đây. Tình trạng này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà máy điện hạt nhân khi nước sông là biện pháp làm mát chính của các lò phản ứng.
Trong khi đó, tình trạng nắng nóng gây cháy rừng, khô hạn khiến người dân Pháp phải vật lộn với một mùa hè nóng bỏng chưa từng thấy. Nông dân trên toàn nước Pháp thông báo về những khó khăn trong việc cung cấp thức ăn cho gia súc vì đồng cỏ khô cằn, trong khi việc tưới tiêu bị cấm ở những khu vực rộng lớn ở tây bắc và đông nam do thiếu nước ngọt.
Trên sông Rhine, chạy dọc biên giới Pháp-Đức, các tàu thuyền thương mại phải chuyên chở ở mức 30% công suất để tránh bị mắc cạn vì mực nước quá thấp. Hầu hết 96 vùng của Pháp phải áp dụng các hạn chế sử dụng nước bằng cách tránh rửa xe tại nhà, hạn chế tưới cây hoặc trữ nước trong bể bơi.
Các nhà khoa học khí hậu cho rằng, lượng khí thải các-bon do con người đốt nhiên liệu hóa thạch đang làm Trái đất nóng lên, làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của hạn hán, nắng nóng và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Thách thức về khí hậu làm thay đổi phương tiện sản xuất và tiêu dùng, khiến nước Pháp từng phải công bố sẽ “suy nghĩ lại về các phương pháp thực phẩm tổng hợp”.
Trong kế hoạch France 2030 với tổng ngân sách 30 tỷ euro sẽ được đầu tư vào 10 lĩnh vực ưu tiên được Chính phủ Pháp đưa ra hồi cuối năm ngoái, khoảng 8 tỷ euro sẽ được dành cho quá trình khử các-bon và giảm phát thải khí nhà kính của nền kinh tế (phát triển điện hạt nhân, hydro xanh, điện khí hóa trong công nghiệp), 4 tỷ euro dành cho giao thông vận tải (ô-tô điện hoặc hybrid, pin sạch, máy bay các-bon thấp)...
Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, việc chuyển đổi trong những lĩnh vực này là cần thiết để đạt được mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050. Do vậy, trong tổng số tiền đầu tư, tỷ lệ ngân sách dành cho việc chuyển đổi sinh thái và nỗ lực “khử các-bon” của nền kinh tế chiếm khoảng 40%. Con số này thậm chí sẽ lên tới gần 50%, nếu tính cả chi tiêu cho đào tạo.
Nước Pháp đang tích cực thực hiện các cam kết kiềm chế sự tăng nhiệt của khí hậu Trái đất, cũng như giảm những thiệt hại mà biến đổi khí hậu gây ra. Giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sinh thái là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà chính quyền Tổng thống Macron đặt ra nhằm giúp “đất nước hình lục lăng” trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.