Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đã viết - đã chơi và đã sống

NDO -

NDĐT- Bạn bè nói ông Sáng ham chơi. Ông đi nhiều, nhậu khoẻ tới mức khiến nhiều người tự hỏi, chẳng hiểu ông sáng tác vào lúc nào. Đồng nghiệp văn chương lại trầm trồ, rằng ông Sáng có sức làm việc đáng nể. Số trang viết của ông nhiều tới mức khiến không ít người thắc mắc, rằng viết khỏe đến vậy thì còn đâu thời gian rảnh mà lang thang, thu nạp vốn sống. Chỉ tác giả “Chiếc lược ngà” biết rõ, với ông, hai khái niệm ấy không thể tách rời: “Chơi để viết và viết để chơi. Đơn giản vậy thôi”.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Viết

Nhận xét về “một trong những con khủng long quý hiếm của nền văn học thời chiến trận mà tác phẩm không có hận thù”, nhà văn - nhà phê bình văn học Ngô Thảo tổng kết bằng một câu ngắn gọn nhưng không thể đầy đủ hơn: “Nhà văn sinh ra vốn được mặc định phải gánh trên vai rất nhiều trọng trách. Riêng ông Sáng chẳng chịu gánh cái gì nhưng mang lại một gánh sách cho đời, âu cũng là một trường hợp đặc biệt”.

Với nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Quang Sáng là “nhà văn của đồng bằng Nam Bộ”. Bởi “văn chương của ông hồn hậu, mang được hơi thở, phong cách lẫn khẩu khí, phong độ của người dân Nam Bộ rất rõ. Tôi thấy anh làm văn không hề cầu kỳ. Đọc văn anh có cảm giác như được tiếp xúc với cuộc đời thật, với hơi thở cuộc sống thật, với những con người thật mình đã từng gặp đâu đó”.

Nói ông mang lại cả gánh sách không sai, khi nhìn vào một danh sách rất dài các tác phẩm văn xuôi (Con chim vàng, Người quê hương, Nhật ký người ở lại, Đất lửa, Chiếc lược ngà, Bông cẩm thạch, Cái áo thằng hình rơm, Mùa gió chướng, Người con đi xa, Dòng sông thơ ấu, Bàn thờ tổ của một cô đào, Tôi thích làm vua, 25 truyện ngắn, Paris - tiếng hát Trịnh Công Sơn, Con mèo của Foujita, Nhà văn về làng….) cũng như các kịch bản phim điện ảnh – truyền hình (Cánh đồng hoang, Pho tượng, Cho đến bao giờ, Mùa nước nổi, Dòng sông hát, Câu nói dối đầu tiên, Thời thơ ấu, Giữa dòng, Như một huyền thoại, Con khỉ mồ côi và mới nhất là 30 tập phim truyền hình Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt….).

Vài năm về trước, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã chuyển về quận bảy (Thành phố Hồ Chí Minh). Mảnh đất ngoại thành với căn nhà cũ nát mà ông mua ngày nào, giờ qua bàn tay cậu con trai cả là kiến trúc sư đã biến thành căn biệt thự ba tầng lầu thoáng đãng, yên bình. Khoảnh sân nhỏ trước nhà rợp bóng mát cây sa - kê, chiếc bàn nhỏ không bao giờ thiếu ấm trà Thái Nguyên đậm đà, thức uống ông trót nghiện từ những ngày sống và làm việc ở Hà Nội. Ông lặng lẽ ngồi đó, làn khói thuốc mỏng mảnh vờn quanh mái tóc bạc trắng như cước của tuổi bát thập. Nghe ông bạn thân Ngô Thảo bình luận, ông trầm ngâm nhìn tôi, gật đầu: “Chơi chữ thú vị đấy”.

Tự nhận “viết để chơi”, nhưng Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn làm việc cực kỳ nghiêm túc. Trong Kỷ yếu Hội nhà văn Việt Nam, ông tự bạch: “Tôi bắt đầu cầm bút năm 1952, hồi còn ở rừng U Minh đánh Pháp. Mãi tới 1956, truyện ngắn đầu tiên Con chim vàng mới được in trên báo Văn nghệ. Đã hơn nửa thế kỷ cầm bút, có một số tác phẩm, một vài giải thưởng nhưng tôi luôn tự hỏi, mình đã thật sự là nhà văn hay chưa? Đó là lời tự vấn nghiêm túc và khắc nghiệt. Tôi đã, đang và sẽ trả lời trên trang viết”.

Trong cuộc trò chuyện hôm đó, ông tâm sự với kẻ hậu sinh- là tôi - rất nhiều điều gan ruột. Ông bảo, mình chỉ có thói quen viết tay. Cũng đã có lần thử dùng máy tính, nhưng nhìn cái màn hình là thấy mất hứng. Ngày còn trên rừng, ông toàn ngồi võng sáng tác. Bản thảo hoàn thành là nhân viên điện đài chuyển ngay ra Hà Nội. Vì thế, chỉ sau một tuần, người dân Nam Bộ đã được nghe Chiếc lược ngà qua sóng phát thanh.

Viết, với ông, là chép ra giấy những điều đã nghĩ rất chín trong đầu. Nhiều truyện đã theo đuổi ông cả chục năm nhưng thấy chưa chín nên nhất định chưa đặt bút. Ông thai nghén những tác phẩm mới của mình mọi lúc, mọi nơi. Đang uống rượu, đang hàn huyên với bè bạn ở quán cà phê vỉa hè hay đang ngồi xe taxi, những cốt truyện, chi tiết vẫn không ngừng ám ảnh ông. Ông cười, đời văn có chút thành công nào là nhờ chịu đi, chịu học. Tuổi trẻ cứ phơi phới theo chân bộ đội, lời ăn tiếng nói của người dân Nam Bộ cứ thế nhập vô mình, rồi bước vào trang viết, riết rồi biến thành nét riêng không trộn lẫn.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đã viết - đã chơi và đã sống ảnh 1

Với nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong buổi ra mắt tập sách Nguyễn Quang Sáng với bạn bè.

Ông cũng bảo, “Tôi mê chi tiết. Viết văn mà không có chi tiết đắt thì giống y chang xã luận còn gì. Tôi nghĩ, văn học là tổng hợp của những chi tiết. Mà chi tiết trong đời sống thì chẳng ai có thể sáng tác được. Tôi luôn tránh dùng cụm từ đi thực tế sáng tác, bởi phải sống thật trong thực tế mới có đủ vốn liếng để viết. Vào chiến trường, bom đạn đâu biết anh là nhà văn mà chừa ra. Cũng nhờ những chuyến đi, tôi mới biết xẻ dọc Trường Sơn dù sao cũng khó chết hơn bởi đi chút, nghỉ chút. Nhưng hành quân trên đồng nước Cửu Long thì đừng hy vọng nghỉ ngơi. Trực thăng luôn soi đèn, Dakota thả pháo sáng, đi giữa đêm vẫn phải ngụy trang. Nấu cơm không được có khói, tắm sông không để lại gợn sóng, con gà trống được đạp mái nhưng không được phép gáy… Vì thế, tôi mới có những cây sứ cùi, mới có chi tiết cô giao liên bán bánh tằm rất đắt hàng vì người ta đồn cô se bánh bằng cái bắp vế của cổ (truyện ngắn Xã đội trưởng), anh Bảy Ngàn cởi quần trỏ c. lên trời trêu thằng lái trực thăng cho bõ ghét (truyện ngắn Một chuyện vui). Rồi vì gái điếm vô đồn Mỹ, nổi hứng xin lính cho bắn thử mà khá nhiều bộ đội ta thương vong vì pháo đĩ…. Những hạt vàng ấy, tôi tài cán cỡ nào mà hư cấu cho nổi”.

Chơi

Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn mang đậm đặc chất anh Hai Nam Bộ, “làm hết sức, chơi hết mình”. Ông chậm rãi kể tôi nghe, lan man đủ chuyện thú vị, từ chơi tới nhậu.

“Hồi mới tập kết ra bắc, người ta biết tới tôi vì chức vô địch giải bóng bàn chứ không phải vì tập bản thảo Đất lửa cất dưới đáy ba lô. Trước đó, tôi nổi tiếng về tài chơi đàn băng-giô, rồi còn tập tọng sáng tác nữa đấy. Nhớ ca khúc đầu tay, ca từ chiều mòn sương vương bị chỉ huy phê bình, tôi thất vọng quá nên mới bỏ nhạc quyết định chuyển qua viết văn đấy chứ. Nhưng âm nhạc luôn là yếu tố không thể thiếu trong đời tôi. Đất lửa thành hình từ giai điệu Giọt mưa thu tôi nghe một đồng đội huýt sáo trong lúc chờ qua lộ Cái Sắn, đồn bốt giặc đóng giăng giăng. Sau này, tôi vẫn có thói quen nghe nhạc khi ngồi vào bàn viết. Nhận nhuận bút kịch bản được ba nghìn đô-la, mang mua đất thì giàu to nhưng tôi quyết định mua cây đàn piano cho Dũng (đạo diễn điện ảnh Nguyễn Quang Dũng) học nhạc. Ông Lân “kính”, chủ nhà hàng Lotus chắc vẫn chưa quên hình ảnh tôi chạy xe gắn máy chở hai thằng con trai (đều đặn hai đêm một tuần trong vòng mấy năm trời) tới tầng hầm trong quán ông thưởng thức nhạc bán cổ điển. Sự cần mẫn nghe nhạc của ba cha con đã khiến khối vị khách ngạc nhiên đấy”.

Ông cười hiền: “Đã ngoài 80 nhưng tôi vẫn chơi hoài. Vài năm trước, ngày của tôi luôn bắt đầu nơi quán cóc cà phê lề đường. Ngồi với đủ loại người, nghe đủ loại chuyện. Giờ về nhà mới, xa trung tâm nhưng bạn bè gọi đi nhậu là tôi hiếm khi từ chối. Bạn rượu bây giờ phần đa đều ít tuổi hơn tôi. Ngày còn trẻ, tôi chọn chơi với mấy ông già để học hỏi. Giờ họ lẫn cẫn, già lão y như tôi, học gì nữa. Vì thế, tôi chọn ngồi với người trẻ, họ sẽ bắc nhịp cuộc sống hôm nay để mình không trở nên lạc hậu. Nói vậy thôi chứ dù đã ở tuổi bát tuần, tôi vẫn phải lao động, để cái đầu không bị mụ mẫm. Năm 2008, tôi vẫn còn rong ruổi làm một chuyến đi khắp miền tây, cùng một doanh nghiệp xây lại kiên cố những cây cầu khỉ cho bà con đỡ cực. Mới đây, để hoàn thành kịch bản 30 tập Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt, tôi vẫn phải về lại những địa danh đã gắn với ông Sáu Dân năm xưa lấy cảm xúc. Mọi người hay đùa tôi, “già rồi mà vẫn còn gân lắm”.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đã viết - đã chơi và đã sống ảnh 2

Hát với các đồng nghiệp trong Hội thảo Văn học Việt Nam – Hoa Kỳ sau chiến tranh.

“Nhớ lần chuẩn bị đi B, tôi ra quán cơm tám giò chả nổi tiếng ở phố Huế, bao nguyên một bàn và mời khách chung quanh cùng ăn. Có người thưa tới tận Hội Nhà văn Việt Nam rằng tôi chơi ngông, lãnh đạo Hội cười xòa, “cha Nam Bộ sắp vào chiến trường, còn ít tiền cho xài nốt chứ để làm chi”. Bạn bè bảo, đến chơi cũng đúng kiểu anh Hai, bất cần, phóng khoáng, tôi nhớ mãi”.

Nghe tôi tò mò, vặn vẹo chuyện nhậu của ông, vốn cũng nổi tiếng không kém những trang viết, nhà văn cười lớn. “Những ngày lặn lội khắp chiến trường, tôi luôn là người gan lỳ nhất. So tinh thần với lính tráng thì tôi không dám, nhưng đâu có súng nổ là ở đó có tôi. Có người bảo, chắc nhờ rượu, tôi thấy cũng có lý. Có lần, đưa tụi tôi về căn cứ, cô giao liên ôm theo cây súng trường. Tôi nói: Dẹp, cân lên xem súng nặng mấy ký rồi đổi ngang cho tôi từng đó ký rượu, uống cho đã. Đang băng rừng mà gặp trực thăng thì rất nguy hiểm, có tí men rượu, mình không còn sợ, chân tay đỡ run”.

“Tôi mang tiếng chơi nhiều, nhờ vào rượu là chính. Mà lạ thật, tuổi già cái gì cũng xuống, chỉ mỗi tửu lượng là lên. Tôi uống nhiều nhưng rất hiếm người chứng kiến tôi say. Nhậu giờ đã trở thành nhu cầu giao tiếp, tôi uống nhưng nghe nhiều hơn nói, vì dân nhậu, khi đã sương sương thường không nói dối bao giờ. Tôi học được nhiều, nảy ra nhiều ý tưởng hay cũng từ bàn nhậu”. Và như một định mệnh, ông đã chọn cách “từ biệt thế giới này, sau một giấc ngủ trưa dài, ngay sau bữa rượu trưa” - như nhà thơ Nguyễn Duy bàng hoàng thông báo với đông đảo bạn hữu, khi nghe tin ông đột ngột qua đời.

Và sống

Nguyễn Quang Sáng là nhà văn quảng giao. Ông chơi nhiều, quen nhiều và thân thiết với rất nhiều người, thuộc nhiều giới, nhiều lứa tuổi khác nhau. Ông bảo, trong cuộc đời, ông luôn chọn cách sống hồn nhiên, vô tư, không đối phó với bất cứ ai, bất cứ điều gì. “Đừng bao giờ nghĩ tới điều xấu, đừng làm hại bất kỳ ai. Viết văn thì đừng nghĩ đến tiền. Cứ sáng tác bằng toàn bộ tâm sức, đừng khoác lên vai nhà văn những trách nhiệm, nghĩa vụ quá nặng nề. Chơi giúp tôi viết rất tự nhiên, không gò bó, không câu nệ triết lý, tư tưởng. Viết giúp tôi được đi, được chơi, được trải nghiệm và được sống trọn vẹn hơn. Cuộc đời tôi, vậy cũng đã thỏa nguyện lắm rồi”.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Sinh năm 1932 tại xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Trong kháng chiến chống Pháp, ông gia nhập quân đội và hoạt động ở chiến trường miền nam. Sau năm 1954, ông tập kết ra bắc và bắt đầu sự nghiệp viết văn. Những năm kháng chiến chống Mỹ, ông quay lại miền nam, cùng tham gia cuộc kháng chiến và tiếp tục sáng tác (cho cả hai loại hình văn học và điện ảnh) từ đó cho tới khi rời xa cõi tạm vào ngày 13-2-2014, hưởng thọ 82 tuổi.

Ngoài nhiều giải thưởng văn học và điện ảnh, ông vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II, năm 2000 cho cụm tác phẩm: Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Chiếc lược ngà, Đất lửa.