Nhạc sĩ An Thuyên: Người nông dân ra phố để... về quê

Chụp ảnh - một cách giải tỏa stress của nhạc sĩ An Thuyên.
Chụp ảnh - một cách giải tỏa stress của nhạc sĩ An Thuyên.

Ông cũng là người nhạc sĩ quê xứ Nghệ được biết đến với những tác phẩm ngọt ngào âm hưởng dân ca: Em chọn lối này, Thư tình của núi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Ca dao em và tôi, Tình ca mặt trời, Neo đậu bến quê... 

Có thể một lúc nào đấy, các thí sinh hay học trò của An Thuyên thấy thầy mình đạo mạo khó tính nhưng với sáng tác của An Thuyên, chỉ thấy sự ngọt ngào và nhân hậu mà thôi.

* Ở tuổi ngoại ngũ tuần với trên 30 năm sáng tác, Con đường âm nhạc lần này có làm ông chờ đợi?

- Nói chung tôi cũng rất bận nên chưa bao giờ có ý định tổng kết công việc của mình nên không chờ đợi. Tôi vẫn tâm niệm rằng mình còn làm việc, còn sáng tác được thì chưa phải lúc để ngắm nghía lại mình. Nhưng VTV muốn thực hiện, tôi coi như là một dịp để nhìn lại cũng như có dịp gặp gỡ công chúng khắp nơi qua truyền hình. 

* Có thể tạm coi những thành công là hoa trái của riêng ông, ông hài lòng điều gì nhất về chúng?

- Tôi là một người nông dân, từ quê ra thành phố rồi lại trở về với làng quê. Những gì học hỏi được từ thành phố, với kiến thức của mình tôi chỉ mong muốn rằng "làng quê" ấy trong mình rộng lớn hơn. Ra đi từ làng quê không nhiều tham vọng, tôi lại được trở về với đúng chất làng quê của mình bằng âm nhạc, đó là điều hài lòng nhất.

* Những tác phẩm trước đây của ông ngọt ngào nhưng gần đây như Tỳ bà, Phật bà nghìn mắt nghìn tay lại thiền hơn. Ông đang thử tai mình hay tai người nghe vậy?

- Con đường thấm đượm âm nhạc dân gian đã là phong cách sáng tác của tôi, song mỗi tác phẩm lại phải mang hơi thở của cuộc sống ở những giai đoạn khác nhau. Nếu như trước đây nó ngọt ngào giản dị bởi đó là khi tôi còn trẻ. Giờ ở tuổi này, cuộc sống có nhiều chiêm nghiệm hơn thì phải viết những gì trẻ hơn, sâu sắc hơn thời tuổi trẻ là dễ hiểu thôi. Sáng tác trước hết là cho mình, tôi không định thử tai ai cả. Viết là để thỏa mãn bản thân, nếu đến được với công chúng thì tác phẩm đã hoàn thành sứ mạng.  

* Trong gia đình, con cái ông cũng theo ngành sáng tác và nghệ thuật. Điều gì ông có thể chia sẻ kinh nghiệm được với họ khi mỗi người đang theo đuổi một con đường riêng?

- Đúng là trong cuộc sống thì cha mẹ có thể dạy bảo con cái được nhưng trong nghệ thuật thì phải độc lập hoàn toàn, có chăng chỉ là động viên chúng có bản lĩnh. Phải có bản lĩnh mới làm được việc lớn. Tuy nhiên, tôi thường dạy chúng rằng, làm nghệ sĩ phải có lòng nhân hậu, yêu thương con người.

* Còn với học trò, nhất là những nghệ sĩ mặc áo lính trong trường của ông?

- Học trò cũng vậy thôi, tôi cũng chỉ mong dạy được họ lòng yêu thương con người. Yêu cầu lớn nhất của người nghệ sĩ áo lính là phải mang trong mình tài năng và tình yêu đất nước, con người.

* Việc trường của ông mới lên bậc đào tạo đại học, điều đó có lẽ mới thực là áp lực đối với nhạc sĩ An Thuyên ở cương vị hiệu trưởng?

- Đúng đây là sức ép quá lớn vì tôi còn phải kiêm nhiệm công tác tại Hội nhạc sĩ vì thế khá nhiều việc phải làm. Trường tôi tuy có tiếng nhưng thực ra lại là một đại học quá non trẻ. Điều tôi lo lắng nhất hiện nay từ cơ sở vật chất cho đến quy trình đào tạo phải phù hợp với thời đại mới... Phải từng bước giải tỏa để bản thân mình có thể làm được cả hai việc: quản lý và sáng tác.

* Đôi khi thấy nhạc sĩ An Thuyên cầm máy ảnh thong thả lắm. Đó là những lúc rảnh rỗi hay nhiếp ảnh là đam mê mới của ông?

- Không thể gọi đây là đam mê gì đâu. Nhiếp ảnh đối với tôi hoàn toàn là giải trí, không có tham vọng gì. Nó đơn thuần là một cách giải tỏa stress mà thôi.

* Xin cảm ơn nhạc sĩ.