1/Cuộc thi truyện và ký 2018 - 2020 về đề tài “Nông nghiệp, nông thôn và đời sống, sự nghiệp của các doanh nhân” do Quỹ nhà văn Lê Lựu phát động đã tìm ra được những chủ nhân xứng đáng cho một Giải đặc biệt, hai Giải nhì, hai Giải ba và năm Giải tư.
Hằng năm, có đến hàng chục cuộc thi viết được quảng bá rầm rộ, nhưng số lượng sân chơi văn chương để lại ấn tượng như cuộc thi của Quỹ nhà văn Lê Lựu không nhiều. Nhà văn Đặng Chương Ngạn, người vừa giành được Giải nhì cuộc thi đưa ra quan điểm: Thứ nhất, cuộc thi qua các mùa đã tạo được niềm tin cho nhiều cây bút thành danh tham gia như: Vương Trọng, Nguyễn Trí, Bích Ngân, Nguyễn Trọng Tân, Vân Thảo, Phạm Thị Bích Thủy, Lê Ngọc Minh, Du An... Thứ hai, Ban Giám khảo cuộc thi là những nhà văn tên tuổi như: Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Trường, Lê Minh Khuê, Khuất Quang Thụy, Văn Chinh... Và thứ nữa, đề tài nông nghiệp, nông thôn luôn có một sức hút đặc biệt đối với hầu hết mọi cây bút.
2/Trong bài viết này, xin phép bàn sâu hơn về các truyện ngắn đoạt giải, thể loại liên tục áp đảo cả về số lượng lẫn chất lượng qua ba mùa thi. Bảy truyện ngắn được vinh danh là bảy câu chuyện đa dạng về bút pháp, độc đáo về giọng điệu, phong cách. Từ những cây bút trẻ như Lữ Mai, Vũ Thị Huyền Trang cho đến những nhà văn đã định hình được dấu ấn như Bích Ngân, Lê Đức Hân... đều có những nỗ lực, bứt phá đáng ghi nhận.
Nếu “Nước mắt của rừng” (Giải tư) của Trần Hậu Thịnh riết róng gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn chặt phá rừng và những quy luật nhân - quả mà con người phải trả giá, bằng mạch truyện gay cấn, hồi hộp đến ngộp thở thì “Rượu bốn mươi năm” (Giải tư) của Bích Ngân lại khắc khoải mang đến những ưu tư, trăn trở về sự thay đổi trong nếp sống, nhận thức của giới trẻ trước những giá trị văn hóa giản dị của cuộc sống đang dần bị lu mờ, coi rẻ bởi những thú vui ăn chơi xa xỉ khiến nhân vật ông Út, một người thương binh trở về từ chiến tranh, vốn rất can trường, bản lĩnh cũng phải “nước mắt ầng ậc trào ra”, “nức nở không thành tiếng”.
Hai truyện ngắn cùng đoạt Giải tư khác là “Núi cựa” của Lữ Mai và “Chợ tóc” của Vũ Thị Huyền Trang đều gieo vào lòng độc giả những cảm xúc buồn thương theo những cách khác nhau. Bằng văn phong mềm mại, giàu chất thơ và kỹ thuật kể chuyện nhuần nhuyễn phảng phất không khí u hoài pha trộn với hơi thở hiện đại, Lữ Mai khéo léo dẫn dắt độc giả vào mê cung của những giấc mơ chắp nối, những dự cảm đa mang và những cuộc tìm kiếm mỏi mòn, vô định. Nhưng rồi, như một quy luật muôn thuở của đời sống, nếu có duyên, hẳn nhiên còn gặp lại; và nếu đủ thành tâm, sẽ có người thấu cảm. Bởi mọi mất mát hay cách xa, thậm chí là những hiểu nhầm, chính là “phép thử để đo lòng người”.
Không có những phân cảnh bi kịch giằng xé, nhưng “Chợ tóc” vẫn đủ khiến người đọc day dứt và ám ảnh về những người phụ nữ quê nghèo phải cắn răng bán đi mái tóc, thứ “trang sức” quý giá nhất trong cuộc đời của họ để có tiền trang trải cho cuộc sống mưu sinh chật vật. Vũ Thị Huyền Trang là nhà văn có tài miêu tả nội tâm nhân vật. Vài phác gợi thoáng qua cũng đủ vẽ nên chân dung của những người vợ, người mẹ với từng nét lam lũ, tảo tần, khắc khổ. Đến chợ tóc, “phiên chợ của đàn bà, của những chiu chắt và hy sinh. Của đau đáu và hoài niệm. Của dịu dàng và nổi loạn” để thấy cả người mua và người bán tóc đều lặng lẽ kìm nén, âm thầm chịu đựng những nghịch cảnh nghẹn ứ ưu phiền...
3/Ấn tượng hơn cả trong những truyện ngắn đoạt giải là “Mái tranh nghèo của mẹ” (Giải nhì) của nhà văn Đặng Chương Ngạn. Đây là truyện ngắn chỉn chu về câu chữ, sắc sảo về chi tiết và rõ ràng về thông điệp. Đọc truyện ngắn này, nhiều độc giả thầm nghĩ, phải là người am hiểu và có trải nghiệm chân thực về ngành xây dựng lắm mới viết sống động và lôi cuốn đến vậy. Không những thế, với sự mở rộng biên độ thời gian thông qua trường suy tưởng, truyện ngắn này còn gợi ra nhiều hình dung về chiến tranh và thân phận người lính. Có lẽ, xuất thân từ một kỹ sư xây dựng và tâm hồn luôn “nặng trĩu những nỗi buồn khi nhớ đến chiến tranh”, tác giả hoàn thiện tác phẩm này một cách trọn vẹn nhất.
Ngoài ra, các truyện ngắn “Chuyện tình rong biển” của Lê Đức Hân (Giải ba) và “Chăn voi” (Giải tư) của Trần Nguyên cũng là những truyện ngắn khá, công phu và mang đến nhiều suy nghiệm. Tin rằng, trong thời gian tới, đây vẫn tiếp tục là sân chơi chuyên nghiệp, uy tín để các tác giả trên cả nước tin tưởng gửi gắm những đứa con tinh thần của mình.