Trong lĩnh vực VHNT có thể thấy sự chuyển động có phần chậm chạp trong việc triển khai những nội dung Nghị quyết của Ðảng thành các cơ chế chính sách dành cho VHNT và đối tượng sáng tạo là người nghệ sĩ. Sau hàng chục năm mà vẫn còn đó những bất cập về lương bổng của nghệ sĩ biểu diễn và nhuận bút sáng tác, đời sống văn nghệ sĩ và môi trường hành nghề còn chật vật, thiếu thốn. Tác phẩm VHNT thì nhiều, nhưng thiếu những tác phẩm có chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật. Nếu 20 năm trước, mỗi một nhà văn, nhà thơ được in một tập sách ở bất kỳ một Nhà xuất bản Trung ương nào cũng phải qua khâu lựa chọn kỹ lưỡng, biên tập chu đáo. Số lượng phát hành mỗi đầu sách từ mười đến năm mươi nghìn bản và hầu hết được bày bán ở tất cả các quầy sách trong cả nước chỉ sau mười ngày. Tác phẩm hay hoặc dở lập tức tác động tới người đọc và có ý kiến phản hồi khen chê. Còn bây giờ cho dù là một nhà thơ, nhà văn danh tiếng, tác phẩm in ra nhiều cùng lắm cũng chỉ một vài nghìn bản, có khi chỉ được năm bảy trăm cuốn và tác giả được trả nhuận bút bằng... sách. Những tác phẩm văn học ấy lại bị lọt thỏm giữa "núi đầu sách" với cơ chế xuất bản thông thoáng hiện nay. Người cần đọc sách không có sách mà đọc, thậm chí bạn văn nghe thì biết vậy chứ cũng chẳng đọc sách của nhau. Cũng vì vậy mà sách không đến được tay bạn đọc hay nhà phê bình. Trong lĩnh vực điện ảnh, một bộ phim truyện nhựa của Nhà nước bỏ ra từ 10 đến 15 tỷ đồng sản xuất, chiếu ở rạp cũng chỉ được vài buổi rồi cất kho. Phải hai năm sau mới được phát sóng trên truyền hình và lúc ấy người xem mới được biết nội dung, chất lượng của phim. Một vở kịch, một vở múa cho dù là hay đi chăng nữa cũng chỉ đứng được ít buổi, tác phẩm cũng không thể đến được với công chúng. Xu hướng phê bình kiểu thị trường cũng tác động mạnh mẽ trong việc thẩm định các giá trị nội dung của các tác phẩm VHNT. Không ít những cuốn sách, những bộ phim giải trí tầm thường, nhưng được quảng cáo, thổi phồng, thậm chí dùng các chiêu trò đồn đại sách có vấn đề, bị cấm để bán sách.
Trong những lần gặp gỡ văn nghệ sĩ và làm việc với Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước luôn khẳng định: "Không thể coi các giá trị VHNT là thứ hàng hóa đơn thuần mà nó là sản phẩm văn hóa đặc biệt, không thể so sánh với hàng hóa vật chất". Cũng vì vậy, trong tình hình hiện nay, với những bất cập nêu trên, không nhất thiết cứ phải có một Nghị quyết mới về văn hóa như đã có những ý kiến đề nghị mà chỉ cần điều chỉnh, bổ sung quan điểm, nhận thức và đặc biệt là tập trung vào thực hiện các giải pháp cho phù hợp với quá trình phát triển văn hóa, VHNT của một đất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế, giải quyết các bất cập, yếu kém còn tồn đọng. Ðiều này đòi hỏi những người làm công tác chỉ đạo, quản lý văn hóa, VHNT, và bản thân những nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật phải có sự đổi mới trong nhận thức, dũng cảm gạt bỏ những quan niệm cũ, lạc hậu, không còn thích hợp với thời đại. Mặt khác, trong bối cảnh chuyển biến của đời sống xã hội với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, đã gây nên những thay đổi không nhỏ trong cách nhìn nhận, tác động mạnh mẽ tới hoạt động sáng tạo của người nghệ sĩ và phản ánh vào trong tác phẩm của họ. Do đó những chuẩn mực trong đánh giá, phê bình VHNT cũng cần phải có sự đổi mới phù hợp với cách suy nghĩ và nhận thức của thế hệ hôm nay chứ không thể ỳ ạch bám theo lối mòn tư duy cũ. Những điều chỉnh, đổi mới nhận thức một cách sâu sắc và toàn diện trong chỉ đạo, quản lý và sáng tạo văn hóa, VHNT sẽ tạo ra sức mạnh, động lực hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng mà Ðảng đã xác định trong xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Nhận thức sâu sắc và toàn diện trong chỉ đạo, quản lý, sáng tác văn học - nghệ thuật
Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc" và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới" là những văn kiện mang ý nghĩa chiến lược, lâu dài của quá trình phát triển văn hóa và văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam thời kỳ CNH - HÐH. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị quyết, các cơ quan chỉ đạo và quản lý đã không thực hiện đầy đủ, chặt chẽ các giải pháp đã được đề ra hoặc thiếu sự linh hoạt khi hiện thực cuộc sống có nhiều thay đổi và điều kiện dân trí ngày càng được nâng cao.