Nhà văn Nguyễn Quang Sáng - chất "Phong vị Nam Bộ"

NDO - Ngày 6/12, tại Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Nhà văn Nguyễn Quang Sáng - Cuộc đời và sự nghiệp”, nhân kỷ niệm 10 năm nhà văn ra đi.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (1932-2014) sinh ra tại xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Năm 14 tuổi, cậu thiếu niên Nguyễn Quang Sáng rời nơi chôn nhau, cắt rốn để đi theo kháng chiến.

Tập tành viết lách từ năm 1952 tại rừng U Minh thời chống Pháp, nhưng sau khi tập kết ra Bắc thì Nguyễn Quang Sáng mới có truyện ngắn đầu tay. Đó là truyện ngắn“Con chim vàng” vào năm 1956. Và từ đó, Nguyễn Quang Sáng không chỉ là một “con chim vàng” của văn học Nam Bộ mà còn là một mục từ cá tính trong từ điển văn học Việt Nam.

Đã 10 năm vắng bóng nhà văn Nguyễn Quang Sáng trên đời sống dương gian, nhưng ông chưa bao giờ vắng mặt trong đời sống văn học. Bởi lẽ, tác phẩm của ông vẫn tiếp tục được đọc lại, được ngẫm lại với tất cả sự trân trọng của công chúng và đồng nghiệp.

Hơn nửa thế kỷ cầm bút miệt mài, nhà văn Nguyễn Quang Sáng có một gia tài đồ sộ. Ông gom nhặt từng câu chuyện đời thường và trình bày sinh động trong tác phẩm. Ông có thành tựu đáng kể về tiểu thuyết, truyện vừa, như “Những người ở lại”, “Đất lửa”, “Mùa gió chướng” , “Cánh đồng hoang” và ông cũng được ghi nhận có duyên khi biên kịch với tác phẩm văn học của chính mình cho phim điện ảnh như “Cánh đồng hoang”, “Mùa nước nổi” hoặc “Pho tượng”. Tuy vậy, sở trường đặc biệt của ông nằm ở thể loại truyện ngắn.

Phong vị Nam bộ trong tác phẩm Nguyễn Quang Sáng không dừng lại ở cảnh sắc Nam bộ, mà được ông thể hiện rõ nét hơn qua ngôn ngữ Nam Bộ và tính cách Nam Bộ. Đọc văn ông, dễ dàng mường tượng một không gian Nam Bộ với đầy đủ sự cởi mở, sự thân thiện, sự hào hiệp, sự bao dung...

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh

Theo Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, bước vào thế giới truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng, độc giả được bắt gặp những con người bình dị và lam lũ, mà tình cảm thật phong phú và sức sống thật phi thường. Trong nhiều truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng, có nhiều số phận cay đắng và bẽ bàng vẫn lấp lánh ánh sáng của tin yêu và khát vọng. Nhắc đến truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng phải kể ngay đến những tác phẩm gần như đã thành kinh điển của văn học cách mạng Việt Nam như “Chiếc lược ngà”, “Quán rượu người câm”, “Tư Quắn” hoặc “Bàn thờ tổ của một cô đào”.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng - chất "Phong vị Nam Bộ" ảnh 2

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội thảo.

“Sự độc đáo của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là ông nhìn ra vẻ đẹp bất ngờ ẩn giấu bên trong những con người nhỏ bé và lầm lũi. Họ chịu đựng những thiệt thòi một cách nhẹ nhàng, họ gánh vác những mất mát một cách ung dung để họ được làm chủ chính mình, được cống hiến cho quê hương", nhà văn Bích Ngân nhận xét.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Nhơn, trong các nhà văn thuộc đội ngũ văn nghệ giải phóng miền nam, Nguyễn Quang Sáng có lẽ là nhà văn có phong cách Nam Bộ nhất. Giọng văn của ông hồn hậu, mộc mạc, tự nhiên như cảnh sắc thiên nhiên của Nam Bộ.

Tính cách Nam Bộ thể hiện ngay trong bút danh của ông. Trong khi các nhà văn khác lúc vào miền nam phải đổi bút danh để giữ bí mật, như Nguyễn Văn Bổng đổi thành Trần Hiếu Minh, Lê Khâm đổi thành Phan Tứ, Bùi Đức Ái đổi thành Anh Đức, Nguyên Ngọc đổi thành Nguyễn Trung Thành, Ca Lê Hiến đổi thành Lê Anh Xuân, Bùi Minh Quốc đổi thành Dương Hương Ly… thì Nguyễn Quang Sáng chỉ đơn giản lược bỏ chữ lót trong tên mình để thành Nguyễn Sáng.

“Sức hấp dẫn của truyện Nguyễn Quang Sáng trước hết là ở tài kể chuyện, câu chuyện của ông bao giờ cũng tạo nên một không khí đầy kịch tính với nhiều chi tiết sinh động, đắt giá. Truyện của ông thường có những kết thúc bất ngờ, thú vị, như Quán rượu người câm, Chiếc lược ngà, Bông cẩm thạch,... chẳng hạn”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Nhơn cho biết thêm.

Có thể nói, 10 năm nhà văn Nguyễn Quang Sáng ra đi, người ở lại càng nhận ra khoảng trống khi văn học Việt Nam mất đi cây đại thụ. Ông không chỉ đóng góp to lớn vào sự nghiệp văn học nước nhà mà truyền cảm hứng cho những người cầm bút thế hệ nối tiếp. Đó cũng là lý do để nhiều thế hệ cầm bút, nhiều độc giả có mặt tại buổi Hội thảo nhằm tri ân, tôn vinh và tưởng niệm về ông.