Ổn định kinh tế vĩ mô sẽ giúp kiểm soát lạm phát hiệu quả

NDO -

Báo cáo tổng hợp về tình hình giá cả thị trường và các biện pháp bình ổn giá trước và trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 của Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 1 nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết; giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới... Đây là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,19% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 1/2022 tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tháng 1/2022 tăng 0,66%.

Người dân mua sắm hàng hóa thiết yếu tại Siêu thị Co.opmart. (Ảnh: HOÀNG LIÊM)
Người dân mua sắm hàng hóa thiết yếu tại Siêu thị Co.opmart. (Ảnh: HOÀNG LIÊM)

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước bao gồm: nhóm Giao thông tăng cao nhất 1,18% (chủ yếu do giá xăng dầu tăng theo giá thế giới); nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 0,57% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng trong dịp Tết; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,39% tập trung ở giá nhóm đồ trang sức tăng 0,93% theo giá vàng trong nước; dịch vụ cắt tóc gội đầu tăng 1,22%; giá các mặt hàng thờ cúng tăng 0,28%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,26% do nhu cầu mua sắm quần áo chuẩn bị Tết Nguyên đán Nhâm Dần tăng; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,18% chủ yếu tập trung ở các mặt hàng mua sắm Tết các đồ điện tử, vật dụng gia đình. Nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,16%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,07%; Thuốc và Dịch vụ y tế tăng 0,03%; Giáo dục tăng 0,03%.

Riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá ổn định (trong đó chỉ số giá lương thực tăng 0,08%, chỉ số giá Thực phẩm giảm 0,09%; chỉ số giá Ăn uống ngoài gia đình tăng 0,18%). Nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,03%.

Về diễn biến giá cả thị trường, Bộ Tài chính đánh giá, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 diễn ra vào thời điểm cuối tháng 1, đầu tháng 2 dương lịch là cao điểm cho chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động theo quy luật hằng năm. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên các hoạt động sản xuất, dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết vẫn diễn ra tương đối nhộn nhịp trước Tết. Lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân. Bên cạnh các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn tiếp tục là những địa điểm thu hút người tiêu dùng do tạo sự yên tâm cho người mua về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn. Các địa phương cũng đã chủ động trong công tác quản lý giá thị trường, ban hành kế hoạch, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo quy luật hằng năm, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng bắt đầu tăng cao hơn vào ngày 23 tháng Chạp (Tết ông Công ông Táo) và sức mua tiếp tục tăng trong những ngày cận Tết. Theo báo cáo tại một số thành phố lớn (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ...) tại các chợ truyền thống, sức mua tăng từ 5-10% so ngày thường, đặc biệt trong ngày 27-29 âm lịch sức mua tăng mạnh từ 20%-30% tại các chợ lẻ do đây là thời điểm bắt đầu nghỉ Tết; đối với hệ thống siêu thị tăng 20%-25% so với ngày thường cùng với nhiều chương trình khuyến mại giảm giá của nhiều doanh nghiệp. Tuy vậy, lượng tăng sức mua nói chung vẫn thấp hơn so với quy luật nhiều năm do những ảnh hưởng chung của dịch bệnh đến tình hình kinh tế xã hội làm giảm thu nhập của người dân.

Sang những ngày đầu năm mới, nhu cầu mua hàng hóa không cao do người dân đã mua sắm đủ trước Tết. Tại các chợ đầu mối, lượng hàng nhập chợ khoảng 42%-50% so ngày thường; giá các mặt hàng đa số đã trở về mức giá ngày thường nhiều gian hàng đã kinh doanh buôn bán trở lại, hàng hóa dồi dào, tuy nhiên sức bán vẫn chậm và giảm 25%-35% so năm ngoái do ảnh hưởng dịch bệnh. Nhiều siêu thị đã thực hiện đóng cửa muộn và mở cửa sớm trong tuần lễ mua sắm Tết cao điểm, một số siêu thị mở cửa xuyên Tết (Aeon Mall hay chuỗi hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K). Hầu hết các chợ, siêu thị đều chỉ đóng cửa vào ngày mùng 1 và mở cửa rải rác từ ngày mùng 2 đến mùng 4 Tết (Saigon Co.op mở cửa vào mùng 2, Hapromart, Winmart mở cửa từ sáng mùng 4).

Ngày mùng 4 Tết, hầu hết các chợ truyền thống, siêu thị đều đã mở cửa trở lại để để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân, nhiều cửa hàng nhỏ cũng dần mở cửa để bán “lấy ngày” đầu năm, hoạt động mua bán hầu như trở về bình thường, nhu cầu tiêu dùng chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống thủy hải sản, rau củ quả tươi, hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đó, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, dịch vụ trông giữ xe chịu ảnh hưởng nhất định từ tình hình dịch bệnh.

Qua theo dõi, nắm bắt diễn biến giá cả thị trường tại các địa phương cho thấy, về cơ bản diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng tiêu dùng những ngày trước, trong và sau Tết không có biến động bất thường, một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tăng theo quy luật hoặc theo diễn biến giá thế giới.

Đối với công tác quản lý, điều hành, bình ổn thị trường trong dịp Tết, Bộ Tài chính cũng cho biết, để tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính đã chỉ đạo toàn ngành Tài chính tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; Trong đó, giao nhiệm vụ trọng tâm là phải tăng cường công tác theo dõi sát biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có các biện pháp quản lý, điều hành phù hợp, đi đôi với đó là đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết.

Trên cơ sở đó, trong thời gian nghỉ Tết đã thành lập kênh thông tin báo cáo hằng ngày giữa các Sở Tài chính với Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) để kịp thời cập nhật đầy đủ các diễn biến của giá cả thị trường. Tính từ ngày 31-1 đến ngày 4-2, Bộ Tài chính đã báo cáo nhanh hằng ngày Tết, kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thông tấn báo chí, ổn định tâm lý người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ chủ động trong công tác tổ chức, triển khai các nhiệm vụ quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường, nắm bắt tình hình thực hiện công tác quản lý, bình ổn giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại; chủ động tổ chức công tác kiểm tra nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại một số địa phương bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Bộ Tài chính cũng dự báo và kiến nghị biện pháp quản lý, bình ổn giá sau Tết và cả năm 2022. Theo đó, sẽ có một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết như giá các mặt hàng xăng dầu và LPG đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới, gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất. Bên cạnh đó, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế cũng sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá cả.

Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố chính giảm áp lực lên mặt bằng giá như nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của người dân nên giá cả dự kiến không có nhiều biến động, sớm trở lại bình thường sau Tết; giá các dịch vụ viễn thông, bưu chính cơ bản giữ giá ổn định, hoặc triển khai chương trình giảm giá cho một số khách hàng. Ngoài ra, thực hiện chủ trương chung phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương cũng hạn chế tổ chức các hoạt động lễ hội vui chơi ngày Tết và các lễ hội đầu năm; do đó, các dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, vui chơi, đi lại sẽ không có diễn biến bất thường về giá.

Đồng thời từ ngày 1/2/2022, thuế VAT của nhiều hàng hóa, dịch vụ giảm từ mức 10% xuống còn 8% theo quy định chính sách miễn, giảm thuế, từ đó cũng góp phần giảm áp lực lên mặt bằng giá. Bên cạnh đó, kinh nghiệm và sự kiên định trong chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Quốc hội, Chính phủ trong những năm qua và thời gian tới giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị một số biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá sau Tết và cả năm 2022, trong đó đề xuất tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý khi điều kiện cho phép và đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trình Quốc hội xem xét cho ý kiến vào dự thảo Luật giá sửa đổi.