Bài 2: “Ði, đến” bất minh, nhức nhối hệ lụy tội phạm hình sự
Nhằm đấu tranh không khoan nhượng với xuất, nhập cảnh (XNC) trái phép, Bộ Công an đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật nước ngoài và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 4/10/2019 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với người nước ngoài (NN) nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động tại Việt Nam.
Nóng bỏng địa bàn trọng điểm, phối hợp kiểm soát liên tỉnh
Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an xác nhận: Lực lượng An ninh điều tra đang điều tra, xử lý hơn 220 vụ với hơn 480 bị can về các tội “Vi phạm quy định về XNC”, “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”, “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”, “Cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” và một số vụ việc liên quan. Bộ Công an đã kiến nghị tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (Luật số 49/2019/QH14) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người NN tại Việt Nam (Luật số 51/2019/QH14).
Ðại tá Phạm Ngọc Tiến, Trưởng phòng PA08 Công an TP Hồ Chí Minh tổng kết, đối tượng nhập cảnh trái phép chủ yếu về theo hai hướng chính: Từ Trung Quốc, qua các tỉnh Phúc Kiến, Vân Nam, Nam Ninh, Quảng Tây, Quảng Châu giáp các tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam rồi về TP Hồ Chí Minh; một số ít từ Campuchia qua biên giới Tây Nam (Kiên Giang, Long An, Tây Ninh…) rồi về thành phố tìm việc làm, du lịch, trốn dịch hoặc sang Campuchia.
Quảng Ninh là tỉnh có cả biên giới đường bộ và đường biển giáp Trung Quốc với hệ thống cửa khẩu đồng bộ, hiện đại. Ngoài cửa khẩu chính, còn có các cặp cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở, cặp chợ dọc tuyến biên giới luôn tiềm ẩn nguy cơ XNC trái phép. Thượng tá Vũ Tiến Dũng, Phó Trưởng phòng PA08 Công an tỉnh Quảng Ninh nhận định, mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng lực lượng công an luôn tăng cường quản lý chặt người NN, không để bị động bất ngờ hình thành “tụ điểm phức tạp”, đặc biệt không có ca lây nhiễm Covid-19 nào là người NN trên địa bàn. Sáu tháng đầu năm 2021, công an toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 42 vụ với 221 người XNC trái phép, trong đó có 26 vụ với 183 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Ðợt dịch vừa qua, tại khu vực Trạm thu phí cầu Bạch Ðằng, Ðội CSGT số 2 Phòng CSGT đường bộ - đường sắt phối hợp Phòng An ninh nội địa, và Phòng Quản lý XNC Công an tỉnh, Công an thị xã Quảng Yên thành lập tổ công tác kiểm soát liên tục 24 giờ trong ngày tất cả người và phương tiện từ Quảng Ninh đi các nơi. Riêng phương tiện kinh doanh vận tải khách, sẽ kiểm tra danh sách hành khách, lộ trình từng tuyến, giấy tờ tùy thân những trường hợp khả nghi. Ðối với người NN đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam, sẽ kiểm tra hộ chiếu và giấy tờ liên quan.
Tại Ðà Nẵng, trọng điểm đến, đồng thời là điểm trung chuyển của người NN vào Việt Nam, Công an thành phố đã tăng cường phối hợp Công an các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh phía bắc trao đổi thông tin, phối hợp tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các chuyến xe nghi vấn chở người NN, công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép. Lực lượng chức năng đã phát hiện 4 vụ/16 người nhập cảnh trái phép di chuyển bằng ô-tô đi qua địa bàn, khởi tố, bắt tạm giam 17 bị can là tài xế, phụ xe các tỉnh Hà Giang, Hà Nội, Lạng Sơn, Thái Bình, Ninh Bình... chở gần 30 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép từ phía bắc vào TP Hồ Chí Minh.
Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, Công an thành phố đã ký kết quy chế phối hợp với Công an bảy tỉnh, thành phố (TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang). Phòng PA08 của bảy tỉnh, thành phố, thường xuyên trao đổi tình hình, phương thức, thủ đoạn XNC trái phép, như: phối hợp Công an tỉnh Long An truy bắt nhanh hai đối tượng nhập cảnh trái phép trốn cách ly; bảo đảm an ninh trật tự (dọc tuyến đường bộ từ Tây Ninh đến ga Sài Gòn) bảo đảm an toàn khi trục xuất 54 đối tượng nhập cảnh trái phép của Công an tỉnh Tây Ninh; điều tra, bàn giao hai đối tượng cầm đầu, tổ chức cho người NN nhập cảnh trái phép (Ðà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu); phát hiện, bàn giao bốn đối tượng truy nã của các nước.
Ðại tá Ðinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang phân tích, An Giang có đường biên giới dài gần 100 km giáp Campuchia, phía bạn có nhiều Casino và công ty đóng dọc theo biên, công nhân người NN lao động rất nhiều, nhất là người Trung Quốc. Sáu tháng đầu năm, Công an tỉnh đã bắt giữ hơn 100 đối tượng là người Trung Quốc đến An Giang tìm cách xuất cảnh trái phép, phối hợp các sở, ngành cách ly và trao trả đối tượng nhập cảnh trái phép; khởi tố 14 vụ và 36 bị can về hành vi tổ chức đưa người XNC trái phép. Công an tỉnh An Giang đã dùng biện pháp mạnh, xử nghiêm, khởi tố vụ án, bắt tạm giam những đối tượng trong tỉnh tham gia đường dây XNC trái phép, tiêu biểu như vụ ngày 8/6/2021, TAND tỉnh An Giang xét xử sơ thẩm, tuyên án bốn bị cáo: Nguyễn Văn Út, 9 năm tù giam; Phạm Tấn Lợi, 5 năm tù; Nguyễn Như Nhỏ và Nguyễn Thị Kim Huy, đồng mức án 7 năm tù cùng về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Theo cáo trạng, sáng 16/4/2021, Công an TP Long Xuyên phối hợp Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang kiểm tra khách sạn Anh Ðào do Nguyễn Thị Kim Huy làm chủ, xác định có tám người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đang lưu trú, thu giữ nhiều tài liệu, đồ vật liên quan. Sau đó, Nguyễn Thị Kim Huy, Nguyễn Văn Út, Nguyễn Như Nhỏ, Phạm Tấn Lợi ra đầu thú, khai nhận tổ chức cho nhóm người Trung Quốc xuất cảnh trái phép sang Campuchia để hưởng lợi.
Có thể nói XNC “chui” luôn đi cùng tội phạm hình sự như hình với bóng. Theo Ðại tá Phạm Ngọc Tiến, người NN vào Việt Nam phạm tội chủ yếu là: trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; buôn lậu; xâm hại sức khỏe người khác; giao cấu với trẻ em; tàng trữ, sử dụng, vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy; cho vay nặng lãi qua App; đánh bạc trực tuyến; sử dụng giấy tờ tùy thân Việt Nam giả, tổ chức quay phim đồi trụy, giết người, trốn truy nã nước ngoài… Ðối tượng tập trung vào công dân một số quốc gia, vùng lãnh thổ: Trung Quốc; Ðài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nigeria, Liberia, Congo… Phối hợp Cơ quan điều tra các cấp, PA08 Công an TP Hồ Chí Minh ghi nhận 29 trong số 67 vụ người NN vi phạm pháp luật hình sự, trong đó: 5/17 vụ người NN cho vay nặng lãi, 11 trong số 32 vụ người NN hoạt động tổ chức đánh bạc, 3 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2 vụ người NN giết người cướp tài sản, 3 vụ người NN buôn lậu, 3 trong số 8 vụ người NN tàng trữ trái phép chất ma túy; năm vụ người NN một số nước châu Phi (Congo, Nigeria) nhập cảnh Việt Nam, sử dụng hộ chiếu giả để rút tiền từ ngân hàng.
Những “chuyên gia” rởm và kẽ hở an ninh phi truyền thống
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Ðà Nẵng nhận định: “Ðáng chú ý là thủ đoạn lợi dụng chủ trương đầu tư nước ngoài của TP Ðà Nẵng để tìm cách hợp thức hóa thủ tục, hồ sơ hoặc thông qua người Việt Nam đầu tư bất động sản, thành lập DN để ở lại Việt Nam lâu dài nhằm thực hiện hoạt động khác, lập DN hoạt động trong một lĩnh vực nhưng thực tế lại hoạt động lĩnh vực khác”. Trước thông tin người NN nhập cảnh theo diện chuyên gia nhưng không hoạt động tại các DN bảo lãnh, Công an TP Ðà Nẵng đã điều tra, khởi tố 2 vụ án với 12 bị can “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép” theo danh nghĩa “chuyên gia”. Ngày 12/5/2021, Công an TP Ðà Nẵng khởi tố vụ án hình sự “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép” theo danh nghĩa “chuyên gia” (xảy ra vào các ngày 26/2/2021 và 26/3/2021); tiếp tục điều tra, làm rõ, đã bắt, khởi tố, tạm giam 9 bị can có hành vi tổ chức đưa 14 người Hàn Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam dưới hình thức bảo lãnh “chuyên gia” (trong đó 12 trong số 14 người Hàn Quốc có tiền án, tiền sự); mở rộng điều tra, Công an TP Ðà Nẵng khởi tố thêm một vụ với ba bị can về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép” xảy ra tại phường Khuê Mỹ, Ngũ Hành Sơn, Ðà Nẵng do một đối tượng Trung Quốc cùng đồng bọn thực hiện.
Thượng tá Vũ Tiến Dũng cho biết, một số DN thông qua các công ty dịch vụ gửi hồ sơ bảo lãnh cho chuyên gia nước ngoài nhập cảnh qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI), Văn phòng kinh tế văn hóa Ðài Bắc (Ðài Loan - Trung Quốc) tại Việt Nam hoặc trực tiếp gửi về Văn phòng Chính phủ, không thông qua UBND tỉnh nên UBND tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan không nắm được thời gian, địa điểm nhập cảnh, phương án cách ly, quản lý; cá biệt có DN không thực hiện trách nhiệm của cơ quan bảo lãnh, để người NN hoạt động tự do. Từ đầu năm đến nay, Phòng PA08 Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý năm DN bảo lãnh cho 23 người NN nhập cảnh không đúng đối tượng và 3 vụ liên quan các đối tượng làm dịch vụ bảo lãnh cho hơn 600 người NN nhập cảnh không đúng đối tượng.
Câu chuyện người Việt Nam tiếp tay cho kẻ gian nước ngoài gióng lên hồi chuông báo động về an ninh quốc gia đã đành, nhưng còn đó những câu hỏi về đạo đức kinh doanh, tuân thủ pháp luật và truyền thống văn hóa, tự tôn dân tộc.
(Còn nữa)
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 19/7/2021.