Nhà thơ Dương Tường và dự án “Chiều buông đầy tiếng thở dài”

Nhà thơ Dương Tường.
Nhà thơ Dương Tường.

Những kỷ niệm ấu thơ, một cuộc đời bão tố và đầy đam mê được tái hiện trong vương quốc thi ca. Đó cũng là cuộc đối thoại giữa nhà thơ, dịch giả Dương Tường với Nguyễn Minh Thành (tranh, sắp đặt), Nguyễn Quang Huy (video), Vũ Dân Tân (piano ngẫu hứng) và Trương Tân (trang phục). Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Dương Tường quanh "Chiều buông đầy tiếng thở dài".

 - Thưa ông, ông có thể tiết lộ một chút về dự án này cho độc giả được không?

 - Đó là một cuộc triển lãm của tôi và các bạn trẻ: Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Quang Huy, Vũ Dân Tân, Trương Tân. Trong đó, tôi sẽ đọc thơ và trình diễn ngẫu hứng, Thành lo về tranh và sắp đặt, Huy làm video, Dân Tân chơi piano ngẫu hững còn Trương Tân thì nhận làm trang phục cho buổi trình diễn cuối cùng của tôi.

Tôi sẽ mặc một bộ trang phục rất đặc biệt, một áo thơ cho nhà thơ. Nó sẽ hoành tráng đấy. Đây là triển lãm đầu tiên của tôi và cũng là hình thức triển lãm thơ đầu tiên ở Việt Nam. Tôi chỉ có thể nói đến đây thôi. Tôi không muốn nói nhiều vì chưa làm xong.

- Ý tưởng về triển lãm sắp đặt, thơ, nhạc, tranh vẽ, video này được hình thành như thế nào, thưa ông?

- Nó xuất hiện tình cờ trong một buổi chuyện trò giữa tôi với Dominic (Tham tán Văn hóa của Đại sứ quán Pháp). Dominic muốn xem những bài thơ tiếng Pháp của tôi rồi thì ý tưởng này xuất hiện. Dominic nói rằng L'Espace muốn làm một cái gì đó về tôi. Tôi thấy cũng hay hay. Thế là OK! Chúng tôi cùng làm.

- Thưa ông, có bao nhiêu bài thơ được trình diễn trong triển lãm này?

- Tôi chọn 14 bài thơ bằng tiếng Pháp. Chúng được viết khi cảm hứng làm thơ đến với tôi bằng tiếng Pháp.

- Ông có thể cho biết tại sao chủ đề của triển lãm lại là “Chiều buông đầy tiếng thở dài”?

- Chủ đề của triển lãm được lấy từ một trong 14 bài thơ tiếng Pháp mà tôi sẽ trình diễn trong chiều hôm đó. Đó là Le soir est tout soupirs và được tạm dịch ra tiếng Việt là Chiều buông đầy tiếng thở dài. Đó là một bài thơ tạo hình theo trục dọc, trục ngang. Bài thơ này chỉ có một câu nhưng có rất nhiều bè. Nó cũng gần như một thứ thư đồ thi.

- Ông luôn nói rằng với ông, thơ mới là nghiệp chính, nhưng công chúng lại biết đến ông như là một dịch giả nhiều hơn là một nhà thơ.

Dương Tường sinh năm 1932 ở Nam Định. Ông là nhà thơ, dịch giả, phóng viên, phê bình nghệ thuật, sân khấu, văn học, âm nhạc, điện ảnh... Độc giả Việt Nam biết đến: Cuốn theo chiều gió, Anna Kerenina, Cái trống thiếc, Người xa lạ, Những con đường xứ Flandres, Truyện ngắn của Tchekhov, kịch của Shakespeare, Henrik Ibesen... do Dương Tường dịch. Ông đã xuất bản một số tập thơ: 36 bài tinh, Đàn, Mea culpa và những bài khác.

- Có lẽ vì tôi đã dịch tới hơn 50 tác phẩm nên mọi người nghĩ rằng dịch là sự nghiệp của tôi. Thực ra, suốt đời tôi vật vã với thơ. Thơ như một cái nghiệp của tôi ngay từ khi tôi còn rất trẻ nhưng dịp xuất hiện của nó lại quá hiếm hoi nên công chúng không được biết đến. Tôi dịch lúc đầu chỉ vì yêu văn chương, muốn đọc các tác phẩm văn học nước ngoài bằng nguyên ngữ nên tự học ngoại ngữ để được đọc những tác phẩm văn học nước ngoài cho... sướng. Sau này trong những ngày tháng nghèo đói, tôi phải tìm cách mài chữ ra mà bán, nuôi vợ con. Tiền nhuận bút dịch có đủ nuôi vợ con một cách vất vả.

+ Trong các tác phẩm mà ông đã dịch có những tác phẩm như “Con đường xứ Flandres”, “Cái trống thiếc". Đây là những tác phẩm không phải ai cũng hiểu được. Nếu là dịch để kiếm sống tại sao ông không chọn những tác phẩm dễ dịch hơn để kiếm được tiền nhanh hơn?

- Tôi thích làm những cái khó. Người ta làm những cái ở cùng tầm với mình thì không phải cố gắng không phải vươn lên, còn nếu làm dưới tầm mình thì không bõ. Tôi muốn làm cái gì đó khó hơn mình một tí ở mức nếu mình cố gắng hết mức, kiễng chân thì với tới được và như thế, mình cứ nhích dần dần lên, dần lên. Đó là cách tôi tự vượt lên mình.

- Thưa ông, sau "Chiếc trống thiếc" ông đang dịch tác phẩm nào?

- Tôi đã dịch khá nhiều từ hồi đó đến nay. Hiện lại, tôi đang dịch Mặt trận của dòng họ Scapler.

- Xin cảm ơn ông!