Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh: Hiện nay, việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức EPC dần trở nên phổ biến, nhất là những dự án có yêu cầu về công nghệ cao, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, nhà thầu và chủ đầu tư. Tuy nhiên, việc quản lý các dự án đầu tư còn nhiều bất cập khiến các dự án EPC chưa thực sự phát huy được các lợi ích vốn có của hình thức đầu tư này.
Kiểm toán nhà nước đã nhận diện 5 điểm hạn chế trong các dự án EPC: Cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện theo mô hình EPC còn bất cập, thiếu các quy định về điều kiện để dự án đầu tư được thực hiện. Nhiều nhà thầu trong nước còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý hợp đồng EPC, nhất là đối với các dự án mới, công nghệ cao. Nhiều dự án không bảo đảm tiến độ, chi phí hợp đồng phát sinh tăng, không hoàn thành dự án, không thanh quyết toán được hợp đồng. Một số dự án EPC do tổng thầu nước ngoài thực hiện rơi vào tình trạng phụ thuộc công nghệ nước ngoài, không phát triển được sản xuất vật tư, hàng hóa trong nước. Công tác giám sát, quản lý các dự án thực hiện theo hình thức EPC của nhà nước còn hạn chế.
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Ngọc Bích) |
“Những vướng mắc, bất cập trên đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của dự án đầu tư thực hiện theo hình thức EPC. Ngoài ra, việc thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm tra độc lập cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả các dự án này”, Phó Tổng kiểm toán Hà Thị Mỹ Dung nhận định.
Theo ông Lê Văn Duẩn, Phó Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành V, hợp đồng EPC chủ yếu được sử dụng cho các công trình công nghiệp hiện đại ở Việt Nam. Phần lớn hợp đồng được đàm phán và ký theo hồ sơ thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư. Nhưng hai nội dung này chỉ là khái toán, độ chính xác không cao nên quá trình thực hiện hợp đồng thường nảy sinh nhiều tranh cãi về phát sinh hợp đồng liên quan đến việc viện dẫn các giải pháp thiết kế và tính toán nêu trong hồ sơ mời thầu. Đó cũng là nguyên nhân khiến tiến độ hợp đồng thường phải điều chỉnh.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng phân tích thực trạng yếu kém của các dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, 12 dự án thua lỗ ngành công thương,… và chỉ rõ những yếu kém trong các khâu lập và thẩm định phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án; khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán; công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu; đàm phán, ký hợp đồng; quản lý tiến độ; chấp hành chế độ tài chính, kế toán…
Các đại biểu đề xuất trong thời gian tới, kiểm toán nhà nước cần tiếp tục quan tâm kiểm toán đối với các dự án theo hình thức hợp đồng EPC nhằm góp phần tăng cường hiệu quả việc quản lý, sử dụng tài sản công. Đặc biệt, kiểm toán nhà nước cần kiểm toán toàn bộ dự án theo hợp đồng EPC, lưu ý thêm công tác kiểm toán hoạt động đối với dự án.
Trong thực tế, việc thực hiện theo hình thức hậu kiểm đối với dự án EPC chưa ngăn ngừa được rủi ro vì sai sót, thất thoát có thể xảy ra ngay từ bước lựa chọn Tổng thầu, thương thảo và ký hợp đồng EPC. Đối với các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài còn phải tuân thủ các điều khoản quốc tế nên sau khi đã ký kết hợp đồng, việc kiến nghị xử lý tài chính đối với các gói thầu EPC rất khó thực hiện, chủ yếu dừng ở kiến nghị về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Do đó, thay vì chỉ kiểm toán dự án đã hoàn thành, các đại biểu đề xuất kiểm toán nhà nước cần đồng hành với doanh nghiệp trong cả quá trình thực hiện dự án nhằm kịp thời phát hiện những sai sót để chấn chỉnh, tránh thất thoát, lãng phí vốn nhà nước.