Nhân rộng tuyến phố không dùng tiền mặt

Từ các tuyến phố ở quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu nhân rộng mô hình tuyến phố không dùng tiền mặt ra khắp các quận, huyện, thị xã.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ ngân hàng hướng dẫn người dân cách thanh toán không dùng tiền mặt.
Cán bộ ngân hàng hướng dẫn người dân cách thanh toán không dùng tiền mặt.

Quận Hoàn Kiếm là địa bàn có nhiều trung tâm thương mại, các tuyến phố kinh doanh sầm uất, chợ... và hệ thống tổ chức tài chính - ngân hàng lớn trong và ngoài nước. Đây là tiềm năng, lợi thế để quận phát triển kinh tế, tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ.

Bên cạnh hình thức trả tiền mặt, hầu hết các cửa hàng, quán ăn trên địa bàn quận đều in mã QR số tài khoản ngân hàng hoặc trang bị máy POS để thuận tiện cho khách trong thanh toán. Chính vì vậy, mới đây, thành phố Hà Nội đã chọn quận Hoàn Kiếm làm hạt nhân để triển khai thúc đẩy thanh toán số, thí điểm triển khai các tuyến phố không dùng tiền mặt trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long chia sẻ, thanh toán không tiền mặt là nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quận. Hiện nay, khi giao dịch trên các tuyến phố của quận, dù có mức chi phí dưới 10.000 đồng, người dân cũng có thể thanh toán bằng các hình thức chuyển khoản hoặc quét mã QR.

Quận sẽ chọn những tuyến phố đặc thù như phố đi bộ, phố sách, phố ẩm thực, một số trung tâm thương mại, chợ truyền thống... để gắn biển công nhận “Tuyến phố không dùng tiền mặt”, từ đó nhân rộng trên địa bàn quận.

Phấn đấu đến tháng 12/2023, 100% các tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh tại các tuyến phố đi bộ trên địa bàn quận thực hiện được thanh toán không dùng tiền mặt.

Có thể thấy, thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, hướng đến tiêu dùng văn minh, hiện đại.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố Hà Nội và Sở Công thương, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua đã diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh.

Năm 2022, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch điện tử ước đạt 45%; tỷ lệ thanh toán hóa đơn tiền nước không dùng tiền mặt đạt 96,67%; tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 99,9%...

Các ngân hàng thương mại đều đang triển khai các ứng dụng, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Để khuyến khích người dân thay đổi thói quen, các ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán còn phối hợp các bên như đơn vị cung ứng điện, nước, dịch vụ viễn thông, sàn thương mại điện tử, siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm,... thực hiện các chương trình khuyến mại, quảng bá dịch vụ, tri ân khi khách hàng thực hiện thanh toán bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Chị Nguyễn Thu Phương (ở phố Hồng Tiến, quận Long Biên) cho biết: “Tôi thường lựa chọn hình thức thanh toán bằng mã QR VNPAY khi mua sắm. Bên cạnh việc đơn giản, thuận tiện, thì còn bởi thỉnh thoảng tôi lại nhận được các mã giảm giá khi thanh toán bằng phương thức này”.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, trên cơ sở triển khai thí điểm tuyến phố không dùng tiền mặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, các sở, ngành sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai diện rộng trên toàn thành phố.

Tiến tới, mỗi quận, huyện, thị xã đều có tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt và số lượng các tuyến phố này tăng dần hằng năm, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của Thủ đô.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thành phố Hà Nội đã xác định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Công tác chuyển đổi số thực hiện đồng bộ trên cả trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Thành phố đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch dài hạn, kế hoạch hằng năm để bảo đảm cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số.

Trong đó, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 18 ngày 30/12/2022 và Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch số 239 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

“Việc triển khai tuyến phố không dùng tiền mặt tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn thành phố được trải nghiệm những hình thức thanh toán mới, hiện đại, giúp người dân tiếp cận nhanh các ứng dụng, tiện ích trong thời đại số, góp phần xây dựng các công dân số, xã hội số...” - đồng chí Hà Minh Hải nhấn mạnh.