Một phút mặc niệm đã diễn ra đúng 11 giờ 2 phút sáng, thời điểm quả bom plutonium "Fat Man" do máy bay ném bom Mỹ thả xuống và phát nổ trên thành phố cảng vào năm 1945.
Buổi lễ diễn ra tại Công viên Hòa bình Nagasaki với sự tham gia của khoảng 2.300 người, trong đó có đại diện từ 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong Tuyên bố Hòa bình được đưa ra trong sự kiện thường niên, Thị trưởng Hiro Suzuki nhấn mạnh mối lo ngại ngày càng tăng về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân do sự bất ổn địa chính trị ngày càng tăng trên thế giới. Ông cũng kêu gọi lãnh đạo của các quốc gia hạt nhân và các quốc gia có "ô hạt nhân" đang đối mặt với thực tế rằng chính sự tồn tại của vũ khí hạt nhân ngày càng đe dọa nhân loại, và cần phải thực hiện sự thay đổi theo hướng xóa bỏ vũ khí hạt nhân.
Ông Suzuki kêu gọi Chính phủ Nhật Bản ký và phê chuẩn một hiệp ước của Liên hợp quốc cấm vũ khí hạt nhân và kêu gọi Nhật Bản dẫn đầu các cuộc thảo luận nhằm giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy giải trừ quân bị ở vùng Đông Bắc Á.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Fumio Kishida cam kết sẽ tiếp tục hối thúc thế giới chấm dứt sử dụng vũ khí hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh rằng Nagasaki phải là thành phố cuối cùng bị tấn công bằng vũ khí nguyên tử.
Vụ ném bom tại Nagasaki xảy ra 3 ngày sau khi quả bom nguyên tử được đặt biệt danh là "Little Boy" tàn phá thành phố Hiroshima, cách Nagasaki 300km. Ước tính, khoảng 74.000 người đã thiệt mạng vào cuối năm 1945, và nhiều người khác phải hứng chịu hệ lụy như bỏng, phóng xạ trong thời gian dài sau vụ tấn công.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tính đến tháng 3 năm nay, số người sống sót sau hai vụ ném bom nói trên, tiếng Nhật là hibakusha, còn 106.825 người, giảm 6.824 người so với một năm trước đó. Tuổi trung bình của các hibakusha đều hơn 85.