Doanh nhân chung tay góp sức chống dịch Covid-19

NDO -

Trong các cuộc kháng chiến, kiến quốc, giới công thương luôn nhiệt thành ủng hộ rất lớn về vật chất và tinh thần, góp sức giúp đất nước vượt qua những khó khăn. Thế hệ doanh nhân hôm nay tiếp tục dấy lên truyền thống, nỗ lực đưa đất nước vượt qua đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi sản xuất.

Vinamilk đồng hành với cuộc chiến chống dịch với nhiều hành động thiết thực.
Vinamilk đồng hành với cuộc chiến chống dịch với nhiều hành động thiết thực.

Khát vọng hùng cường từ lực lượng doanh nhân

Khi đất nước còn trong gian khó, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hành trình đưa đất nước Việt Nam non trẻ vượt qua khó khăn giai đoạn đầu thành lập đã đặc biệt coi trọng vai trò của giới doanh nghiệp. Chỉ sau hơn hai tuần sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, vào ngày 18-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian để gặp gỡ giới doanh nghiệp và doanh nhân nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ đối với việc khôi phục, phát triển kinh tế đất nước. Sau cuộc gặp này, Chính phủ Hồ Chí Minh được giới công thương Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung ủng hộ rất lớn về vật chất, qua đó giảm bớt khó khăn về tài chính cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Dấy lên tinh thần doanh nhân kháng dịch -0
 Doanh nhân xưa quyên góp ủng hộ đất nước - Ảnh tư liệu.

Tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của giới công - thương, ngày 13-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công - thương (doanh nhân, doanh nghiệp ngày nay) Việt Nam. Trong thư, người nhấn mạnh, nhiệm vụ của giới công - thương trong các giai tầng xã hội ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công - thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Đặc biệt, người chỉ rõ: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công - thương trong công cuộc kiến thiết...”. 

Sự coi trọng đặc biệt của người đứng đầu nhà nước, cùng những hỗ trợ kịp thời của nhà nước trong thời điểm đó đã không chỉ vun đúc, tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế nhà nước, mà còn nhận được sự hồi đáp tận tâm là sự đóng góp cả công của lẫn sức lực của giới doanh nhân cho nhà nước còn non trẻ. Điển hình là gia đình thương nhân Trịnh Văn Bô, chủ tiệm vải Trịnh Phúc Lợi, số 48 Hàng Ngang, nổi tiếng Hà thành thời đó đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ. Ngoài ra, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô còn là thành viên cốt cán trong Ban vận động Tuần lễ vàng, khích lệ giới công thương và các tầng lớp nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370 kg vàng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã ở, làm việc tại số nhà 48 Hàng Ngang và cho ra đời bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. 

Hoặc, vào năm 1943, ông Đỗ Đình Thiện, một doanh nhân Hà Nội đã ủng hộ 3 vạn đồng Đông Dương cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng sau khi đồng chí vượt ngục ở nhà tù Sơn La. Đầu năm 1945, ông bà lại nhờ ông Vũ Đình Huỳnh chuyển tới ông Nguyễn Lương Bằng 10 vạn đồng nữa. Đầu những năm 1940, ngôi nhà ở 54 Hàng Gai trở thành “nhà khách” của các nhà cách mạng. Ngày 1-9-1945, ông bà Đỗ Đình Thiện đã giúp 10 triệu đồng để Chính phủ mới chi dùng. Trong “Tuần lễ vàng” gia đình ông Đỗ Đình Thiện đóng góp 100 lạng vàng. 

Riêng vụ lúa thu 1946-1947, ông bà ủng hộ Vệ quốc đoàn Chiến khu II 200 tấn thóc để nuôi quân. Ông bà Thiện còn mua lại nhà in To-panh rồi hiến cho Chính phủ. Tờ giấy bạc 100 đồng Việt Nam được in tại đồn điền Chi Nê khi nhà máy in chuyển lên đây. Sau này, ông bà Đỗ Đình Thiện còn ủng hộ một nửa cổ phần để thành lập Việt Nam công thương Ngân hàng (tiền thân của Ngân hàng quốc gia Việt Nam).

“Tiếp lửa” cho mục tiêu 150 triệu liều vaccine

Những ngày này, tinh thần doanh nhân Việt Nam tiếp tục được “thắp lửa” khắp nơi khi đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. 

Khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đưa ra là không chỉ phòng, mà còn phải đấu tranh với đại dịch. Theo đó, Việt Nam cần có 150 triệu liều vaccine để tiêm cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng kinh phí hơn 25 nghìn tỷ đồng, con số không hề nhỏ trong bối cảnh dịch bệnh đang khó khăn như hiện nay. Cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp đang chung tay cho mục tiêu 150 triệu liều vaccine bằng nhiều giải pháp thiết thực.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã lập tức ủng hộ 10 tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng Covid-19, chung tay cùng các cá nhân, tổ chức và cộng đồng đưa vaccine nhanh chóng đến với người dân Việt Nam. Từ khi dịch bùng phát, Vinamilk đã ủng hộ ngân sách tổng cộng hơn 65 tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống dịch của Chính phủ và hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, chăm sóc dinh dưỡng cho cộng đồng trong đại dịch.

Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Điều hành Nhân sự, Hành chính, Đối ngoại Vinamilk chia sẻ: “Điều này thể hiện trách nhiệm của Vinamilk với cộng đồng nói chung và người lao động của công ty nói riêng trong cuộc chiến chống dịch của cả nước. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ nhanh chóng của các bộ ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Y tế, cùng với sự đồng thuận của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các cá nhân, các nhà hảo tâm trên cả nước, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ sớm vượt qua đại dịch và tất cả người dân đều được quay trở lại với cuộc sống bình thường, cùng phát triển kinh tế, xã hội”.

Ngày 9-6, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tiếp tục ủng hộ 20 tỷ đồng tiền mặt hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ làm công tác lấy mẫu xét nghiệm và các lực lượng phòng chống dịch bệnh tại cơ sở. 

Dấy lên tinh thần doanh nhân kháng dịch -0
 

Đại diện Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc chia sẻ:“Chúng tôi hiểu rằng chỉ có thể góp một phần nhỏ trong công cuộc chống dịch nhưng việc có thể vận động, gắn kết các doanh nghiệp cùng chung tay là mục tiêu mà chúng tôi hướng đến. Đóng góp vào quỹ vaccine là giải pháp căn cơ nhưng việc góp sức để hỗ trợ cho tuyến đầu là công tác thiết yếu nhất trong thời điểm này”.

Năm 2020, VTP đã tài trợ 2.000 máy thở theo dự án MV20 cho Chính phủ Việt Nam để bảo đảm trang thiết bị y tế trong việc phòng, chống và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 gây ra tại thời điểm thế giới gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng. Đến tháng 5, VTP tiếp tục tài trợ 1.450 tỷ đồng ủng hộ kinh phí mua vaccine phòng dịch Covid-19. Không dừng ở đó, VTP chung tay tiếp sức với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp khác đóng góp gần 600 tỷ đồng tiền mặt và hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch thông qua các hoạt động thiết thực như trao tặng trang thiết bị vật tư y tế, thực phẩm tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19.

Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều doanh nghiệp, giới doanh nhân Việt Nam đã và đang tích cực góp phần cho cuộc chiến chống Covid-19 bằng những hoạt động thiết thực. Tính đến ngày 6-6, các tổ chức và cá nhân tham gia đóng góp vào Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 với tổng số tiền khoảng 5.666,66 tỷ đồng, gồm 1.299 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi ra đồng) và 4.367,66 tỷ đồng (nhà tài trợ đã cam kết nhưng chưa chuyển tiền). Trong đó có nhiều doanh nghiệp đóng góp hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ, trước cơn “cuồng phong” của dịch Covid-19, sự “chia lửa” của doanh nghiệp với Chính phủ và đất nước rõ ràng đang thể hiện và phát huy mạnh mẽ truyền thống nhân văn, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, xã hội của doanh nghiệp Việt Nam, thứ truyền thống đã in sâu trong nhiều thế hệ doanh nhân Việt Nam.

Sự truyền lửa trong lớp lớp thế hệ doanh nhân Việt đã trở thành truyền thống cho những thế hệ doanh nhân sau này. Những con số vài chục, vài trăm tỷ từ những doanh nghiệp lớn không chỉ thể hiện sự chung sức, đồng lòng của doanh nhân, mà còn tạo sức lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước. Từ đó ngày càng hiện thực hóa mục tiêu 150 triệu liều vaccine cho người dân. 

Ông Tô Hoài Nam cũng khẳng định, sự đóng góp của khối doanh nhân còn là sự hồi đáp với những nỗ lực của Chính phủ để giữ môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, dù dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ. Theo đó, từ khi dịch bùng phát, Chính phủ đã lựa chọn khó khăn nhất đó là thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Kiên định với mục tiêu này, ngoài thúc đẩy, hỗ trợ lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch, Chính phủ đặc biệt coi trọng và luôn có các biện pháp giãn cách phù hợp, cũng như đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động nhằm hạn chế thấp nhất sự đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh, chuỗi cung ứng cho cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, khi dịch diễn biến phức tạp, Chính phủ luôn dành những ưu tiên phòng chống dịch cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, người lao động. Chính sự quan tâm của Chính phủ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh đã củng cố và tạo dựng niềm tin rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp và tăng trách nhiệm, vai trò của doanh nghiệp đối với đất nước. “Vì vậy, sự tương hỗ của doanh nghiệp là hết sức logic, phù hợp và không ngừng được vun đắp, phát triển trong thời điểm khó khăn, “nước sôi lửa bỏng” và trước các biến động của đời sống kinh tế, xã hội”, ông Nam khẳng định.

Đánh giá cao sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam, TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, việc huy động các nguồn lực để nâng cao khả năng tiếp cận vaccine Covid-19 của Chính phủ Việt Nam rất kịp thời, phù hợp với sáng kiến vaccine toàn cầu. Chính phủ Việt Nam rất nỗ lực để huy động nguồn lực từ ngân sách nhưng thực tế vẫn cần nhiều nguồn lực hơn nữa. Việc Chính phủ quản lý và sử dụng công bằng, hiệu quả nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp tư nhân sẽ mang lại giá trị mới cho chiến lược ứng phó với Covid-19. Chính sự đoàn kết này sẽ giúp Việt Nam chấm dứt đại dịch. Hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục là một ví dụ cho cách tiếp cận toàn dân trong việc kết thúc đại dịch.