Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè cả nước ước đạt 78.000 tấn, trị giá 135 triệu USD, tăng 32,7% về lượng và tăng 34,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu chè bình quân đạt 1.727,7 USD/tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Chè là một trong những loại cây công nghiệp phát triển ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động và mang lại hiệu quả kinh tế tốt đối với nhân dân ở các địa phương vùng trung du và miền núi phía bắc. Hiện nay, nông dân đang đưa nhiều giống mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Phát huy tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, Thái Nguyên vươn lên là địa phương có diện tích, năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế trên mỗi héc-ta chè cao nhất cả nước. Xác định chè là cây trồng có thế mạnh, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, mang lại thu nhập thường xuyên cho khoảng 50% số hộ trên địa bàn, tỉnh Thái Nguyên đã và đang đầu tư mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu để mang lại giá trị cao.
Việt Nam có tiềm năng và lợi thế lớn để phát triển các cây công nghiệp như cà-phê, hồ tiêu, điều, chè… Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ cây công nghiệp hiện vẫn chưa có bước đột phá lớn.
Chè tiêu thụ tại Australia chủ yếu là nhập khẩu do điều kiện khí hậu tại Australia không trồng được chè. Vì vậy, còn rất nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu chè sang thị trường Australia. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ cung cấp một lượng rất nhỏ chè cho thị trường này.