Nhân rộng những “ngôi làng số”

Người dân ở khu vực nông thôn của Hà Nội đang quen dần với việc thực hiện thủ tục hành chính; tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước; kiểm soát vệ sinh môi trường; giữ gìn an ninh, trật tự, quảng bá, giao dịch các sản phẩm nông nghiệp… trong “môi trường số”.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Song Phượng (huyện Ðan Phượng) quét mã QR tìm hiểu thủ tục hành chính. (Ảnh THẮNG VĂN)
Người dân xã Song Phượng (huyện Ðan Phượng) quét mã QR tìm hiểu thủ tục hành chính. (Ảnh THẮNG VĂN)

Ðiều này có được nhờ thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh xây dựng mô hình Thôn thông minh. Từ lợi ích này, thành phố đang nhân rộng mô hình Thôn thông minh cùng với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Với chiếc điện thoại thông minh trong tay, thay vì trực tiếp đi “rà soát” việc đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, ông Hoàng Văn Hoan, Trưởng thôn Thuận Quang (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) lên nhóm Zalo của thôn để nhắc mọi người kiểm soát việc thực hiện nếp sống văn minh.

Nhiều tiện ích từ “cuộc sống số”

Từ ngày xây dựng Thôn thông minh, công tác tuyên truyền, vận động của ông Hoan thay đổi hẳn. Mỗi khi trao đổi trên nhóm, nếu có thông tin phản hồi về các trường hợp vi phạm, thí dụ như đổ rác bừa bãi, ông sẽ trao đổi với các lãnh đạo thôn, đại diện các đoàn thể qua mạng xã hội. Sau đó, đại diện của thôn sẽ kiểm tra hình ảnh qua camera giám sát để phát hiện đối tượng vi phạm để nhắc nhở, xử lý.

Thôn Thuận Quang hiện có gần 20 camera giám sát đặt tại những khu vực quan trọng, được kết nối về “trung tâm điều hành” của thôn đặt tại đình làng. Trung tâm này còn kết nối với hàng trăm camera của người dân. Ông Hoan cho biết: “Hiện giờ việc kết nối internet và wifi đã phủ sóng toàn thôn, cả ở ngoài cánh đồng. Việc tuyên truyền thực hiện pháp luật, vận động thực hiện các phong trào cũng thay đổi, nhiều việc được thực hiện “từ xa”, không phải đến từng gia đình như trước đây”.

Thôn Thuận Quang có nghề chế biến nông sản, chủ yếu là các loại hành khô. Sau khi chế biến các hộ gia đình cũng sử dụng các trang mạng xã hội để livestream hoặc quảng cáo, bán sản phẩm. Bà Dương Thị Phương, một hộ gia đình chế biến hành khô cho biết: “Từ ngày triển khai xây dựng Thôn thông minh, công việc của gia đình tôi thuận lợi hơn, nhất là trong việc tương tác với khách hàng, quảng bá sản phẩm”.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân xã Dương Xá còn phối hợp với VNPT Hà Nội triển khai mô hình nông nghiệp thông minh trên diện tích 30 ha trồng cam và ổi tại thôn Thuận Quang. Toàn bộ quy trình canh tác, tưới tiêu, cảnh báo dữ liệu đều được thực hiện thông qua hệ thống phần mềm tích hợp các thiết bị và được ứng dụng trí tuệ nhân tạo giám sát và điều khiển...

Nếu xã Dương Xá chọn xây dựng Thôn thông minh tại Thuận Quang thì xã Song Phượng (huyện Ðan Phượng) đang triển khai thực hiện mô hình Thôn thông minh trên cả bốn thôn. Ngay khu vực hồ Văn Chỉ - trung tâm của thôn Tháp Thượng, chính quyền xã cho niêm yết các dịch vụ công trực tuyến bằng mã QR, với các thủ tục như: Khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn…

Người dân dùng điện thoại thông minh quét mã để nhận hướng dẫn và thực hiện thủ tục. Bà Lê Thị Thảo, người dân thôn Tháp Thượng cho biết: “Việc áp dụng công nghệ vào giải quyết các thủ tục như hiện nay rất thuận tiện. Trước đây, chúng tôi thường phải đến bộ phận một cửa để giải quyết thủ tục hành chính thì nay có thể thực hiện từ xa, không phải chờ đợi”. Trên địa bàn xã Song Phượng có tất cả 20 bảng mã quét được bố trí tại khu vực trung tâm hay các nhà văn hóa thôn để người dân thuận tiện trong tra cứu. Xã Song Phượng triển khai mô hình Thôn thông minh từ cuối năm 2022.

Xã thành lập một Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã, bốn Tổ công nghệ số cộng đồng ở bốn thôn. Các Tổ công nghệ phối hợp cấp ủy, chính quyền của thôn khảo sát, hướng dẫn tất cả các hộ dân trên địa bàn tham gia vào lộ trình xây dựng “ngôi làng số” để mọi người có thể sử dụng ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt tài khoản và áp dụng thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử...

Ngoài các Tổ Công nghệ này, còn có 36 Tổ công nghệ tự quản được thành lập ở các thôn. Các Tổ công nghệ tự quản này kết nối tới từng hộ gia đình thông qua mạng Zalo. Nhờ đó, mọi thông tin đều được tương tác hai chiều từ thôn, xã tới dân và từ dân tới thôn, xã nhanh chóng, chính xác, thuận lợi.

Chưa hết, Hợp tác xã Nông nghiệp Song Phượng đã thành lập trang fanpage “Nông sản sạch Song Phượng”, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương, như kẹo lạc, nấm, bưởi Diễn… với gần 100 nông dân trên địa bàn xã tham gia. Bà con được hướng dẫn để tham gia các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm.

Việc xây dựng các thôn thông minh được người dân hết sức đồng tình. Do đó, tổng kinh phí thực hiện “Thôn thông minh” ở Song Phượng là hơn 400 triệu đồng. Thế nhưng, xã chỉ phải bỏ ra 50 triệu đồng từ nguồn ngân sách, còn lại đều là vốn xã hội hóa. Trong đó, đáng kể nhất là người dân đóng góp hàng trăm triệu đồng để lắp đặt camera an ninh.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Song Phượng, Ngô Thế Anh

Hiện toàn xã có 600 camera an ninh, gồm hơn 100 camera do chính quyền lắp đặt, còn lại là của các gia đình kết nối vào hệ thống. Do đó, tình hình an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường đều được cải thiện, do các đường làng, ngõ chính đều được camera giám sát. Chuyển đổi số lan tỏa đến các làng quê đã thay đổi hẳn cuộc sống người dân, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Căn cứ vào các quy định của Chính phủ, ngày 29/8/2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Bộ Tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Trong đó, năm tiêu chí để đạt Thôn thông minh gồm: Tổ Công nghệ số cộng đồng, Giao tiếp thông minh, Thương mại điện tử, Du lịch thông minh (đối với địa bàn có sản phẩm du lịch), Dịch vụ xã hội.

Sau khi tiêu chí mới được ban hành, những xã đã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và những địa bàn đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đều khẩn trương bắt tay vào cuộc. Không chỉ các huyện ven đô, người dân ở cả những huyện vốn là địa bàn khó khăn của Hà Nội như Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Ðức… cũng bắt đầu quen với “cuộc sống số”. Xã Ðại Ðồng, huyện Thạch Thất là một trong số đó. Triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã Ðại Ðồng chọn Thôn 6-Minh Nghĩa làm điểm xây dựng Thôn thông minh. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhà nhà nơi đây đều dùng điện thoại thông minh để tương tác với cộng đồng.

Trưởng thôn 6-Minh Nghĩa, Nguyễn Trọng Hoa cho biết: “Người dân hưởng ứng việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Thôn thông minh vì người dân ý thức được quyền lợi mình được hưởng. Ngoài cơ sở vật chất như điện, đường, trường, trạm, hiện nay các khu vực công cộng của thôn đều phủ sóng wifi kết nối internet miễn phí, lắp đặt camera an ninh khiến an ninh, trật tự được cải thiện. Người dân khai thác ứng dụng Thôn thông minh để bán sản phẩm, rút ngắn khoảng cách nông thôn và đô thị”. Ở thôn Ðặng (xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Ðức), nhờ có Tổ Công nghệ số cộng đồng đi đến từng gia đình hướng dẫn, người dân cũng có thể ngồi nhà để thực hiện nhiều giao dịch, cũng như thủ tục hành chính.

Hà Nội đang phấn đấu đến cuối năm 2023, có tất cả 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tập trung nhiều nhất tại các huyện: Ðông Anh, Gia Lâm, Ðan Phượng, Thanh Trì… Cùng với đó, mô hình Thôn thông minh cũng lan tỏa mạnh mẽ tới khắp mọi miền quê ngoại thành, tạo động lực mạnh mẽ cho lộ trình chuyển đổi số ở tất cả các mặt của đời sống. Lợi ích từ những “ngôi làng số” là hết sức rõ ràng.

Tuy nhiên, để mô hình Thôn thông minh phủ sóng rộng khắp vẫn còn nhiều thách thức. Chủ tịch Ủy ban nhân xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) Tô Hữu Vịnh cho biết: “Chúng tôi rất muốn mở rộng mô hình Thôn thông minh sang các địa bàn khác trong xã, vì lợi ích đem lại là rất lớn, nhất là trong công tác vận động nhân dân, quản lý vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế của các thôn không đồng đều. Trong khi đó, việc đầu tư hạ tầng cho Thôn thông minh là không nhỏ, không phải địa bàn nào cũng có thể huy động sức dân tham gia đóng góp hiệu quả. Do đó, dù muốn triển khai ngay nhưng chúng tôi cũng phải có lộ trình”.

Huyện Ðan Phượng hiện đã thành lập 16 tổ công nghệ số các xã, thị trấn, 129 tổ công nghệ cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố với tổng số hơn 1.000 thành viên. Các tổ công nghệ đã thực hiện hiệu quả nhiều nội dung về phổ cập số, tập huấn số, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt tài khoản thanh toán điện tử, lắp đặt camera an ninh… phấn đấu toàn bộ 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 100% Thôn thông minh ngay trong năm 2023.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn. Bí thư Huyện ủy Ðan Phượng Trần Ðức Hải cho biết: “Huyện Ðan Phượng hiện đã xây dựng Thôn thông minh tại 101 thôn và đang tiếp tục xây dựng tại 28 thôn còn lại. Bên cạnh những khó khăn nhất định về hạ tầng, thì một bộ phận người dân vốn làm nông nghiệp, vẫn chưa sẵn sàng để chuyển thành “công dân số”, chưa quen với “cuộc sống số”. Do đó, sau khi đã đầu tư hạ tầng, huyện phải tích cực tuyên truyền, vận động để người dân thấy được lợi ích, chuyển sang sử dụng các tiện ích của mô hình Thôn thông minh.

Ðây cũng là vấn đề đặt ra tại nhiều địa phương khác. Khi đã có nhiều tiện ích và được hướng dẫn cụ thể, nhưng do dân trí chưa cao, một số hộ gia đình sau đó chưa ứng dụng các tiện ích vào cuộc sống. Do đó, khi xây dựng các “ngôi làng số”, cần chọn lọc và đầu tư có định hướng để tránh lãng phí, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa.