Nhà văn Lê Lựu là một trong những tên tuổi lớn của văn học Việt Nam ở thập niên 80. Ông sinh ngày 12/12/1942 tại Xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Theo thông tin từ Bảo tàng Văn học Việt Nam, nhà văn Lê Lựu nhập ngũ sớm, từng làm phóng viên báo Quân khu Ba, phóng viên mặt trận tại chiến trường 559.
Ông đã theo học Trường Bồi dưỡng viết văn Quảng Bá (của Hội Nhà văn Việt Nam), làm biên tập viên, Trưởng Ban Văn xuôi rồi Thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ quân đội.
Ông về hưu với quân hàm Đại tá. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến “Người cầm súng” (truyện ngắn, 1970), “Phía mặt trời” (truyện ngắn, 1972), “Đánh trận núi Con Chuột” (truyện dài thiếu nhi, 1976), “Mở rừng” (tiểu thuyết, 1977), “Ở phía sau anh” (tiểu thuyết, 1980), “Ranh giới” (tiểu thuyết, 1977)… Nhưng tiêu biểu nhất trong sự nghiệp cầm bút của ông là hai tiểu thuyết “Thời xa vắng” (năm 1986) và “Sóng ở đáy sông” (năm 1994).
Nhà văn Lê Lựu từng giành nhiều giải thưởng văn học như giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ (1967-1968) với truyện ngắn “Người cầm súng”, giải A Hội Nhà văn Việt Nam (1984) với tiểu thuyết “Thời xa vắng”, giải nhất cuộc thi do Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Văn hóa và các cơ quan liên quan tổ chức 1970-1971 với truyện vừa “Người về đồng cói”.
Ông từng được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I năm 2001.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ về nhà văn Lê Lựu: “Với “Thời xa vắng”, Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tư tưởng của “Thời xa vắng” đã bẻ một bước ngoặt của văn học Việt Nam kể từ 1954. Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh.
Ông chính là sứ giả hòa bình Việt Nam đầu tiên, người phá băng đầu tiên trong quan hệ Việt-Mỹ để cùng các nhà văn cựu binh Việt Nam và Mỹ kêu gọi Chính phủ Mỹ phá bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Lê Lựu đã sáng tạo ra những nhân vật còn sống mãi với người đọc Việt Nam như Giang Minh Sài. Và Lê Lựu cũng là một nhân vật đặc biệt của nền văn học Việt Nam”.