Nhanh chóng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh

NDO - Sáng 15/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Cùng dự tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc và Bùi Thanh Sơn; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các tập đoàn, doanh nghiệp chủ chốt. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự tại điểm cầu Đắk Lắk. Hội nghị được truyền trực tuyến đến 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Trước khi bắt đầu, Hội nghị dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão lũ gây ra.

Nhanh chóng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh ảnh 1

Hội nghị đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng vì cơn bão số 3. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Hội nghị này mang 4 nội hàm chính “khẩn trương-nhanh chóng-khôi phục-thúc đẩy”: Khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão Yagi; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân; khôi phục lại sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng nêu rõ, cơn bão Yagi có tính lịch sử trong vòng 70 năm qua, thể hiện ở: cường độ lớn, tốc độ cao, phạm vi rộng; đối tượng tác động nhiều; khi đổ bộ kéo dài nhiều tiếng trên đất liền; gây mưa lũ lớn dài ngày trên diện rộng từ Thanh Hoá trở ra; hậu quả rất nghiêm trọng..., gây thiệt hại lớn về người, tài sản.

Nhanh chóng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Hội nghị này nhằm đánh giá lại công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó cơn bão số 3; khẩn trương khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khắc phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Nhấn mạnh thời gian ít, khối lượng công việc nhiều, yêu cầu thì cao, phải có hiệu quả sau hội nghị, với tinh thần tất cả vì nhân dân, tất cả vì sự phát triển đất nước. Thủ tướng mong các đại biểu đóng góp ý kiến, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện trong thời gian tới để đạt được mục tiêu đề ra.

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 công điện dựa vào tình hình cụ thể để chỉ đạo ứng phó cơn bão số 3; kể cả phân lũ ở thượng nguồn để bảo vệ đập thủy điện Thác Bà, bảo vệ đê Hoàng Long; phương án điều tiết xả nước các hồ thủy điện… Chúng ta đã có những giải pháp bảo đảm không để vỡ đập, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra đối với hồ Thác Bà. Chúng ta đã phối hợp chặt chẽ giữa nhiều lực lượng, giữa nhiều tỉnh, thành phố trong thời khắc rất nhanh chóng. Đây cũng là kinh nghiệm hay trong phòng, chống thiên tai. Điều đó là nhờ bám sát tình hình thực tế, phản ứng rất nhanh, kịp thời, hiệu quả trong bất cứ trường hợp nào.

Nhanh chóng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh ảnh 3

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng biểu dương các lãnh đạo Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, trưởng ngành, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các lực lượng chủ công như quân đội, công an, các ngành như nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương… phải trực tiếp ứng phó tại hiện trường.

Thủ tướng cảm ơn sự ủng hộ của nhân dân luôn chia sẻ, rất tin tưởng vào Đảng, Nhà nước. Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Chính trị đã rất kịp thời họp và ra Kết luận về chỉ đạo các giải pháp ứng phó cơn bão số 3, khắc phục hậu quả bão lũ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị đã kịp thời phản ứng, đi thăm hỏi, động viên, chia sẻ với nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ, thể hiện “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”.

Thủ tướng mong các đại biểu nghe báo cáo tình hình, thảo luận và đưa ra các nhiệm vụ giải pháp phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã trình bày báo cáo tóm tắt về tình hình thiệt hại, các giải pháp khắc tập trung lực lượng, phương tiện nhanh chóng phục hậu quả do bão lũ gây ra, khôi phục các hạ tầng giao thông, viễn thông, điện…, sớm ổn định tình hình; đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do thiên tai, khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Nhanh chóng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh ảnh 4

Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tham dự Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

* Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương đã chủ động chỉ đạo từ sớm, từ xa, theo sát tình hình diễn biến bão, mưa lũ. Các lực lượng, đặc biệt là lực lượng quân đội, công an, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ qua đó đã:

Hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người và phương tiện, tàu vận tải hoạt động trên biển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú về nơi tránh trú; tổ chức sơ tán 52.979 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, nhà yếu đến nơi an toàn; sơ tán, di dời 74.526 hộ/130.246 người tại các vùng ngập sâu do lũ đến nơi an toàn.

Nhanh chóng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh ảnh 5

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Lực lượng quân đội đã huy động 438.275 người, 6.642 phương tiện ứng phó với bão; 107.911 lượt người và 2.142 lượt phương tiện ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, lực lượng công an huy động hơn 150.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Các cấp chính quyền cơ sở, lực lượng xung kích, đoàn thanh niên,... được huy động tối đa triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ.

Chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với ngập úng, lũ lụt, bảo đảm an toàn các trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu; tổ chức ứng trực vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo làm tốt công tác truyền thông đưa tin kịp thời để người dân nắm được đầy đủ thông tin về diễn biến bão, mưa lũ, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cơ quan phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp để chủ động ứng phó với bão, lũ.

Nhanh chóng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh ảnh 6

Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)

Về hậu quả do bão, lũ gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo báo cáo của các địa phương, một số thiệt hại thống kê đến 6 giờ sáng 15/9 như sau:

Về người: 348 người chết, mất tích (281 người chết, 67 người mất tích), cụ thể: Lào Cai: 168 người (118 người chết, 50 người mất tích); Cao Bằng: 58 người (53 người chết, 5 người mất tích); Yên Bái: 54 người (53 người chết, 1 người mất tích); Quảng Ninh: 25 người chết; Hải Phòng: 2 người chết do bão; Hải Dương: 1 người chết do bão; Hà Nội: 1 người chết do bão; Hòa Bình: 7 người chết do sạt lở đất; Lạng Sơn: 3 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất; Bắc Giang: 2 người chết do lũ cuốn; Tuyên Quang: 5 người chết do lũ; Hà Giang: 2 người (1 người chết; 1 người mất tích); Lai Châu: 1 người chết do sạt lở đất; Vĩnh Phúc: 2 người chết do lũ; Phú Thọ: 11 người (1 người chết do sạt lở đất, 1 người chết do lũ; 8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 1 người mất tích do lũ); Sơn La: 1 người mất tích do lũ cuốn; Thái Nguyên: 4 người chết do lũ; Thanh Hoá: 1 người chết do lũ.

Người bị thương: 1.921 người (Quảng Ninh 1.609, Hải Phòng 65, Hải Dương 05, Hà Nội 10, Bắc Giang 12, Bắc Ninh 52, Hà Giang 1, Lạng Sơn 10, Lào Cai 84, Yên Bái 36, Cao Bằng 16, Phú Thọ 7, Bắc Kạn 4, Hoà Bình 2, Vĩnh Phúc 2, Thanh Hóa 2, Hưng Yên 4).

Nhà hư hỏng: 231.851 nhà; tập trung tại: Quảng Ninh 102.467, Hải Phòng 103.227, Lào Cai 6.173, Lạng Sơn 3.568, Bắc Ninh 3.472, Bắc Giang 3.289, Yên Bái 2.408...

Nhanh chóng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh ảnh 7

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. (Ảnh: Trần Hải)

Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi, chia sẻ, chia buồn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các cơ quan, địa phương, đơn vị và nhất là những gia đình có người tử vong, mất tích, bị thương do siêu bão số 3 gây ra. Thủ tướng nhiều lần nghẹn giọng, bật khóc khi đề cập tới sự tàn phá, hậu quả nặng nề và những mất mát, thiệt hại của người dân, của đất nước.

Thực tiễn cho thấy công tác dự báo, cảnh báo cơ bản sát tình hình, ngoại trừ một số yếu tố như hậu quả của hoàn lưu bão chưa thật chính xác. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão rất đồng bộ, quyết liệt, bài bản dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ, hợp tác của bạn bè, đối tác quốc tế.

Thực tiễn cho thấy công tác dự báo, cảnh báo cơ bản sát tình hình, ngoại trừ một số yếu tố như hậu quả của hoàn lưu bão chưa thật chính xác.

Tuy nhiên, bão số 3 và hoàn lưu bão vẫn gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản. Đến thời điểm này đã có hơn 350 người chết và mất tích, hơn 2.000 người bị thương; 230.000 nhà ở, nhiều trụ sở, trường học, cơ sở khám chữa bệnh bị tốc mái, hư hỏng; gần 70.000 nhà bị ngập; trên 190.000 ha lúa, 48.00 ha hoa màu, 31.000 ha cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; hơn 3.000 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 21.000 gia súc và trên 2,6 triệu gia cầm bị chết; nhiều cơ sở hạ tầng bị tàn phá; tình trạng sạt lở, ngập lụt, chia cắt giao thông cục bộ xảy ra ở hầu hết các địa phương.

Công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ đã được các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thường xuyên quan tâm chỉ đạo sát sao. Phân tích các nguyên nhân khiến bão gây hậu quả rất lớn, Thủ tướng cho rằng bên cạnh những nguyên nhân khách quan, vẫn còn tình trạng một số người dân còn chủ quan, chưa tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo, khuyến cáo của cơ quan chức năng; lãnh đạo, chỉ đạo có nơi, có lúc chưa quyết liệt; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn chưa đáp ứng được yêu cầu...

Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm: Bám sát tình hình, dự báo chính xác; công tác tuyên truyền, vận động phải nhanh, kịp thời, rộng rãi; chỉ đạo kịp thời, chính xác, phù hợp, hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương, các cấp phải chủ động, tích cực với "3 trước, 4 tại chỗ" trong phòng chống và khắc phục hậu quả; lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương các bộ ngành, các tỉnh thành phố đã thể hiện trách nhiệm rất cao, nỗ lực rất lớn, hành động rất quyết liệt để làm tốt nhất trong khả năng có thể; cảm ơn nhân dân đã vào cuộc với cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Quân đội, Công an. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác thi đua khen thưởng với các tổ chức, cá nhân làm tốt, nhất là những người đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ; phê bình và xử lý nghiêm các trường hợp chủ quan, lơ là, không hoàn thành nhiệm vụ.

Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, về mục tiêu, không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, đói rét, thiếu nước sạch, thiếu chỗ ở, các sinh hoạt thiết yếu hàng ngày. Khẩn trương khắc phục hậu quả siêu bão hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình cho nhân dân về tinh thần và vật chất; khôi phục hiệu quả sản xuất, kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng cả năm khoảng 7%; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội cho nhân dân, giữ môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển.

Về nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, Thủ tướng nêu rõ: tập trung cho tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, sắp xếp chỗ ở tạm thời cho người dân mất nhà, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước sạch, cứu chữa người bị bệnh. Rà soát, kiểm tra, tiếp cận bằng được những nơi bị chia cắt, hỗ trợ người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Tập trung cả hệ thống chính trị dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Không để mất điện, sóng viễn thông, không để đứt gãy các dịch vụ thiết yếu; sửa chữa ngay các cơ sở y tế và giáo dục.

Về nhóm nhiệm vụ giải pháp ổn định tình hình cho nhân dân, Thủ tướng yêu cầu: Rà soát, thống kê thiệt hại của nhân dân và Nhà nước, hỗ trợ ngay cho người dân bị thiệt hại, cố gắng ổn định tại chỗ như bố trí chỗ ở tại nhà văn hóa thôn, bản, cơ sở của công an, quân đội trên địa bàn. Thăm hỏi, chia sẻ, hỗ trợ, giải quyết hậu sự cho những người xấu số; giải quyết chính sách theo quy định. Rà soát các thôn bản bị vùi lấp, các gia đình mất nhà, tổ chức tái định cư tại nơi an toàn, chậm nhất tới 31/12/2024 phải hoàn thành, yêu cầu là nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, nhà ở có nền cứng, vách cứng, mái cứng. Rà soát, thống kê, sửa chữa các trường lớp, thiết bị để trong tháng 9 này tất cả các cháu học sinh trở lại trường. Kết nối giao thông thông suốt, làm tốt công tác an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các địa phương thống kê thiệt hại, đề xuất hỗ trợ cho các gia đình. Nghiên cứu miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng.

Về nhóm giải pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu Thủ tướng yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại các cơ sở sản xuất kinh doanh để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là chính sách về tín dụng, hỗ trợ giống cây con, phân bón cho nông nghiệp, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, khôi phục sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, có phương án tăng cường các loại hình giao thông, giảm giá cước vận tải, khôi phục các kho bãi tập kết hàng hóa; điều hòa các công trình thủy điện, thủy lợi trong xả lũ và tích nước. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng...; Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí; Bộ Công thương bảo đảm vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay các hộ gia đình; ngành bảo hiểm thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân...

Về tài chính, nghiên cứu miễn, giảm, hoãn thuế phí, lệ phí; thúc đẩy đầu tư công. Bộ Công thương bảo đảm cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh; Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay cho các hộ gia đình; Bảo hiểm Xã hội thanh toán kịp thời, chính xác các mất mát của doanh nghiệp; khắc phục các kho bãi để tập kết hàng hoá, không bị ứ đọng.

Về nhóm nhiệm vụ giải pháp về tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, Thủ tướng yêu cầu: đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh khai thác khoáng sản như than, dầu khí; bảo đảm cung ứng xăng dầu, cung ứng điện; bảo đảm thu ngân sách nhà nước; sử dụng hiệu quả tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả phục vụ tăng trưởng; chống tham ô, lãng phí, trục lợi. Cung ứng đủ hàng hoá, nguyên vật liệu cho sản xuất, kinh doanh; kiểm soát giá cả không để găm hàng, đội giá, trục lợi; tập trung đẩy mạnh 3 động lực tăng trưởng truyền thống gồm đầu tư, kích thích tiêu dùng, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; tập trung tái cơ cấu các cây trồng vật nuôi; tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh phù hợp điều kiện các địa phương; xây dựng chương trình khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất, kinh doanh, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Tiếp tục đa dạng hoá sản phẩm, chuỗi cung ứng, sản xuất; về lâu dài, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án ở Đồng bằng sông Cửu Long chống hạn hán, sạt lở, sụt lún, ngập mặn; Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án khảo sát, đánh giá chống sạt lở; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích một số ngành, lĩnh vực phát triển bứt phá và tăng tốc như Chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao liên quan lĩnh vực bán dẫn, thúc đẩy đề án xây dựng Khu thương mại tự do, Trung tâm tài chính… Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh giải pháp ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay chung sức khắc phục hậu quả.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tích cực, chủ động, tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp nhanh chóng, “đúng, trúng”, kịp thời, hiệu quả với tinh thần quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”; kêu gọi tinh thần “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách".