Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hội nghị là dịp quan trọng để các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố Vùng Đông Nam Bộ rà soát tình hình tổ chức thực hiện Quy hoạch Vùng, nhìn nhận kịp thời những khó khăn, thách thức, đề ra giải pháp khắc phục; bảo đảm triển khai Quy hoạch Vùng thông suốt, bài bản hiệu quả, góp phần đưa kinh tế Vùng Đông Nam Bộ tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Với những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, Vùng Đông Nam Bộ có nhiều thời cơ thuận lợi hơn so các vùng khác. Đây cũng là kỳ vọng của nhân dân cả nước, do đó đối với Vùng, đây vừa là vinh dự lớn nhưng cũng là trách nhiệm cao.
Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các thành viên Hội đồng, các Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng xác định tinh thần trách nhiệm cao nhất, cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển; không những phát triển kinh tế-xã hội trong Vùng mà còn phát triển kinh tế-xã hội của cả nước; giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: THANH GIANG) |
Thủ tướng đề nghị hội nghị này làm rõ tình hình triển khai các giải pháp phát triển Quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ; vấn đề khó khăn thách thức cần tháo gỡ trong sự phát triển là gì; đề xuất kiến nghị phương hướng giải quyết trọng tâm nhiệm vụ cụ thể sắp tới để Vùng phát triển theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Nhấn mạnh thời gian ngắn, yêu cầu cao, nội dung nhiều và phong phú, Thủ tướng đề nghị các đại biểu, phát biểu trọng tâm, trọng điểm, đi thẳng vào vấn đề.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: THANH GIANG) |
* Tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Vùng Đông Nam Bộ trong 7 tháng đầu năm mặc dù có mức tăng trưởng khá nhưng chưa đạt như kỳ vọng với vai trò là vùng kinh tế động lực, dẫn dắt của cả nước.
Cụ thể: tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (3,86%); tổng thu ngân sách nhà nước đạt 391,154 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,1% tổng thu ngân sách nhà nước của cả nước, đứng thứ 2 sau vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm gần 43%); giá trị xuất khẩu đạt 59,2 tỷ USD, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, đứng thứ 2 sau vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm gần 35%).
Trong 7 tháng, Vùng Đông Nam Bộ có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế với 58.246 doanh nghiệp, tăng 9,8%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: THANH GIANG) |
Về các hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ thời gian vừa qua, ngày 5/5, Hội đồng đã có Phiên họp lần thứ ba tại tỉnh Tây Ninh, sau 2 tháng đến nay đã hoàn thành 3 nhiệm vụ: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 138/2024QH15 ngày 28/6/2024 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Chơn Thành Gia Nghĩa.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã bổ sung quy hoạch Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 22/5/2024. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (giai đoạn 1) tại Quyết định số 760/QĐ-TTg ngày 2/8/2024.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: THANH GIANG) |
Các thành viên Hội đồng đã hoàn thành 28/41 nhiệm vụ được giao tại Quyết định ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ điều phối vùng năm 2023, hoàn thành 5/30 nhiệm vụ được giao hoàn thành trong năm 2023 tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24. Các nhiệm vụ còn lại các bộ, địa phương đang khẩn trương triển khai do đây là các nhiệm vụ cần sự nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan, có thời gian thực hiện trong các năm tiếp theo.
Về kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ: Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 đã thể hiện sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và gửi lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương trong vùng Đông Nam Bộ.
Đến nay, có 17/18 bộ, ngành và 5/6 địa phương vùng Đông Nam Bộ có ý kiến tham gia. Sau khi có đủ ý kiến của các thành viên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, rà soát, chỉnh sửa, cập nhật và hoàn thiện Kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về rà soát cơ chế, chính sách đặc thù của Vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Báo cáo rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù các vùng kinh tế-xã hội và đang gửi lấy ý kiến các bộ, ngành và các địa phương với mục tiêu: “Xác định chính sách phù hợp, hiệu quả để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép mở rộng diện áp dụng thí điểm. Xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng. Thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách, đầu tư; thí điểm áp dụng một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các vùng và cả nước”.
Trong đó, ngoài các nhóm chính sách, cơ chế đề xuất áp dụng chung cho các vùng trong cả nước, riêng Vùng Đông Nam Bộ đề xuất một số nhóm chính sách, cơ chế đặc thù riêng biệt như: Chính sách về nâng mức dư nợ vay ngân sách địa phương của các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ; Chính sách về phát triển khu công nghiệp; Chính sách về tăng chỉ tiêu đất khu công nghiệp; Chính sách về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược…
Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vùng Đông Nam Bộ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của vùng là một đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, năng động và phát triển. Mặc dù chỉ chiếm hơn 9% diện tích nhưng Vùng Đông Nam Bộ đóng góp khoảng 1/3 GDP và hơn 44% nguồn thu ngân sách cả nước.
Cụ thể: tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đạt 452 nghìn tỷ đồng, 44,3% tổng thu ngân sách nhà nước, đứng thứ 2 sau Vùng đồng bằng sông Hồng (chiếm 51,1%). Giá trị xuất khẩu đạt trên 59,2 tỷ USD, 31% xuất khẩu của cả nước, đứng thứ 2 sau vùng đồng bằng sông Hồng (chiếm gần 35%). Vùng Đông Nam Bộ có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế với 58.246 doanh nghiệp, tăng 9,8%.
Vùng Đông Nam Bộ tiếp tục dẫn đầu cả nước về cả số dự án và tổng số vốn đầu tư FDI thực hiện tính đến hết ngày 20/7/2024, tương ứng 20 nghìn dự án và 187,4 tỷ USD, trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước (chiếm gần 32% số dự án và gần 12% tổng số vốn đăng ký). Tính đến nay, vùng có 6/6 địa phương đã hoàn thành lập, trình thẩm định quy hoạch và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5/6 quy hoạch tỉnh.
Các kết quả trên có được là nhờ quyết tâm, nỗ lực và sự trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo, nhân dân và doanh nghiệp của vùng Đông Nam Bộ, với tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo, đổi mới.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng trân trọng ghi nhận đóng góp của vùng vào kinh tế-xã hội của cả nước và biểu dương đóng góp, cố gắng của các đồng chí trong thời gian qua. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, quá trình phát triển của Vùng Đông Nam Bộ trong thời gian qua vẫn còn đối mặt với một số hạn chế, khó khăn, thách thức.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương trong Vùng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ động giải quyết, nắm chắc tình hình, tập trung vào: rà soát lại mục tiêu, chỉ tiêu năm 2024 của các cấp, của chính địa phương để tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Triển khai công tác quy hoạch thông qua Kế hoạch thực hiện Quy hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương trình phê duyệt Quy hoạch Thành phố, không cầu toàn; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần. Rà soát, phát hiện các vướng mắc, các điểm nghẽn về pháp lý của các Luật, từ đó sửa đổi; tập trung góp ý cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa Luật Đầu tư công; đồng bộ với đó là các Nghị định, Thông tư của Chính phủ, các bộ, ngành cũng phải sửa.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là nguồn lực trong nhân dân; tập trung cho 3 động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, sản xuất chíp, trí tuệ nhân tạo (AI), hydrogen, điện toán đám mây. Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong vùng để cùng giải quyết khó khăn, mở ra các kết nối trong vùng tốt hơn.
Thủ tướng yêu cầu tập trung “3 đẩy mạnh”: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, dẫn dắt, thu hút nguồn lực toàn xã hội; Đẩy mạnh ứng dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành mới nổi khác liên quan sản xuất chíp, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây; Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia hàng đầu để tạo động lực mới, góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế xã hội, trên cơ sở đó ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng. Các bộ, ngành, địa phương được giao chủ trì khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu đối với các dự án vùng và liên vùng: Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa-Vũng Tàu, các hệ thống đường kết nối.
Thủ tướng giao Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, trình các cơ chế chính sách vượt trội thuộc thẩm quyền Quốc hội đối với Dự án Đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh tại kỳ họp của Hội đồng vào tháng 11/2024; giao Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước khẩn trương hoàn thành các thủ tục tiếp theo đối với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Chơn Thành - Gia Nghĩa, Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành phấn đấu khởi công vào dịp 30/4/2025.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, có hiệu quả, sản phẩm; phân công phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”...