Nhận diện những tác động tiêu cực của in-tơ-nét đối với giới trẻ

Ngày nay, in-tơ-nét cũng như các phương tiện truyền thông công nghệ cao khác đã và đang có vai trò quan trọng trong đời sống của con người. Tuy nhiên, bên cạnh đó, in-tơ-nét cũng  tiềm ẩn nhiều mối đe dọa, đặc biệt đối với thanh niên,  thiếu niên.

Có nhiều tranh luận về các phương pháp hạn chế tác hại xấu của in-tơ-nét, đặc biệt có nhiều giải pháp không sát với thực tế được đưa ra như hạn chế sử dụng, coi in-tơ-nét là môi trường xấu,... Ðể nhận dạng và phòng ngừa những hiểm họa tiềm ẩn trên in-tơ-nét đối với thanh, thiếu niên, cần nắm rõ được bản chất của in-tơ-nét là một môi trường kết nối mở, cho phép tạo ra môi trường giao tiếp không phụ thuộc không gian và thời gian. Bản thân in-tơ-nét  không tạo ra cái xấu, chỉ là một môi trường. Tuy nhiên nó không chỉ là môi trường cho cái tốt phát triển mà cho cả những cái xấu, nếu người tham gia, tiếp nhận không tỉnh táo, nhạy bén và bản lĩnh. Do đặc điểm không bị hạn chế bởi không gian và thời gian nên in-tơ-nét cho phép con người tiếp cận thông tin và giao lưu với nhau một cách nhanh chóng và dễ dàng. Sự phát triển nhanh hơn của khoa học - công nghệ so với giáo dục về phương thức giao tiếp xã hội có lẽ là nguyên nhân dẫn đến các tác hại xấu của in-tơ-nét đối với thanh, thiếu niên.

Có thể kể ra một số hiểm họa trên in-tơ-nét như sau: Các trò chơi bạo lực, các trang web đen, tuyên truyền phản động gây bất lợi nhằm chống phá Ðảng và Nhà nước XHCN; các bài viết, các thông tin phạm pháp, không chính thống, không đúng thực tế... Ðể tìm ra các nội dung này không khó và kể cả khi không muốn, chúng ta cũng có thể vô tình gặp phải những nội dung nêu trên. Ðáng chú ý, các nội dung không phù hợp này có ảnh hưởng tiêu cực đối với thế hệ trẻ và nguy hiểm hơn khi nó diễn ra trong giai đoạn hình thành nhân cách. Hiện tượng nghiện in-tơ-nét, nghiện truy cập mạng có thể phá hỏng các mối quan hệ cũng như não bộ của thanh, thiếu niên.

Trong những năm qua, không ít nhà khoa học lên tiếng cảnh báo thanh, thiếu niên đang dành quá nhiều thời gian vào việc tham gia cộng đồng mạng, và việc giao tiếp xã hội ảo có thể kéo dài, tác hại cho đến khi trưởng thành. Theo một số nhà khoa học quốc tế, có bốn triệu chứng nghiện in-tơ-nét là: quên thời gian, sao nhãng ăn uống và ngủ; tức giận, căng thẳng, bồn chồn khi không thể lên mạng; cần trang bị máy tính mạnh hơn, nhiều phần mềm mới; biểu hiện trầm cảm, hay cáu giận và tách biệt với xã hội. Trong khi online, việc kết bạn với những đối tượng giả vờ cùng lứa tuổi, cùng hoàn cảnh là mối đe dọa mà các bậc phụ huynh lo lắng nhất. Bởi in-tơ-nét tạo điều kiện cho mọi người ẩn, nghĩa là người sử dụng ít khả năng bị nhận dạng khi họ lên mạng. Sử dụng các diễn đàn, các trang mạng xã hội, các hệ thống trò chuyện trực tuyến, nhiều đối tượng có thể giả làm thanh niên, thiếu niên để kết bạn, trò chuyện để đạt được nhiều mục tiêu xấu sau đó...

Ðể có thể hạn chế được tác hại xấu của môi trường mạng đối với thanh, thiếu niên Việt Nam, cần có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và xã hội. Ðể có thể tiếp nhận và hòa nhập với thế giới online rộng mở, điều quan trọng là phải tạo cho mỗi người trẻ có "sức đề kháng" với những ẩn họa từ in-tơ-nét. Ngoài ra, cần phải có sự cân bằng giữa những nhu cầu phát triển khác trong cuộc sống với nhu cầu trực tuyến. Trước hết, cần giáo dục để thanh, thiếu niên biết được những hiểm họa có thể gặp phải và những dấu hiệu nhận biết khi tham gia online. Cha mẹ phải là chỗ dựa để lớp trẻ có thể nói chuyện, trao đổi và tìm ra cách giải quyết những vấn đề gặp phải khi tham gia cộng đồng mạng. Nên khuyến khích các bạn trẻ chỉ giao tiếp trên mạng với những người mà họ thật sự quen biết, thí dụ như bạn cùng lớp... Và phải bảo đảm  chắc chắn rằng, thanh,  thiếu niên sẽ không hẹn gặp các "bạn" mới quen trên mạng.

Cha mẹ nên để ý, quan tâm con em mình khi họ vào mạng. Một trong những phương pháp là để máy tính ở trong phòng sử dụng chung cho cả gia đình. Nâng cao tinh thần cảnh giác cho các bạn trẻ khi sử dụng in-tơ-nét. Nhà trường và gia đình nên hướng dẫn cho học sinh một số nguyên tắc bảo mật khi online:  cách nhận biết các thư lừa đảo; không cung cấp thông tin cá nhân cho những người mới quen; không mua hàng trên mạng nếu không biết rõ nguồn gốc; không nhấn vào đường dẫn trong những thư điện tử nhận được. Bên cạnh đó, tạo các sân chơi thật để xây dựng những đam mê khác lành mạnh trong cuộc sống cho thanh, thiếu niên. Tạo thêm nhiều diễn đàn, trang thông tin chính thống cho tuổi trẻ, thiết kế các trò chơi với các chức năng giao lưu xã hội hạn chế và được giám sát chặt chẽ.

PGS, TS BÙI THẾ DUY

Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

Có thể bạn quan tâm