Thành phố Nagasaki tưởng niệm 78 năm ngày hứng chịu bom nguyên tử

Tại lễ tưởng niệm, Thị trưởng thành phố Nagasaki (Nhật Bản), ông Shiro Suzuki, đã kêu gọi các nước sở hữu hạt nhân "thể hiện sự dũng cảm" và từ bỏ các nguyên tắc răn đe hạt nhân.
0:00 / 0:00
0:00
Chiếc đồng hồ ngừng hoạt động tại thời điểm quả bom "Fat Man" phát nổ được trưng bày tại Bảo tàng Bom nguyên tử Nagasaki. (Ảnh: TTXVN)
Chiếc đồng hồ ngừng hoạt động tại thời điểm quả bom "Fat Man" phát nổ được trưng bày tại Bảo tàng Bom nguyên tử Nagasaki. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 9/8, phát biểu tại buổi lễ đánh dấu 78 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Thị trưởng thành phố Nagasaki, ông Shiro Suzuki đã kêu gọi các nước sở hữu hạt nhân "thể hiện sự dũng cảm" và từ bỏ các nguyên tắc răn đe hạt nhân.

Chính quyền Nagasaki đã quyết định thu hẹp quy mô của sự kiện trong bối cảnh bão Khanun đang ảnh hưởng đến Nhật Bản. Theo đó, sự kiện được tổ chức tại một căn phòng ở Trung tâm hội nghị Dejima Messechỉ và chỉ các nhà tổ chức tham dự mà không có khách mời, bao gồm Thủ tướng Fumio Kishida và các khách mời quốc tế.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1963 sự kiện này được tổ chức trong nhà, thay vì tại Công viên Hòa bình của thành phố gần nơi quả bom phát nổ, và cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1999 sự kiện không có lãnh đạo Nhật Bản tham dự.

Trong Tuyên bố Hòa bình, Thị trưởng Shiro Suzuki đã nhấn mạnh phản đối răn đe hạt nhân - nội dung vốn đã được tái khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra tại Hiroshima vào tháng 5 vừa qua.

Trong video ghi hình trước gửi sự kiện, Thủ tướng Kishida nêu rõ: "Là Chủ tịch G7 và là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nhật Bản sẽ tiếp tục đi đầu thế giới hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân, đồng thời kêu gọi thế giới đoàn kết trong việc củng cố và duy trì Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân".

Ông nhấn mạnh là quốc gia duy nhất hứng chịu tấn công hạt nhân, Nhật Bản sẽ tiếp tục tuân thủ 3 nguyên tắc phi hạt nhân - gồm sở hữu, sản xuất, cho phép giới thiệu vũ khí hạt nhân - như một phần trong nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân.

Vào lúc 11 giờ 2 phút - thời điểm Mỹ thả quả bom plutoni mang tên “Fat Man” xuống Nagasaki ngày 9/8/1945, những người tham dự sự kiện đã dành một phút mặc niệm các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa này. Ước tính khoảng 74.000 người đã thiệt mạng ở Nagasaki trong thảm họa này tính đến cuối năm 1945.

Ngày 6/8 vừa qua, thành phố Hiroshima cũng tổ chức sự kiện đánh dấu ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố này. Quả bom nguyên tử có tên “Little Boy” do một máy bay ném bom của Mỹ thả xuống đã phát nổ trên bầu trời thành phố Hiroshima lúc 8 giờ 15 phút ngày 6/8/1945, cướp đi sinh mạng của khoảng 140.000 người tính đến cuối năm đó.

Theo thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, số nạn nhân sống sót trong 2 vụ ném bom nguyên tử tính đến tháng 3 năm nay là 113.649 người tính, giảm 5.286 người so với một năm trước đó và tuổi thọ trung bình là 85. Đây là con số ít nhất kể từ khi Luật chăm sóc y tế sau bom nguyên tử có hiệu lực vào năm 1957.