Nhân rộng bản tin thời tiết nông vụ tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

Tới nay, bản tin thời tiết nông vụ đã được triển khai nhân rộng tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, gần 35 nghìn nông dân đã tham gia và được nhận thông tin qua các nhóm Zalo bản tin thời tiết nông vụ cấp xã.
Bản tin Thời tiết nông vụ của các tỉnh Bạc Liêu, An Giang và Kiên Giang đứng đầu bình chọn bản tin hiệu quả tại hội thảo. (Ảnh: Ban tổ chức)
Bản tin Thời tiết nông vụ của các tỉnh Bạc Liêu, An Giang và Kiên Giang đứng đầu bình chọn bản tin hiệu quả tại hội thảo. (Ảnh: Ban tổ chức)

Ngày 8/12, tại thành phố Hà Tiên, Kiên Giang, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Liên minh Đa dạng sinh học quốc tế và Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT) tổ chức hội thảo sơ kết kết quả thực hiện bản tin thời tiết nông vụ vụ hè thu 2023 vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Sáng kiến về bảo vệ hệ thống lương thực tại các vùng đồng bằng lớn của châu Á để bảo đảm sinh kế và thích ứng với biến đổi khí hậu - Giảm thiểu rủi ro chuỗi giá trị nông nghiệp theo định hướng đồng bằng” (dự án AMD-WP3).

Chương trình có sự tham gia của 57 đại biểu đến từ Cục Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn của 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ.

Bản tin Thời tiết nông vụ được xây dựng dựa trên cách tiếp cận do dự án DeRISK Đông Nam Á thí điểm từ năm 2020 và tiếp tục được kế thừa và cải thiện trong khuôn khổ dự án AMD.

Bản tin đưa ra thông tin dự báo thời tiết và các khuyến nghị canh tác theo mùa, theo tháng hoặc 10 ngày. Bản tin được phát triển theo phương pháp có sự tham gia, bao gồm sự tham gia của các cán bộ nông nghiệp, khuyến nông, khí tượng thủy văn, thủy lợi, cũng như đóng góp ý kiến của người dân.

Nhân rộng bản tin thời tiết nông vụ tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1

Các đại biểu dự hội thảo. (Ảnh: Ban tổ chức)

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Trồng trọt đã triển khai nhiều hoạt động. Cụ thể như: họp tham vấn và tập huấn kỹ thuật nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao về xây dựng bản tin thời tiết nông vụ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và thúc đẩy áp dụng tiến bộ kỹ thuật về quy trình xây dựng bản tin thời tiết nông vụ.

Kết quả ban đầu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, bản tin đã được triển khai từ 1 tỉnh vào năm 2021, lên thành 7 tỉnh vào năm 2022 và được nhân rộng tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2023. Chương trình có sự tham gia trực tiếp của 54 huyện và 544 xã, phát hành 557 bản tin trong 7 tháng cuối năm 2023.

Bản tin đã được phổ biến đến người nông dân qua các kênh như nhóm Zalo, loa đài, áp-phích, tập huấn và các cuộc họp cộng đồng.

Thống kê đến tháng 12/2023 cho thấy, 34.906 nông dân đã tham gia các nhóm Zalo và được nhận bản tin.

Tương ứng với đó, khoảng hơn 200.000 người hưởng lợi trực tiếp thông qua nhóm Zalo và gián tiếp thông qua chia sẻ từ các thành viên nhóm Zalo với các nông dân khác

Báo cáo từ các tỉnh cho thấy bản tin thời tiết nông vụ đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người nông dân. Bản tin mùa giúp họ xác định thời điểm xuống giống phù hợp và lập kế hoạch thời vụ hợp lý. Bản tin tháng và 10 ngày cung cấp những khuyến nghị canh tác cập nhật và cụ thể cho giai đoạn sinh trưởng của cây trồng tương ứng với thời điểm khuyến cáo.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, chuyên viên Cục Trồng trọt, chia sẻ: "Việc cung cấp thông tin thời tiết và khuyến cáo đi kèm không chỉ giúp người nông dân quyết định thời điểm và phương pháp canh tác, mà còn giúp họ giảm số lần phun thuốc trừ sâu/bệnh hại, giảm lượng phân bón sử dụng, và hạn chế thiệt hại do thời tiết và sâu bệnh gây ra.” Một khảo sát độc lập của CIAT tại Tiền Giang cho thấy việc áp dụng bản tin góp phần làm tăng năng suất và doanh thu từ trồng lúa, với năng suất lúa tăng bình quân 266 kg/ha và doanh thu bình quân 1,83 triệu đồng/ha.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định, quá trình triển khai bản tin thời tiết nông vụ cũng đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định, quá trình triển khai bản tin thời tiết nông vụ cũng đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Các vấn đề chính bao gồm thiếu thông tin dữ liệu đầu vào, năng lực dự báo thời tiết, nguồn nhân lực thực hiện và đặc biệt là thiếu nguồn ngân sách, cơ chế chính sách và hướng dẫn về dịch vụ khí hậu nông nghiệp để triển khai xây dựng và phổ biến bản tin.

Đại diện tỉnh An Giang chia sẻ: "Trong quá trình triển khai bản tin, chúng tôi gặp phải một số khó khăn, bao gồm thiếu nguồn lực, khó khăn trong việc giải thích thuật ngữ khí tượng thủy văn cho bà con. Chúng tôi nghĩ rằng, nên có thêm các buổi tập huấn để cải thiện chuyên môn và kỹ năng sản xuất bản tin của các cán bộ trong tổ kỹ thuật. Ngoài ra, cần tăng cường sự hợp tác giữa các cấp, các ngành để bảo đảm bản tin được phổ biến rộng rãi, nhiều người tiếp cận và sử dụng hơn."

Tại hội thảo, ông Kees Swaans, Trưởng nhóm Hành động khí hậu của CIAT và ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đã tuyên dương và khích lệ các tỉnh xây dựng các bản tin thời tiết nông vụ tốt nhất dựa trên bình chọn của người tham gia. Điều này là một dấu mốc công nhận sự nỗ lực và tạo động lực để các tỉnh tiếp tục phát triển và cải tiến bản tin ngày càng hiệu quả hơn, đặc biệt là các tỉnh mới triển khai nhân rộng trong năm 2023.

Trong thời gian sắp tới, CIAT sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để cải thiện chất lượng và nhân rộng bản tin thời tiết nông vụ.

Ông Kees Swaans nhấn mạnh, việc tiến hành số hóa sẽ góp phần tối ưu hóa quy trình sản xuất bản tin, tiết kiệm thời gian và nhân lực, đồng thời chuẩn hóa chất lượng bản tin. “Chúng tôi định hướng đẩy mạnh sự tương tác hai chiều với người dân trên các nền tảng số, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương, và hướng tới mục tiêu phổ biến các khuyến nghị nông nghiệp giúp giảm phát thải, nâng cao dinh dưỡng và bảo tồn nông nghiệp đến các nông dân đã và đang hưởng lợi từ dự án. CIAT tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ và hợp tác từ các bên liên quan, bản tin thời tiết nông vụ có thể mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân và góp phần vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, ông Kees Swaans nói.

Sáng kiến AMD là Sáng kiến về Bảo vệ hệ thống lương thực tại các vùng đồng bằng lớn của châu Á để bảo đảm sinh kế và thích ứng với khí hậu, nhằm hỗ trợ các vùng đồng bằng có khả năng phục hồi một cách toàn diện và hiệu quả.

Hợp phần 3 của AMD “Giảm thiểu rủi ro chuỗi giá trị hướng đến đồng bằng” nhằm mục đích giảm rủi ro khí hậu giữa các hộ sản xuất nhỏ (bao gồm cả phụ nữ và thanh niên) và tạo điều kiện đầu tư vào chuỗi giá trị đồng bằng thông qua các dịch vụ bổ sung và tư vấn khí hậu kỹ thuật số (DCAS+).