Đơn vị ứng phó hạn hán của Pháp

Sau khi khuyến cáo người dân ở hầu hết các thành phố tiết kiệm nước do tình trạng hạn hán đáng báo động, Chính phủ Pháp đã tiếp tục thành lập Đơn vị liên bộ chuyên trách quản lý khủng hoảng (CIC) nhằm đánh giá các hoạt động của đợt hạn hán lịch sử, đồng thời giám sát việc sử dụng nước của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Một thành viên CIC đánh giá mức độ hạn hán tại một khu vực của Pháp. Ảnh: LE MONDE
Một thành viên CIC đánh giá mức độ hạn hán tại một khu vực của Pháp. Ảnh: LE MONDE

Theo số liệu mới được giới chức Pháp công bố, có đến 93/96 tỉnh, thành phố tại Pháp đang đối mặt tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Giới chức các tỉnh, thành phố này mới đây ban hành các sắc lệnh hạn chế sử dụng nước, như cấm sử dụng nước để tưới cỏ, rửa xe hay canh tác. Không chỉ vậy, ngày 5/8 vừa qua, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã kích hoạt CIC để kiểm soát hạn hán. Bà Borne tuyên bố: “Đợt hạn hán mà chúng ta đang trải qua trên khắp đất liền của nước Pháp là lịch sử. Để đối phó tình huống đặc biệt này, tôi đang kích hoạt CIC. Cùng nhau, chúng ta hãy có trách nhiệm giữ gìn nguồn nước”, bà Borne tuyên bố.

Theo đó, CIC sẽ có nhiệm vụ liên tục cập nhật thông tin về những khu vực bị ảnh hưởng nhất bởi hạn hán để dự báo biện pháp đối phó, đồng thời đánh giá tác động của hạn hán đối với các lĩnh vực như năng lượng, giao thông, nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi. Họ cũng có nhiệm vụ thường xuyên tuần tra kiểm tra những địa điểm kinh doanh có sử dụng nước lãng phí hay không.

CIC có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giữa các bộ, ngành liên quan và hợp lý hóa việc phổ biến thông tin. Cụ thể, trong trường hợp hạn hán, đơn vị này sẽ bảo đảm thông tin phản hồi thường xuyên từ các quận, huyện của các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cũng như phối hợp các biện pháp an ninh dân sự cần thiết. Không chỉ vậy, trong trường hợp cần thiết, CIC cũng điều phối cung cấp nước uống cho những người dễ bị tổn thương nhất do hạn hán.

Theo Le Monde, “khô hơn”, “nóng hơn”, “đặc biệt”, “đáng chú ý”, “kỷ lục” là những từ ngữ mà người dân được nghe thường xuyên trên các chương trình dự báo thời tiết tại Pháp thời gian gần đây. Tháng 7 vừa qua được ghi nhận là tháng khô hạn nhất từng được ghi nhận kể từ năm 1959 tại Pháp. Đây cũng là tháng mà lượng mưa “hiếm và rất yếu, thường dưới 5mm”, mưa không xuất hiện ngay cả ở phía đông nam nước này. Lượng mưa bị thiếu hụt chủ yếu trên khắp cả nước, giảm 85% đến hơn 90% so các năm khác.

Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng Pháp Christophe Béchu cho biết: “Hiện tại, hơn 100 thị trấn tại Pháp đang ở trong tình trạng không có nước sạch. Tại những thị trấn này, nguồn nước sạch được vận chuyển đến bằng xe bồn bởi các con kênh ở đây đã hoàn toàn khô cạn”. Cơ quan Khí tượng Pháp dự báo, tình trạng hạn hán sẽ tiếp tục kéo dài trong những ngày tới, nhất là tại khu vực miền nam nước Pháp, do dự báo ít có khả năng xảy ra các đợt mưa lớn. Tình cảnh này sẽ còn gây khó khăn cho người dân khi nhiệt độ tăng, khiến nước ở các sông, hồ bốc hơi ngày càng nhiều, trong khi nhu cầu tưới tiêu sẽ tăng vào vụ thu hoạch mùa thu tới.

Trên 96 tỉnh, thành phố của Pháp đã phải áp dụng hạn chế sử dụng nước. Chính phủ Pháp ban hành quy định với bốn cấp độ khác nhau cho quy định sử dụng nước. Cụ thể, cấp độ một là dành cho những vùng trong ngưỡng an toàn, chưa bị ảnh hưởng nhiều vì hạn hán. Tại đây, người dân được khuyến khích tiết kiệm nước. Cấp độ hai là hạn chế tưới tiêu tới 50% và cấm hoạt động rửa xe. Cấp độ ba hạn chế toàn bộ việc tưới vườn, giảm hơn 50% tưới tiêu nông nghiệp. Cấp độ cuối cùng là ngừng toàn bộ việc tưới tiêu nông nghiệp, chỉ dành nước cho an ninh, sức khỏe và nước uống dân sự.

Giới phân tích cho rằng, việc Trái đất ấm lên do biến đổi khí hậu là một xu hướng dài hạn, kéo theo các hiện tượng thời tiết tiêu cực. Do đó, không chỉ Pháp mà nhà chức trách tại các quốc gia trên thế giới cần có sự chuẩn bị để đưa ra những biện pháp và chính sách cụ thể nhằm đối phó hiện tượng này.