Nhạc sĩ Trọng Bằng, người nghệ sĩ đa tài và quản lý giỏi

Trong khoảng vài năm trở lại đây, mỗi năm giới âm nhạc lại ngậm ngùi tiễn đưa những nhạc sĩ tài danh rời cõi tạm.
0:00 / 0:00
0:00
Nhạc sĩ Trọng Bằng ở tuổi 74. Ảnh: Hội Nhạc sĩ Việt Nam
Nhạc sĩ Trọng Bằng ở tuổi 74. Ảnh: Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Đó là những nghệ sĩ có tâm, có tài, đã đồng hành cùng đất nước, dân tộc bằng âm nhạc, vượt qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc và góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhạc sĩ Trọng Bằng (trong ảnh) là một trong những người như thế.

Giáo sư, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Bằng sinh ngày 1/5/1931 tại Cao Bằng (quê gốc ở Gia Lâm, Hà Nội). Ông hoạt động âm nhạc từ rất sớm, khi còn là học sinh trung học trong những năm kháng chiến chống Pháp ở Liên khu IV (cũ). Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn khoa khóa I, ông tham gia công tác văn nghệ ở mặt trận Trung Lào, sau đó làm đội trưởng Đội Ca nhạc Đoàn Văn công nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam).

Nhạc sĩ Trọng Bằng là người Việt Nam đầu tiên được cử đi học và tốt nghiệp bằng đỏ tại Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô trước đây, năm 1963). Về nước, ông làm giảng viên Trường Âm nhạc Việt Nam và là chỉ huy dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam. Năm 1969, ông tiếp tục làm nghiên cứu sinh cũng tại Nhạc viện Tchaikovsky. Năm 1975, ông được cử làm Phó Giám đốc kiêm Chỉ đạo Nghệ thuật Nhà hát Giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam.

Từ năm 1978 đến 1984, ông là Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), kiêm Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng do chính ông được Bộ Văn hóa ủy nhiệm thành lập. Từ năm 1984 đến 1996, ông là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội. Đây là khoảng thời gian ông đã dành nhiều tâm huyết trong việc đổi mới giáo dục, mở rộng hợp tác quốc tế, góp phần quan trọng đưa Nhạc viện Hà Nội trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn có uy tín không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra quốc tế.

Khi nhạc sĩ Trọng Bằng về Hội Nhạc sĩ Việt Nam, với tư cách là Tổng Thư ký (nhiệm kỳ V và VI), là đại biểu Quốc hội khóa X, tôi có nhiều lần được phỏng vấn, trò chuyện trực tiếp cùng ông. Được tiếp xúc nhiều với nhạc sĩ Trọng Bằng qua công việc và qua nhiều tác phẩm, tôi càng khâm phục sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của ông.

Trong lĩnh vực thanh nhạc, ông có những tác phẩm mang đậm khí phách và hồn thiêng sông núi như: Tình quê hương, Tây Bắc sáng lại, Nhịp máy khoan, Những dũng sĩ Núi Thành, Bài hát bên cầu phao, Trăng sáng trên tuyến đường, Bão nổi lên rồi, Pháo ta gầm, Bài ca người chiến sĩ công an nhân dân, Quê hương vang lên tiếng hát tự hào... Ở mảng khí nhạc, ông để lại dấu ấn trong lòng công chúng qua các tác phẩm tiêu biểu như: Vũ khúc viết cho cello và piano, ouverture Chào mừng (1986), giao hưởng thơ Người về đem tới ngày vui (1990), ouverture fantaisie Chào thiên niên kỷ mới (2000), hai tổ khúc hợp xướng Mùa xuân trên quê hương đổi mới (2002) và Trường ca Tây Bắc (2004). Bên cạnh đó, ông còn viết nhạc phim, nhạc múa, âm nhạc cho sân khấu…

Không chỉ là người sáng tác đa tài, một nhà quản lý giỏi, ông còn là một nhà giáo lỗi lạc với học hàm giáo sư, một nhà chỉ huy tài ba với danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Ông đã từng chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng Moskva và Tashkent trong đợt “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên Xô” năm 1985; chỉ huy Dàn nhạc Electone ở Tokyo, Nhật Bản, mùa hè 1995... Nhiều nghệ sĩ tầm cỡ của các nước Pháp, Thụy Sĩ, Australia, Cộng hòa Liên bang Đức, Nhật Bản, Mỹ... đã đến Việt Nam biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát nhạc vũ kịch, Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện Hà Nội dưới đũa chỉ huy của ông.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha xúc động nhớ lại: “Ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, bao người lính giải phóng áo quần còn lấm bụi trường chinh, chiếc mũ tai bèo khoác sau lưng đã rơi nước mắt khi nghe Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam từ Hà Nội vào Nhà hát Lớn Sài Gòn trình diễn Giao hưởng Định mệnh của L.V. Beethoven. Người chỉ huy dàn nhạc khi ấy chính là Trọng Bằng. Với năng lực chuyên môn, với trí nhớ tuyệt vời khi thuộc chừng 600 bản giao hưởng thế giới, Trọng Bằng là một nhạc trưởng chỉ huy giao hưởng đáng nể trọng”.

Với những đóng góp xuất sắc của mình, Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân, nhạc sĩ Trọng Bằng đã được Đảng và Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (2017) cho cụm tác phẩm: Người về đem tới niềm vui, Trường ca Tây Bắc - Điện Biên Phủ, Chào thiên niên kỷ mới. Chúng tôi là thế hệ hậu sinh, hiện đang được làm việc tại ngôi nhà Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nơi mà ông đã từng gắn bó và dành nhiều tâm huyết góp phần xây dựng Hội phát triển khi giữ cương vị Tổng Thư ký đồng thời là Trưởng ban biên tập Âm nhạc, Hội đồng Quốc gia biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam.

Ông cũng là một trong những lãnh đạo Hội nghĩ đến sự cần thiết phải có một trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc từ những năm 2002 và đã chỉ đạo thực hiện các thủ tục pháp lý để có một Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam lớn mạnh như hôm nay. Những gì ông để lại cho hậu thế thật đáng trân trọng.