Nhận diện đúng tham nhũng để trị tận gốc

Cuốn sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận diện đúng về thứ “giặc nội xâm” này để thống nhất ý chí và hành động, quyết tâm đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
Cuốn sách về phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
Cuốn sách về phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Đọc cuốn sách, chúng ta nhận thức rõ, tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực, là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực mà thời nào, quốc gia nào cũng có. Căn bệnh này đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo, đồng thời có những giải pháp ngăn chặn từ rất sớm. Nhưng trước đây, chống tham nhũng chủ yếu đánh vào các hành vi tham ô, nhận hối lộ, đưa hối lộ, làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Với kinh nghiệm đúc rút được trong quá trình trực tiếp chỉ đạo, Tổng Bí thư đã chỉ ra “diện mạo” mới của tham nhũng, không chỉ xảy ra ở khu vực nhà nước mà còn có ở các doanh nghiệp tư nhân; hành vi tham nhũng ngày càng có tổ chức, móc ngoặc với cán bộ có chức, có quyền. Các vụ xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh; các vụ án liên quan Công ty Việt Á, các “chuyến bay giải cứu” đưa công dân Việt Nam từ các vùng dịch về nước, cho thấy tính chất của tham nhũng ngày càng có tổ chức liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, phức tạp hơn, tinh vi hơn.

Tác giả cuốn sách đã chỉ ra bản chất, nguyên nhân sâu xa đẻ ra tham nhũng.

Đặc biệt là, với tư duy lý luận sắc bén và quá trình trực tiếp chỉ đạo, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn công phu, tác giả cuốn sách đã chỉ ra bản chất, nguyên nhân sâu xa đẻ ra tham nhũng. Đó là do chủ nghĩa cá nhân, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thậm chí là có trường hợp từng được vinh danh vì có nhiều đóng góp cho xã hội.

Cán bộ khi hư hỏng, suy thoái, sống vun vén cá nhân, hưởng thụ mà quên đi trách nhiệm làm “công bộc” của dân sẽ dẫn đến tham nhũng. Thấy rõ bản chất của tham nhũng, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: “Vì vậy phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức mới có thể phòng, chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc tình trạng tham nhũng” (trang 19). Đó cũng là cơ sở Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để chỉ đạo cả công tác phòng, chống tham nhũng và phòng, chống tiêu cực. Có thể nói đây là một bước tiến cả trong nhận thức và hành động để đưa cuộc chiến này đi vào chiều sâu, nhằm trị tận gốc tham nhũng.

Cuốn sách của Tổng Bí thư đã đưa ra đầy đủ các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực

Trên cơ sở đó, cuốn sách của Tổng Bí thư đã đưa ra đầy đủ các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Tôi chỉ xin nhấn mạnh một giải pháp, đó là phải đổi mới quyết liệt, thực chất công tác cán bộ, nhất là việc đánh giá, bổ nhiệm và sử dụng. Như Tổng Bí thư đã nói, cái gốc của tham nhũng là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thì công tác cán bộ phải đột phá vào “điểm cốt tử” này.

Việc đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, ngoài những yếu tố khách quan thì nguyên nhân nằm ở khâu tổ chức thực hiện, nhiều nơi chưa tuân thủ nghiêm các quy trình của công tác này, vẫn còn tình trạng cánh hẩu, quen thân, lợi ích nhóm. Thiết nghĩ, trong từng khâu của công tác cán bộ, từ việc đánh giá, quy hoạch đến bổ nhiệm,… cần mở rộng đối tượng đánh giá: Đánh giá của tập thể cơ quan, đơn vị, của các tổ chức chính trị, của cán bộ chủ chốt, của tập thể lãnh đạo, của cấp ủy.

Trong đánh giá cần coi trọng cả đức và tài, mà đức là gốc; không chỉ đánh giá hiện tại mà cần xem xét cả quá trình phấn đấu, đặc biệt là phải nhận biết được khả năng phát triển của cán bộ trong tương lai. Kết quả đánh giá trước làm cơ sở cho các bước tiếp theo, bảo đảm các nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch...

Việc đánh giá cán bộ công tâm, khách quan, sẽ chọn được những người đủ đức tài, đủ điều kiện bố trí vào các vị trí công tác, cương vị lãnh đạo, quản lý xứng đáng. Đi liền với đó là công tác quản lý, giáo dục, giúp cán bộ không ngừng rèn luyện, phấn đấu thì sẽ ít có cán bộ vướng vào tham nhũng, tiêu cực.

NGUYỄN HOÀI NAM (Xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa)