Mùa lễ hội 2014 sắp gõ cửa với nhiều… phấp phỏng! Ngành văn hóa vừa cảnh báo vài biểu hiện tiêu cực mới trong lễ hội năm qua như làm giả hòm công đức, bán – đổi tiền lẻ giá cao, bày bán nhiều đồ chơi bạo lực như dao, kiếm, súng… Đương nhiên, bên cạnh vài hiện tượng xấu được cho là mới và lẻ tẻ vừa được chỉ ra, còn có hàng loạt tiêu cực tồn đọng, vẫn tái diễn những năm qua, vào mỗi dịp lễ hội, nhất là mùa lễ hội truyền thống tập trung dày đặc suốt mấy tháng xuân. Cho đến hôm nay, người ta đã… quen mắt với những cảnh này. Và liệu có quen đến mức gần như cho rằng đó là hiển nhiên?
Những tồn tại, tiêu cực cả về nguyên nhân lẫn hậu quả, có thể bước đầu vạch ra như dưới đây:
Sự vô ý thức, kém văn minh trong rất đông khách thập phương đi hội, đi lễ khiến cho tiền lẻ vẫn được đặt, cài, nhét, rải, thả… ở nhiều vị trí trong nội thất, khuôn viên di tích mà Văn miếu Quốc Tử Giám – Hà Nội chỉ là một trong số những điểm ấy; rác vẫn vứt bừa như ngay ở trên núi Lim – nơi được coi là khu vực trung tâm của hội Lim – Tiên Du, Bắc Ninh, và vàng mã vẫn đốt bừa bãi như ở ngay giữa sân chùa Hồng Ân trên núi Lim, dù cho ngôi chùa này đã được trùng tu, tôn tạo trông rất bề thế. Đáng chú ý là ở những địa điểm vừa kể, những hình ảnh nêu trên xuất hiện nhiều lần qua nhiều năm, hầu như không thay đổi.
![]() |
Cảnh đông đúc, chen lấn ở chùa Hương mỗi khi vào mùa lễ hội.
Ở nhiều “điểm nóng” khác như khu vực chùa Hương, đền Sóc – Hà Nội, chùa Bái Đính – Ninh Bình, đền Trần – Nam Định, chùa Keo – Thái Bình, núi Bà Đen – Tây Ninh…, dư luận trong năm 2013 cũng phản ánh nhiều cảnh không đẹp, nhiều chuyện chướng tai gai mắt.
Sự tắc trách, có khi đến mức bàng quan của đội ngũ có nhiệm vụ tổ chức, quản lý, kiểm tra tại các lễ hội, vẫn trở thành cánh cửa mở cho dịch vụ trông xe, hàng ăn, quán cóc vừa mất vệ sinh vừa xâm chiếm các vỉa hè, xâm lấn nhiều địa điểm ngay trong khuôn viên di tích, làm xấu và nhếch nhác diện mạo trang nghiêm của chốn thờ tự, hành lễ linh thiêng; rồi lạm phát hòm công đức; rồi những hoạt động nặng tính mê tín dị đoan vẫn không bị dẹp bỏ; và hệ thống thùng rác, nhà vệ sinh vẫn quá hạn chế về số lượng, chất lượng để đáp ứng nhu cầu khổng lồ của khách thập phương, khiến cho cứ nhắc đến lễ hội là nguy cơ ô nhiễm môi trường được nêu lên tức thì.
![]() |
Cáp treo chùa Hương năm nào cũng quá tải.
Những hạn chế về năng lực tổ chức sự kiện, hoạt động văn hóa, lễ hội của đội ngũ cán bộ, nhân viên, nhân sự chủ chốt tại các lễ hội, khiến cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật thiếu sự cuốn hút, các chương trình lễ hội không thay đổi qua nhiều năm; và cảnh quan thiên nhiên, di tích trong lễ hội không được tôn trọng, không được khai thác khéo léo để tôn thêm vẻ đẹp của lễ hội. Ví dụ như những con đường nhựa phẳng phiu chạy xung quanh núi Nghĩa Lĩnh dẫn lên cổng đền Hùng – Phú Thọ, tiếc rằng không phải là nơi cắm nhiều cờ hội, cờ tổ quốc hay trang trí những hình ảnh tôn vinh lịch sử, tôn vinh danh nhân hay truyền thống, phong tục tập quán địa phương. Trong lễ hội năm qua, vỉa hè những con đường này chen chúc các ki ốt bán hàng.
Và sự phấp phỏng về mùa hội hè lễ lạt sắp tới cũng trở nên không còn xa lạ khi mỗi năm vào mùa, tiêu cực lại tái sinh. Mặc dù trước đó, cũng đều đặn hàng năm, công tác tổ chức, quản lý lễ hội lại được rút kinh nghiệm, các văn bản chỉ đạo và giải pháp lại được phát ra. Phải chăng “bệnh hiểm” chưa gặp được “thuốc hay”, hoặc “thuốc hay” chưa được “điều chế”?
Nội dung, chất lượng lễ hội ở các địa bàn cơ sở được quyết định rất nhiều bởi đội ngũ cán bộ, lực lượng ở địa phương và các vị trụ trì, trông coi, bảo vệ các di tích, danh thắng. Đây là những người trực tiếp đứng ra chỉ đạo, tổ chức, giúp đỡ nhân dân duy trì và tham gia lễ hội. Vậy bao năm qua, đội ngũ này đã được “bồi bổ” những gì về kỹ năng, nghiệp vụ chuyên về lễ hội, để thực hiện tốt vai trò của những người “sâu sát trong quần chúng”? Họ phải là những người cùng với người dân thiết kế được những kịch bản, chương trình hay, giúp đỡ người dân lập những kế hoạch tổ chức và duy trì việc vận hành lễ hội văn minh, thanh lịch, trong sạch, và thực hiện công tác kiểm tra, xử lý sao cho nghiêm minh.
![]() |
Hóa vàng ngay sân chùa Hồng Ân, hội Lim.
Trong công tác chuẩn bị cho lễ hội về các điều kiện vật chất như hệ thống cờ quạt, âm thanh, phông bạt, biển, bảng…, liệu các ban tổ chức có tranh thủ các chuyên gia hay những người vững về chuyên môn để có những nghiên cứu, tính toán, sắp đặt phù hợp với không gian, cảnh quan lễ hội? Hay trở đi trở lại ở nhiều lễ hội vẫn là những chiếc cổng phao lòe loẹt, có hai con rông “con con” trông như đồ chơi ở trên, rồi vài quả “khinh khí cầu” lơ lửng, dăm dãy lều bạt thô cứng?
Trong các lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật được coi là lớn của một tỉnh, thành, lực lượng nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên quần chúng của địa phương được coi trọng ở mức nào? Hay xu thế chung là quá tín nhiệm một vài ê kíp sáng tạo, dàn dựng và đội ngũ nghệ sĩ từ trung ương, để rồi nhiều chương trình biểu diễn chỉ na ná một màu, chỉ hao hao nhau về kịch bản, dàn dựng, mà không làm nổi bật được những nét đặc sắc của lễ hội, của truyền thống văn hóa địa phương sở tại?
![]() |
Rải tiền lẻ ở khu vực bia đá Văn Miếu.
Và đã đến lúc ngành văn hóa nghĩ đến việc khuyến khích các địa phương sáng tạo những hoạt động, chương trình, tiết mục mới. Sản phẩm văn hóa, nghệ thuật được sáng tác, dàn dựng bằng sự khai thác vốn cổ địa phương, kết hợp với những ý tưởng mới lạ, sẽ làm tăng thêm sự phong phú tại các lễ hội và tạo cho lễ hội những dấu ấn, đặc trưng riêng trong đời sống hiện đại. Tất nhiên, những gò ép khiên cưỡng, những áp đặt thô thiển, đề cao chuyên nghiệp hóa, sân khấu hóa, nặng về minh họa…, thì sẽ chỉ làm cho lễ hội méo mó thêm và càng phai nhạt bản sắc. Những sáng tạo mới cần dựa trên cơ sở nghiên cứu, tôn trọng và áp dụng những nét đặc trưng văn hóa, đặc thù trong phong tục tập quán tại địa phương. Đó là một trong những cách phát huy, phát triển thông minh từ vốn liếng quý báu mà truyền thống đã để lại.
Ngay cả những bảng hỏi để thăm dò, tiếp nhận ý kiến phản biện của khách thập phương đi lễ, đi hội về chất lượng các chương trình, tiết mục nghệ thuật, về hiệu quả bài trí, trang trí, về chất lượng vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, về an ninh trật tự, cùng những điều phàn nàn…, chắc cũng chưa có ban tổ chức lễ hội nào nghĩ đến, để cứ mỗi năm sau khi tổng hợp ý kiến công chúng và rút kinh nghiệm, việc tổ chức lần sau sẽ được tốt hơn, chu đáo hơn?
Mùa lễ hội sắp mở màn, liệu trên báo chí, truyền hình mấy ngày đầu xuân, có… lại như các năm trước, nở rộ những hình ảnh, những loạt bài, những phóng sự phản ánh, phê phán hàng loạt tiêu cực lễ hội đang sống dậy? Chúng có thể sống mạnh khỏe, thậm chí… “nghênh ngang”, bởi đã được chính sự vô ý thức, thiếu hiểu biết, vụ lợi, tắc trách… là những nguồn “thức ăn” nuôi dưỡng.