Nhân dân An Giang duy trì sản xuất, ổn định đời sống góp phần vào chiến thắng biên giới Tây Nam

NDO -

Chỉ trong 12 ngày đêm chiếm đóng, quân Pôn Pốt đã giết 3.157 dân thường, gây nên cảnh tang thương, máu lửa khắp mảnh đất Ba Chúc - An Giang. Đây là một trong những minh chứng cho sự tàn bạo của Pôn Pốt đối với nhân dân Việt Nam; đồng thời khẳng định giá trị nhân văn, tính chính nghĩa và nghĩa vụ quốc tế cao cả của Quân tình nguyện Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng Cam-pu-chia khỏi chế độ diệt chủng và tái thiết đất nước. Thời điểm đó, quân và dân tỉnh An Giang vẫn duy trì sản xuất, ổn định đời sống, góp phần vào chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Toàn cảnh khu di tích lịch sử quốc gia Nhà mồ chứng tích diệt chủng của lính Pôn Pốt ở thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn (An Giang).
Toàn cảnh khu di tích lịch sử quốc gia Nhà mồ chứng tích diệt chủng của lính Pôn Pốt ở thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn (An Giang).

Chứng tích tội ác của Pôn Pốt

Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thực hiện Nghị quyết số 24 (tháng 8-1975) của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, Tỉnh uỷ An Giang ra Nghị quyết về nhiệm vụ năm 1976. Trong đó, nhấn mạnh tập trung chuyển đổi mô hình lúa một vụ thành hai vụ, lúa mùa nước nổi sáu đến bảy tháng sang lúa thần nông cao sản, ngắn ngày, khai hoang rửa phèn, đào kênh dẫn nước phục vụ sản xuất. Khi quân và dân tỉnh An Giang đang cùng cả nước bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, thì tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêng Xari tiến hành các hoạt động gây hấn một số điểm ở biên giới và hải đảo thuộc tỉnh Long Châu Hà (nay là TP Long Xuyên, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang và TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Chúng liên tục dùng súng cối 60, 80 và 120mm bắn hàng trăm quả đạn vào xã An Phú, huyện Tịnh Biên, gây nhiều thiệt hại. Trong lúc tình hình biên giới đang diễn ra phức tạp, chính quyền Pôn Pốt còn tiến hành đẩy đuổi hàng chục nghìn Việt kiều, Hoa kiều ở Cam-pu-chia về Việt Nam qua biên giới tỉnh An Giang. Đầu tháng 5-1975, Pôn Pốt đưa lực lượng đánh chiếm đảo Phú Quốc và đảo Thổ Chu. Trên đất liền, chúng dùng pháo, súng cối bắn vào các xã vùng biên giới của Việt Nam; đưa quân bao vây UBND xã Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn), vượt biên giới xâm nhập vào xã Vĩnh Xương (nay thuộc thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang). Chúng còn táo tợn nhổ hàng rào biên giới, cắm cờ Cam-pu-chia vào sâu đất Việt Nam khoảng 300 đến 500m. Pôn Pốt còn bắt dân Việt Nam, lùa trâu bò về bên kia biên giới và cài cắm gián điệp để hoạt động, cắt hết liên lạc ngoại giao cấp tỉnh. Chúng di dân Cam-pu-chia vào sâu bên trong và đưa lực lượng quân sự ra biên giới nguỵ trang thành các nhân viên nông trường để chuẩn bị chiến trường, triển khai lực lượng xuất phát tiến công xâm lược đất nước ta.

Ngày 30-4-1977, trong lúc Đảng, chính quyền, quân và dân tỉnh An Giang đang kỷ niệm hai năm ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, đồng thời bộ đội An Giang đang tổ chức buổi tổng kết đợt công tác đào kênh thuỷ lợi ở huyện Tri Tôn, thì lực lượng Pôn Pốt đã ém quân sẵn trên đất ta, lợi dụng trời tối, nửa đêm đồng loạt tiến công vào 14 xã biên giới. “Với bản chất tàn bạo, quân Pôn Pốt nhằm vào các ấp, xã nơi không có mục tiêu quân sự bắn giết nhân dân, đốt nhà, cướp của gây nên cảnh tang thương cho nhân dân An Giang” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cho biết.

Ngày 14-4-1978, hai sư đoàn quân Pôn Pốt xuất phát từ dãy núi Voi (gần đường biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia) đến đánh chiếm An Giang. Hơn 10 ngày đêm, chúng bao vây, tập trung đánh vào xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn và giết người hàng loạt, giết bất cứ ai mà chúng bắt được. Trong suốt 12 ngày chiếm đóng từ ngày 18 đến 30-4-1978, chúng đã giết chết 3.157 người dân tại xã Ba Chúc, nay là thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn (An Giang).

Màu xanh Ba Chúc

Dẫn chúng tôi thăm Nhà trưng bày chứng tích tội ác của bọn Pôn Pốt và khu nhà mồ Ba Chúc, tại Khu di tích lịch sử Nhà mồ Ba Chúc, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn - nơi ghi lại tội ác dã man của bọn diệt chủng Pôn Pốt đối với nhân dân ta. Ông Lê Văn Phước, sinh năm 1943, một tín đồ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa hằng ngày vẫn tới nhà mồ Ba Chúc lau dọn và dâng hương những oan hồn quá cố, mắt ông Phước cứ đỏ hoe...

Đã 40 năm trôi qua mà tiếng mõ cầu kinh của chùa Tam Bửu vẫn rền rĩ ngân lên, thảm thương như tiếng vọng của những oan hồn. Trong 12 ngày đêm đánh chiếm Ba Chúc, bọn Pôn Pốt đã dìm cả vùng đất này trong biển lửa và máu. Ông Phước nấc nghẹn khi kể về những cảnh tượng giết người hàng loạt của bọn lính Pôn Pốt. Những người dân Ba Chúc từng chứng kiến cảnh tượng ngày ấy bây giờ đều đã già, người còn, người mất, nhưng khi nhắc tới cảnh tượng năm xưa, ai cũng phải rùng mình, ghê sợ vì sự tàn bạo, độc ác, dã man của chúng. Người dân tháo chạy lên núi, tìm các hang sâu ẩn trốn, nhiều người thì tìm đến các ngôi chùa để nương nhờ của thiền môn. Nhưng Pôn Pốt tràn vào chùa Tam Bửu, bắt hơn 800 người đang ẩn nấp tại đây và xua họ đi thảm sát tập thể ở cánh đồng Cầu Sắt và giồng Ông Tướng. Ðối diện với chùa Tam Bửu là chùa Phi Lai, lính Pôn Pốt tràn vào đây và xả súng bắn chết tại chỗ 80 người, 100 người khác kinh sợ bỏ chạy cũng bị chúng dùng báng súng và dùi cui gỗ đánh đến chết, 40 người khác nấp dưới bàn thờ Phật cũng bị chúng tung lựu đạn vào, chỉ còn duy nhất một người sống sót.

Theo lời ông Mến, dẫu trong lúc khói lửa chiến tranh ác liệt, người dân Ba Chúc vẫn cố bám trụ mảnh đất quê hương, vẫn duy trì sản xuất mỗi khi có thể. “Nhưng bọn Pôn Pốt thường đợi khi bà con ra đồng thăm và thu hoạch lúa, dưa là chúng bao vây giết hại. Chúng còn lùa bà con vào chùa, hang núi để giết hại từng người, bằng những cách thức dã man nhất. Đối với phụ nữ, chúng hãm hiếp rồi đập đầu, hoặc xẻo thịt da, trẻ con thì chúng xé xác hoặc đập đầu, dùng chân xéo cho đến chết...”.- Ông Mến bồi hồi nhớ lại. Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị cho biết, trong thời điểm chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra ác liệt, quân và dân tỉnh An Giang vẫn bám trụ xóm làng, duy trì sản xuất, ổn định đời sống, góp phần vào chiến thắng của chiến tranh biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc. “Hồi đó, dân An Giang chủ yếu làm lúa mùa nước nổi. Thời điểm Pôn Pốt đánh chiếm Ba Chúc là mùa khô, nên tổn thất thì có tổn thất lớn, nhưng khi tình hình tạm ổn là nhân dân ta lại trở về lo đồng áng. Quân và dân nhiều địa phương quyết tâm bám trụ trong thời điểm đó như: Đồn Cây Mít, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên; Ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế (nay là phường Vĩnh Tế, TP Châu Đốc) đã được phong Anh hùng”, ông Nguyễn Minh Nhị nói.

Nhưng rồi, ông Mến cũng như bao người dân Ba Chúc nói riêng và nhân dân tỉnh An Giang nói chung gác lại nỗi đau, lấy sức người kiến thiết xây dựng lại màu xanh trên quê hương máu lửa một thời này. Ông Nguyễn Văn Sấm, Bí Thư Đảng ủy thị trấn Ba Chúc cho biết, sau chiến tranh, các thế hệ cha anh đã bắt tay xây dựng lại quê hương từ đống đổ nát. Với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của người dân, Ba Chúc đã khởi sắc hơn về nhiều mặt trong những năm qua. Trong lĩnh vực giáo dục, từ một vùng quê miền núi có trình độ dân trí thấp, đến nay, thị trấn đã có Trường Mầm non đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi; Trường THPT Ba Chúc với tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp 100% liên tục nhiều năm qua; khá nhiều học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh. Đến cuối năm 2018, số hộ nghèo của thị trấn chỉ còn 11% (469 hộ); thu nhập bình quân đầu người đạt gần 42 triệu đồng/người/năm.

Sau những nỗ lực khôi phục sản xuất, đoàn kết vượt qua khó khăn, người dân cùng chính quyền đã chung tay xây dựng Ba Chúc ngày càng phát triển. Tháng 1-2003, Ba Chúc trở thành một trong hai thị trấn của huyện Tri Tôn, kinh tế - xã hội tăng trưởng vượt bậc. Hệ thống điện, đường, trường, trạm của thị trấn về cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cho biết, từ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, Đảng bộ và Chính quyền tỉnh An Giang đúc kết được nhiều bài học quý giá về chủ trương, giải pháp ổn định đời sống, duy trì sản xuất, góp phần vào chiến thắng vẻ vang này. Đồng thời, đây cũng là nền tảng cơ sở thực tiễn bổ sung lý luận trong việc hoạch định đường lối, chủ trương về xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân trong giai đoạn hội nhập và phát triển.