Tham dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng; Vụ trưởng Vụ Đông Á, Bộ Ngoại giao Thái Lan Piyaphak Sricharoen; Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan Sanan Angubolkul; Tiến sĩ Thitirat Panbumrungkit, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Á, Đại học Chulalongkorn; các thành viên Hội Hữu nghị Thái-Việt, Hội đồng Thương mại Thái Lan, các doanh nghiệp của Thái Lan và Việt Nam, các học giả và nhà nghiên cứu.
Đại sứ Phạm Việt Hùng và Vụ trưởng Vụ Đông Á, Bộ Ngoại giao Thái Lan Piyaphak Sricharoen phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, sự cần thiết phải tăng cường kết nối, trong đó có chiến lược "Ba kết nối” giữa hai nước.
Đại sứ Phạm Việt Hùng phát biểu ý kiến tại Hội thảo. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cung cấp) |
Ông Piyaphak Sricharoen nhận định nhiều ngành công nghiệp của hai nước đã có sự kết nối chuỗi cung ứng, kết nối địa phương là nền tảng thuận lợi để hai bên triển khai chiến lược này. Đại sứ Phạm Việt Hùng đề nghị tiếp tục thúc đẩy sự tham gia, phối hợp giữa nhà nước, tư nhân và các học giả; mong muốn sớm thành lập nhóm công tác chung giữa hai nước để trao đổi, triển khai cụ thể.
Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan Sanan Angubolkul nhận định, Việt Nam có nhiều lợi thế hơn so với Thái Lan như cơ cấu dân số trẻ; nền chính trị ổn định; công cuộc chống tham nhũng mạnh mẽ; nhiều FTA được ký kết...; cho rằng các doanh nghiệp Thái Lan cần tận dụng cơ hội về chi phí sản xuất thấp của Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực chế biến thực phẩm; sử dụng mô hình kinh doanh phù hợp với thực tế Việt Nam, tránh áp dụng nguyên mô hình từ Thái Lan; tuân thủ pháp luật, chính sách của Việt Nam.
Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan Sanan Angubolkul phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cung cấp) |
Chủ tịch Hội Doanh nhân Thái-Việt Thong Kulthanwat cho rằng, thách thức lớn hiện nay ở khu vực Đông Bắc Thái Lan (giáp với Lào và gần với Việt Nam) là hạ tầng giao thông đặc biệt là các tuyến đường kết nối từ Lào về Việt Nam còn chưa tốt; hàng hóa vận chuyển từ Thái Lan sang Việt Nam còn mất chi phí quá cảnh qua Lào; chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam đến vùng Đông Bắc Thái Lan, do vậy, để thực hiện chiến lược "Ba kết nối", cần cải thiện kết nối hạ tầng giao thông không chỉ giữa Thái Lan-Lào-Việt Nam mà còn giữa Thái Lan-Lào-Campuchia.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Thái Lan-Việt Nam toàn Thái Thong Kulthanwat (bên trái). (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cung cấp) |
Chiến lược "Ba kết nối" được lãnh đạo Việt Nam và Thái Lan thông qua vào tháng 11/2022, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả hai nước. Ba kết nối gồm: (i) Kết nối chuỗi cung ứng trong các ngành như như lọc hóa dầu, nông nghiệp và sản xuất máy móc và linh kiện điện tử; (ii) Kết nối các doanh nghiệp và địa phương của hai nước; (iii) Kết nối các chiến lược phát triển bền vững (bao gồm Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 và Mô hình Kinh tế xanh-tuần hoàn-sinh học của Thái Lan).